Bé 14 tháng tuổi cận kề cái chết vì uống nhầm dầu hỏa

15:55 | 04/10/2017;
Thấy chai dầu hỏa để ở góc nhà, bé H. bèn mở ra uống. Sau khi uống, bé bị sặc dầu, ho liên tục và được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng tím tái, suy hô hấp nặng.
Chiều ngày 4/10, bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (BV Nhi TƯ) cho biết, BV vừa cấp cứu cho bệnh nhi Phạm M.H. (14 tháng, Hưng Yên) bị tím tái, suy hô hấp nặng do uống nhầm dầu hỏa.

Gia đình cho biết, trước đó bé chơi ở trong nhà. Thấy chai dầu hỏa để ở góc nhà, bé bèn lấy uống. Sau khi uống, bé bị sặc dầu, ho liên tục. Gia đình phát hiện bèn đưa bé đến BV Đa khoa Hưng Yên cấp cứu trong tình trạng khó thở, tím tái, suy hô hấp nặng. BV đã tiến hành đặt nội khí quản rồi nhanh chóng chuyển bé đến BV Nhi TƯ cấp cứu.

parafin.jpg
Chai đựng dầu hỏa mà bé H. đã uống phải
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi do hít phải dầu và có dấu hiệu suy hô hấp cấp tính (ARDS). Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành điều trị bằng thở máy thông thường nhưng không đáp ứng với điều trị. Sau đó, bé xuất hiện suy đa tạng như suy hô hấp cấp tính, suy tuần hoàn... Bệnh nhi được chỉ định hỗ trợ máy thở cao tần, bơm surfactant và lọc máu liên tục và theo dõi chặt các dấu hiệu chức năng sống.

Tuy nhiên, diễn biễn sức khỏe của bé vẫn tiếp tục xấu đi nhanh chóng, nguy cơ tử vong cao. BV quyết định đặt ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể) để cấp cứu cho bé.

Sau 3 ngày chạy ECMO, tình trạng sức khỏe của bé H. tiến triển tốt. Kết quả chụp X-quang cho thấy, phổi bé sáng dần, các chỉ số huyết áp, khí máu và nội môi của bệnh nhi trở lại bình thường, bệnh nhân được cai ECMO. 3 ngày sau đó, bé tiếp tục được cai máy thở, hiện trẻ đã hoàn toàn hồi phục tự thở tốt, tỉnh táo hoàn toàn, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Tại khoa Hồi sức cấp cứu, mỗi năm tiếp nhận hàng chục trường hợp bệnh nhi bị nguy kịch do uống, hít nhầm hóa chất. Nguyên nhân là bởi các bé rất hiếu động và tò mò muốn khám phá mọi thứ.
 
Theo bác sĩ Tuấn, phụ huynh không nên đựng rượu, dầu đốt đèn hoặc các loại hóa chất trong chai, lọ như chai lavie, trà xanh, C2… Nếu đựng trong các chai, lọ này thì cần để cao, xa tầm tay của trẻ nhỏ để trẻ không bị uống nhầm.

Khi trẻ bị ngộ độc dầu hỏa, gia đình cần bình tĩnh đưa trẻ đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không được tự ý gây nôn cho bé vì nếu bị nôn, hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản làm trẻ bị viêm phổi. Đồng thời, hơi của dầu hỏa này xâm nhập đường hô hấp gây tổn thương phế nang. Cộng thêm tình trạng sặc dầu hỏa vào phổi thì tổn thương ở phổi càng nặng nề hơn. Phụ huynh nên dùng nước muối loãng súc miệng hoặc lau rửa miệng cho trẻ bị ngộ độc dầu hỏa.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn