Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, bệnh nhi này đang điều trị tại khoa, đã qua cơn nguy kịch. 3 ngày trước, bệnh nhi được cấp cứu trong tình trạng bỏng diện tích khá rộng 25-30% từ phía ngực xuống hai bên sườn, cả bộ phận sinh dục, một số chỗ bị bỏng sâu. Hiện bệnh nhi tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.
Các bước sơ cứu khi trẻ bị bỏng |
Bác sĩ Nguyễn Thống cho biết thêm, mẹ bé quá hoảng hốt nên không nhớ hết được sự việc lúc đó. Chỉ biết khi cầm vòi xịt cho con thấy bé khóc thét, mẹ nhìn vào vòi nước nghi ngút, phần chỉnh nước sang phần nóng nhiều, da bé còn non đỏ một mảng. Ngay lập tức cả nhà vội đưa bé đi cấp cứu.
Vào mùa đông, số trẻ bị bỏng tăng hơn các mùa khác. Hầu như gia đình nào cũng sử dụng bình nóng lạnh, nhiều khi nhầm lẫn hay không để ý, trẻ nghịch hoặc chính cha mẹ gạt sang nước nóng mà không biết nên dễ dẫn đến tai nạn bỏng.
“Người lớn phải cẩn trọng, không để những vật dễ gây bỏng trong tầm với của trẻ hoặc nơi trẻ thường qua lại. Khi trẻ tắm cần có sự giám sát của người lớn, để cẩn thận cha mẹ chú ý khi lấy nước tắm cho con thì nên lấy nước lạnh trước, hoặc để nước ở vị trí ấm” bác sĩ Nguyễn Thống nói.
Khi trẻ bị bỏng, không dùng kem đánh răng, các loại thuốc bôi lên vết bỏng, mà tốt nhất dùng nước mát sơ cứu sau đó chuyển thẳng đến cơ sở y tế. Do trẻ còn nhỏ, trong thời tiết rét đậm cho dù diện tích bỏng rộng cũng không nên để thời gian tiếp xúc với nước mát sơ cứu quá lâu, trẻ dễ bị nhiễm lạnh.