Bé 3 tuổi được mẹ dạy 11 điều về giáo dục giới tính

08:29 | 08/04/2023;
Nhiều phụ huynh vẫn còn e ngại khi giáo dục giới tính cho con. Tuy nhiên, việc này cần thực hiện càng sớm càng tốt.

Giáo dục giới tính cho trẻ là điều vô cùng cần thiết và quan trọng để giúp con tự bảo vệ chính bản thân mình. Theo các chuyên gia tâm lý, ngay khi con biết đi và nói chuyện, trẻ cũng nên bắt đầu tìm hiểu về cơ thể của mình. Đây chính là lúc cha mẹ nên giáo dục giới tính cho bé.

Chị Vân Anh (sống tại Hà Nội) cho biết giáo dục giới tính là chủ đề con gái chị được dạy thường xuyên. Và dưới đây là 11 điều bà mẹ trẻ làm khi giáo dục con về giới tính trong độ tuổi nhỏ. Những điều này bố mẹ nên dạy cho bé từ 2 đến 4 tuổi. 

1. Dạy con phân biệt giới tính

Đây là một khái niệm mà mẹ có thể dạy con từ 2 tuổi, khi con bắt đầu phân biệt được các đặc điểm khác nhau giữa bạn nam và bạn nữ. Ví dụ như: Bạn nữ sẽ mặc váy và bạn nam sẽ mặc quần. Bạn nữ có thể để tóc dài và bạn nam cắt tóc ngắn hẳn. Những đặc điểm bên ngoài của 2 giới sẽ là điều dễ nhận biết nhất với con.

Con cũng có thể phân biệt nhóm giới tính ngay với các thành viên trong nhà. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho con phân biệt giới tính từ các nhân vật trong truyện mà con đọc hàng ngày. Lúc này, 2 mẹ con sẽ có kha khá thứ để bàn luận nếu nhân vật đó là những con vật như Peppa Pig và Sói Wolfoo.

2. Dạy con phân biệt toilet

Sau khi con phân biệt giới tính rồi, con sẽ phân biệt kí hiệu trên toilet. Mỗi khi đến một địa điểm công cộng, từng nơi sẽ có kí hiệu khác nhau cho toilet nam và nữ. Mẹ có thể cùng con phân biệt thông qua các lần đi trải nghiệm như vậy. Quá trình này, con sẽ học được cách so sánh, đối chiếu, tưởng tượng và liên hệ tốt hơn.

3. Dạy con phân biệt nơi thay quần áo

Thi thoảng chúng ta sẽ thấy con đang thay đồ dở và con chạy ù một cái ra phòng khách. Đó là lúc chúng ta cần dạy con về không gian thay đồ an toàn (ngay cả khi ở nhà). Phòng ngủ và nhà tắm là 2 nơi thay đồ an toàn mà Sóc được dạy. Con sẽ không để hở cơ thể (đặc biệt là vùng riêng tư) ở phòng khách hoặc nơi đông người.

4. Dạy con nhận biết vùng riêng tư trên cơ thể

2 vùng riêng tư mà Sóc được dạy gọi là "vùng tuti" và vùng quần chip (và mình cũng dùng từ vùng riêng tư để gọi khi giao tiếp với con luôn). Thi thoảng chúng ta sẽ đi biển và bể bơi, và mình luôn đảm bảo con sẽ luôn che chắn 2 vùng này (dù là em bé và con có thể mặc quần đùi không). Những lúc tắm, 2 mẹ con cũng sẽ trao đổi với nhau về vùng riêng tư và vùng bình thường (như tay chân, mắt mũi, miệng, đầu...).

Về việc tắm cùng con, ban đầu, mình có thử tránh việc thay đồ và tắm cùng Sóc. Nhưng con vẫn luôn tò mò về cơ thể của mẹ, nên hiện tại mình đã cởi mở việc này với con. Có những vùng của người lớn sẽ khác với trẻ con, và chắc chắn con sẽ cười phá lên hoặc con muốn chạm tay vào.

Mình đã nói chuyện rất thẳng thắn với con là cơ thể của mẹ thay đổi để có con, sự thay đổi đó là dành cho con. Ngực mẹ sẽ to lên và đó là nơi chứa sữa ngày trước cho con "tuti", Sóc hoàn toàn thấy thoải mái và con hiểu điều đó. Tại sao chúng ta phải xấu hổ với chính con gái của mình, trong khi con cũng sẽ có những thay đổi đó sau này? Với các bé trai, tất nhiên, mẹ cũng sẽ cần có sự riêng tư hơn bé gái, và những điều này sẽ không cởi mở được như khi mẹ trò chuyện với bé gái. Nhưng mẹ vẫn cần thẳng thắn trò chuyện với con về giới tính.

5. Đừng quát mắng hay cố gắng phản đối khi con tò mò và chạm vào vùng riêng tư

Bố mẹ sẽ thường coi việc sờ vào vùng riêng tư là một cái gì đó rất ngượng ngùng và nghiêm trọng. Nhưng thực ra, trẻ con đâu có nghĩ nhiều như thế. Con chỉ đơn giản đang tò mò về cơ thể của mình thôi. Việc phát hiện ra 2 cái tuti trước vùng ngực chả khác gì 2 cái tai ở 2 bên mà bỗng một ngày đẹp trời soi gương, con lại nhìn thấy cả. Khi con chạm vào vùng riêng tư, hãy đơn giản trò chuyện như những vùng khác trên cơ thể. Khi chúng ta không phản ứng gì, con cũng sẽ qua vài lần mà bỏ đi.

Thi thoảng Sóc tò mò như vậy, mình sẽ bắt đầu ngạc nhiên: Ồ, con mới khám phá ra một vùng khác trên cơ thể hả, vùng đó để làm gì nhỉ, lúc tắm mình phải lưu ý làm sạch cả những vùng này nha. Thi thoảng, mình cũng sẽ nói thêm cho con vài thông tin như: Vùng đó da rất mỏng, móng tay của con cứng và có nhiều vi khuẩn, con có thể làm đau bản thân nếu không cẩn thận. Và vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào khiến con bị ốm đấy. Qua vài lần, Sóc cũng sẽ thôi tò mò về một vùng của cơ thể và chuyển sang vùng khác.

6. Dạy con về quần chip nhỏ

Sóc luôn mặc quần chip. Dù con đang mặc quần dài, con vẫn sẽ có quần chip bên trong. Nếu mặc váy, mình sẽ để con mặc quần chip dạng đùi. Thói quen mặc quần chip từ sớm sẽ khiến con không phản đối sau này và nó sẽ thành một việc dĩ nhiên với con. Hơn nữa, quần chip cũng có chất liệu mềm, phần đũng cũng được thiết kế khác với quần dài, nên sẽ đảm bảo vùng riêng tư của con không bị đau. Khi gấp quần áo, mình cũng sẽ thoải mái để nói với Sóc rằng mẹ cũng sẽ có quần chip như thế. Và khi con thấy mẹ cũng mặc như vậy, con sẽ không phản đối.

7. Không để con tắm chung với người khác giới

Thi thoảng, nhà có 2 chị em/anh em khác giới, bố mẹ sẽ thường để các con tắm chung với nhau và thấy rằng các con còn bé sẽ không vấn đề gì. Nhưng thực tế chúng ta không nên như vậy, hãy luôn để ranh giới từ bé và để các con phân biệt được phạm vi riêng tư của mình và của người khác giới.

Khi tắm cho các con, bố mẹ cũng nên thông báo trước cho con về việc mình sẽ giúp con tắm rửa những vùng riêng tư cho sạch sẽ. Điều đó thể hiện sự tôn trọng với con, với cơ thể của con, và con sẽ biết được việc không tự ý chạm vào vùng riêng tư của người khác. Nếu ai đột ngột chạm vào vùng riêng tư của con, tự con cũng sẽ có cảnh báo về những hành vi như vậy. Khi con lớn dần, hãy xin phép con và hỏi rằng liệu con có cần sự trợ giúp từ mẹ trong việc tắm rửa.

8. Con có thể nói KHÔNG với mọi người khi con chưa sẵn sàng cho những cái ôm hay đụng chạm cơ thể

Thi thoảng con về quê, các bác hay muốn ôm ấp và thơm Sóc. Mình chưa từng bảo con là con ra bác bế đi. Bác gái thì thường Sóc sẽ thoải mái hơn trong việc này, nhưng các bác trai thì Sóc không thoải mái lắm. Lúc đó, hãy hỏi con rằng con có sẵn sàng không, mẹ ở đây và con sẽ an toàn, nếu con sẵn sàng con có thể ra, còn nếu không thì thôi. Mẹ đừng sợ mất lòng người lớn mà bảo con ra ôm ấp, hay để bác thơm má. Với con, họ hàng vẫn là những người không thân thiết lắm, vì con chưa thực sự hiểu một vòng gia đình với các mối liên hệ phức tạp trong hệ thống gia đình và xã hội. Ai quen con và thân thiết thì con thoải mái hơn thôi. Hãy tôn trọng cảm xúc của con lúc này. Mình cũng từng thẳng thắn chia sẻ với bác rể của Sóc rằng: Sóc chưa sẵn sàng, và em cũng dạy con là con cần có giới hạn thoải mái với người khác giới; sau đó, bác hoàn toàn thoải mái và bảo: À ra vậy.

9. Luôn nhắc nhở con: No kissing, No hugging, Just seeing

Một câu thần chú của nhà Sóc: Không hôn đâu, không ôm đâu, chỉ nhìn thôi nhá. Đấy là cách con sẽ phản hồi khi người lạ muốn ôm ấp mình. Câu này hết sức ngắn gọn và Sóc rất dễ nhớ.

10. Dạy con về vòng tròn an toàn

Tối qua chúng mình vừa có một cuộc trò chuyện ngắn về vòng an toàn của Sóc. Vòng an toàn nhất: Con có thể để lộ vùng riêng tư: Là với mẹ và bà ngoại. Vòng an toàn thứ 2: Con có thể thoải mái ôm ấp với ai: Mẹ, bà, bố. Vòng an toàn thứ 3: Con có thể sẵn sàng để ai ôm ấp và thơm má: bác Kiu, bác Hằng, bà Hương, bà Hạnh, bà Loan, bà Hoan... Vòng an toàn thứ 4: Con sẵn sàng để ai nắm tay: Các bác trai như bác Huy, bác Hiệp, bác Hưng...

11. Luôn nói về những ngữ cảnh đặc biệt

Như ở trên lớp, các cô trực tiếp dạy con sẽ là nhưng người giúp con thay đồ, bảo vệ con và đảm bảo con an toàn. Con có thể nghe theo các cô và ôm các cô.

Khi con đi viện, các bác sĩ (không phân biệt giới) sẽ kiểm tra những vùng trên cơ thể con để xem con khoẻ hay ốm. Thông thường, mẹ cũng không nhất thiết phải thông báo cho con đó là bác sĩ nam hay nữ sẽ khám cho con, bởi các bác sĩ cũng không bao giờ phân biệt bệnh nhân nam nữ. Sự thông báo trước vô tình gợi cho con một lối suy nghĩ phân biệt. Khi con khám, lớn dần con thấy không thoải mái, mẹ và con lại tiếp tục nói về chủ đề này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn