Bé 5 tháng tuổi co giật bởi ngộ độc chì vì bố mẹ cho dùng thuốc cam
18:10 | 22/06/2017;
Để bồi bổ cho con, bố mẹ bé đã mua thuốc cam về cho uống. Khi bé có biểu hiện biếng ăn, nôn mửa, co giật toàn thân gia đình mới đưa đến BV cấp cứu. Tại đây, bé được xác định bị ngộ độc chì nặng do sử dụng thuốc cam.
Ngày 22/6, bác sĩ Dương Văn Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (BV Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết, thời gian gần đây, BV tiếp nhận nhiều trẻ bị ngộ độc chì, trong đó có bé bị co giật dẫn đến hôn mê do sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc.
Mới đây nhất, ngày 16/6/017, bệnh nhi Bùi Anh. D. (5 tháng tuổi, xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, Thái Bình) được gia đình đưa đến cấp cứu trong tình trạng biếng ăn, nôn tự nhiên, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, co giật toàn thân,...
Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng chì trong máu của D. là 65 µg/dL, trong khi ngưỡng chấp nhận là không quá 5 µg/dL (cao gấp 13 lần), tức bị nhiễm độc chì rất nặng. Các bác sĩ phải điều trị tích cực bằng thở máy, an thần, bù nước điện giải, chống co giật, truyền máu cho bé.
Gia đình cho biết, do bé bị viêm da cơ địa nên đã mua thuốc cam về bôi da cho bé trong khoảng 20 ngày. Gần đây, gia đình phát hiện bé có biểu hiện co giật, tím tái, bỏ bú nên đưa vào BV cấp cứu. Tại đây, bé được xác định bị ngộ độc chì rất nặng. Hiện tại, bệnh nhi vẫn đang được điều trị tại BV.
Nằm cùng phòng với D. là bé Liễu Thùy V.(10 tháng tuổi, Xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn). Bé V. cũng đang trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc chì. Gia đình cho biết, trước đó bé bị ngã xe và đập vùng mặt xuống nền cứng. Sau ngã, bé tỉnh, không sốt, không nôn, bầm tím vùng mặt. Gia đình đã mua thuốc Cam cho bé sử dụng.
Gần đây, bệnh nhi quấy khóc, khò khè, nôn, co giật, gia đình đưa vào BV khám. Theo bác sĩ Linh, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng xuất hiện nôn, co giật toàn thân. Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, cho thấy bé bị ngộ độc chì nặng và đang được theo dõi và điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu.
Theo bác sĩ Linh, thuốc cam là một loại thuốc Đông y có thành phần từ rất nhiều những cây thuốc Nam và dược liệu kết hợp. Từ xưa, thuốc cam đã được các bà các mẹ tin là thứ thuốc bổ, giúp con hết biếng ăn, ăn tốt, mau tăng cân hoặc dùng để chữa các bệnh lở loét, tưa lưỡi, viêm nhiễm, tiêu chảy cho trẻ em.
Nếu là thuốc cam đã được cấp phép, thì trong thành phần sẽ không có chì và việc sử dụng rất tốt cho bé. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết thuốc cam được bán không rõ nguồn gốc, xuất xứ và trong thành phần có hàm lượng chì rất lớn nhưng vẫn được rất nhiều bà mẹ mua dùng cho con.
Năm 2012, Viện Hóa học đã kiểm tra 500 mẫu sản phẩm “thuốc cam” và bệnh phẩm thì có 98/100 mẫu có hàm lượng chì cao (đặc biệt có mẫu 85% chì). Hầu hết, các mẫu này không được đăng ký kiểm định, cũng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Khi sử dụng thuốc cam có chì, thì chất độc sẽ ngấm dần vào cơ thể và gây ra rất nhiều tổn hại. Ví như, về thần kinh: Trẻ sẽ có các biểu hiện cấp tính như: tăng kích thích, co giật, ngủ lịm từng lúc, hôn mê, liệt. Các biểu hiện lâu dài, không điển hình: chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học được, học kém. Về tiêu hóa: Trẻ có thể bị nôn, đau bụng, chán ăn. Về máu, nếu sử dụng lâu ngày, da xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu. Đặc biệt, nếu trẻ bị ngộ độc nặng có thể dẫn tới tử vong.
Ngoài ra, việc chẩn đoán, điều trị với trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc chì rất khó khăn. Các bác sĩ phải kết hợp nhiều chuyên khoa như Hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, sinh hóa, huyết học,... mới xác định được ngộ độc chì. Ngay cả khi tìm ra bệnh thì việc điều trị cũng rất gian nan, đòi hỏi thời gian dài, kéo theo đó là những tổn thương về thể chất và trí não khó có thể hồi phục.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh không nên cho trẻ uống thuốc cam bừa bãi không rõ nguồn gốc để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.