Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận bé gái dưới 10 tuổi (ở TP.HCM) có cơ thể như một thiếu nữ đến khám vì dậy thì sớm. Tại thời điểm khám, bé gái cao 1m53.
Cha mẹ bệnh nhi cho biết, trước đó, thấy con gái có chiều cao vượt trội, cha mẹ đã rất vui và hãnh diện, nghĩ rằng, sau này con sẽ cao như người mẫu. Tuy nhiên, khi biết nguy cơ trẻ dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng lớn về chiều cao khi đến tuổi trưởng thành, họ rất lo lắng.
Theo các bác sĩ, cần khuyến khích trẻ tập các bài có tác dụng kéo giãn cơ thể giúp phát triển chiều cao toàn diện hơn. (Ảnh minh họa)
Dậy thì sớm là tình trạng trẻ phát triển các đặc tính thứ phát, đánh dấu sự trưởng thành về sinh dục sớm hơn bình thường, trước 8 tuổi với bé gái và trước 9 tuổi với bé trai. Trẻ dậy thì sớm sẽ phải chịu nhiều nguy cơ và hậu quả, trong đó có ảnh hưởng về phát triển chiều cao. Đó là, trong độ tuổi tiền dậy thì và dậy thì, trẻ sẽ phát triển chiều cao rất nhanh, nhưng sau này trẻ có nguy cơ trở thành một thanh niên thấp lùn.
Theo bác sĩ Vũ, bệnh nhi trên là một trong những trường hợp điển hình các bé dậy thì sớm phát triển chiều cao nhanh đến khám tại bệnh viện. Có một điểm chung là hầu hết cha mẹ đưa con đến khám dậy thì sớm đều lo lắng về chiều cao của con sau này. Họ luôn đặt câu hỏi với bác sĩ: Làm thể nào để con mình có thể cải thiện được chiều cao?
Phân tích về ảnh hưởng của dậy thì sớm đối với vấn đề chiều cao của trẻ, bác sĩ Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, bình thường, trẻ có tuổi xương và tuổi thực bằng nhau. Nhưng với trẻ dậy thì sớm, tuổi xương sẽ lớn nhanh hơn tuổi thực. Vì vậy, những trẻ này sẽ ngừng phát triển sớm hơn các bé cùng trang lứa.
Khi con dậy thì sớm, phụ huynh càng nên gần gũi, quan tâm và động viên con. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Hải từng gặp nhiều phụ huynh đưa con đến khám dinh dưỡng cho rằng con có chiều cao tốt lúc mới lớn thì sau này sẽ cao vuột trội. Họ không ngờ rằng, khi trẻ bước qua tuổi dậy thì hay khi đến tuổi trưởng thành, con lại thấp bé hơn bạn cùng lứa.
Thực tế, có nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, các bé gái dậy thì sớm sẽ có chiều cao thấp hơn các bạn cùng trang lứa khoảng 12cm, còn ở bé trai là khoảng 20cm. Tuy nhiên, nếu trẻ được điều trị phù hợp và kịp thời thì có thể cải thiện chiều cao rõ ràng, khoảng 8-10 cm. Chẳng hạn, một trẻ dậy thì sớm từ 6 tuổi, nếu không điều trị thường chỉ cao 1m50, nếu được điều trị liên tục đến năm 10 tuổi thì khi trưởng thành, chiều cao của trẻ sẽ được cải thiện và có thể đạt 1m58-1m60.
Theo bác sĩ Hải, để trẻ dậy thì sớm phát triển chiều cao, cần đồng bộ ba biện pháp: thể thao, thói quen tốt và dinh dưỡng.
Với thể thao, cần khuyến khích con vận động thường xuyên, nhất là tập các bài tập có tác dụng kéo giãn cơ thể.
Trong sinh hoạt hằng ngày, cần tập cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ, không thức quá khuya, tránh học tập và làm việc quá sức.
Hạn chế cho trẻ thường xuyên dùng thức ăn nhanh để tránh béo phì, giảm nguy cơ dậy thì sớm. (Ảnh minh họa)
Vấn đề then chốt là chế độ dinh dưỡng. Theo bác sĩ Hải, ngoài cung cấp cho trẻ chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, cha mẹ cần chủ động bổ sung canxi hằng ngày cho con theo nhu cầu cơ thể của trẻ. Đặc biệt, chúng ta cần lựa chọn các loại canxi và các thực phẩm giàu canxi có tác dụng giúp xương, răng và tóc trẻ phát triển tốt. Cần tăng cường rau xanh, trái cây, thực phẩm có nhiều protein để trẻ phát triển chiều cao tốt hơn.
Tuy nhiên, cần hạn chế cho trẻ ăn thức ăn nhanh, thực phẩm biến đổi gen, thức ăn quá nhiều đường ngọt bởi nhóm thực phẩm này khiến trẻ dễ béo phì và dễ dẫn đến dậy thì sớm.
Bác sĩ Hải khuyến cáo, các phụ huynh khi phát hiện con có biểu hiện dậy thì sớm, ngoài đưa trẻ đi khám chuyên khoa nội tiết, cũng nên khám về dinh dưỡng để biết con cần bổ sung chất nào và bổ sung sớm càng tốt. Nếu chúng ta càng để muộn, nguy cơ xương của trẻ đóng sớm sẽ khó có khả năng để cải thiện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn