Bé gái 12 tuổi tử vong sau điều trị sốt xuất huyết

18:52 | 17/06/2016;
Nữ sinh Phạm Như Quỳnh đi khám và được kết luận bị sốt xuất huyết. Em được điều trị ngoại trú, khi biểu hiện nặng được đưa vào bệnh viện nhưng tử vong sau 1 ngày.
Thông tin trên được ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai xác nhận. Bệnh nhân tử vong là Phạm Như Quỳnh (12 tuổi, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai).

Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao kéo dài, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, buồn nôn nên gia đình đưa đến BV Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai (TP. Pleiku) khám. Tại đây, bệnh nhân được xác định dương tính với sốt xuất huyết và được điều trị ngoại trú. Đến chiều ngày 11/6, bệnh nhân có biểu hiện mệt và được đưa vào BV. Tuy nhiên, do bệnh đã trở nặng nên dù các bác sĩ đã cố gắng cấp cứu, nhưng bệnh nhân đã tử vong vào ngày 12/6.

Theo ông Hải, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 1.293 ca sốt xuất huyết, tăng 1.206 ca so với 6 tháng năm 2015, trong đó 1 trường hợp tử vong.
hoa-chat-diet-muoi-khong-anh-huong-den-suc-khoe.jpg
Phun hóa chất để diệt muỗi nhằm phòng tránh bệnh sốt xuất huyết
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti.

Phần lớn trường hợp bị bệnh sốt xuất huyết đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại các cơ sở y tế. Nếu bệnh nhân sốt cao từ 39 độ C trở lên, thì sẽ dùng thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo đang mặc và lau mát bằng nước ấm. Ngoài ra, gia đình cần cho bệnh nhân uống nhiều nước sôi để nguội, nước trái cây như nước dừa, nước cam, nước chanh hoặc uống nước cháo loãng với muối.

Trong quá trình điều trị ngoại trú, nếu bệnh nhân có dấu hiệu nguy hiểm như vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng gan, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc hì cần cho bệnh nhân nhập viện ngay để các y bác sĩ xử trí kịp thời.

Hiện tại, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, để phòng bệnh người dân cần tiến hành các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt; thực hiện dọn vệ sinh môi trường chỗ ở, trong nhà; khi ngủ mặc quần áo dài tay và ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn