Sở hữu vẻ bề ngoài ''lai tây" xinh xắn và biệt tài ngôn ngữ, bé gái Elizabeth Nguyễn (sinh năm 2018) từng được mệnh danh là ''con nhà người ta'' khiến cộng đồng mạng trầm trồ. Elizabeth mang trong mình 2 dòng máu Việt - Ukraine, mang theo những đặc trưng và sở thích từ bố và mẹ. Từ lúc 3 tuổi, cô bé đã nói lưu loát tận 5 thứ tiếng là tiếng Trung, tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Ukraina và tiếng Nga.
Rất nhiều phụ huynh mong muốn được tìm hiểu về phương pháp chăm sóc và giáo dục con của gia đình bé Elizabeth. Mới đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bố của Elizabeth là Tiến sĩ, nhà giáo Nguyễn Quốc Tư (sinh năm 1991). Ông bố trẻ cũng sở hữu loạt thành tích xuất sắc trong quá trình học tại Trung Quốc cũng như các lớp tiếng Trung giảng dạy miễn phí cho hàng chục ngàn người yêu tiếng Trung. Dân tiếng Trung hầu như đều biết đến tên của thầy. Anh tốt nghiệp Tiến sĩ Ngôn ngữ Đại học Ngôn Ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc), Thạc sĩ ngôn ngữ Đại học Cát Lâm (Trung Quốc), Cử nhân công nghệ thông tin Đại học Hà Nội. Thành thạo 4 ngôn ngữ Việt - Anh - Trung - Nga.
Bé Elizabeth Nguyễn.
- Cả anh và bà xã đều là những người rất giỏi ngôn ngữ, biết nhiều thứ tiếng, đó có phải là lợi thế để con gái anh chị cũng giỏi ngôn ngữ?
Việc bố mẹ biết nhiều ngôn ngữ là một yếu tố cực kỳ quan trọng để con có được khả năng ngôn ngữ từ sớm. Cũng giống như các môn năng khiếu hoặc nghề nghiệp khác, việc bố mẹ và gia đình theo nghề gì sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến con, vì vốn dĩ các con là một trang giấy trắng, cuộc sống, con người và môi trường xung quanh sẽ quyết định con phát triển ra sao.
- Với những gia đình bố mẹ ít hoặc không biết chút gì tiếng nước ngoài thì việc dạy con chắc chắn khó hơn nhiều?
Con của một họa sĩ tài ba thường vẽ rất giỏi; con của một ca sĩ nổi tiếng thì từ nhỏ cũng hát không tồi. Tuy nhiên có những họa sĩ, những thiên tài âm nhạc đi lên từ bản thân và chỉ bản thân họ. Vậy bố mẹ biết ít ngoại ngữ không có nghĩa là sẽ không có cơ hội để con học giỏi ngoại ngữ. Nếu trong nhà không có "môi trường ngoại ngữ" cho con thì bố mẹ có thể tạo ra môi trường thông qua 3 cách: cho con đi học ngoại ngữ, học ngoại ngữ cùng con hoặc tạo môi trường ngoại ngữ cho con qua các tư liệu âm thanh, hình ảnh, tivi hoặc cho con học tại các trường song ngữ.
- Cụ thể, con gái anh học từng ngôn ngữ như thế nào?
Sinh ra trên đất Bắc Kinh, gia đình cũng giao tiếp bằng tiếng Trung, Elizabeth nhanh chóng tiếp thu được tiếng Trung và có thể nói chuyện với người Trung Quốc như người bản ngữ. Bố đi làm bận, Elizabeth thường ở nhà với mẹ, 2 mẹ con chủ yếu dùng tiếng Ukraina nói chuyện với nhau cũng như nói chuyện với gia đình nhà ngoại khiến bé nhanh chóng tiếp thu và sử dụng thành thạo ngôn ngữ thứ 2. Ngôn ngữ tiếp theo là tiếng Nga do sự tương đồng khá lớn với tiếng Ukraina và bé xem hoạt hình của Nga khá nhiều nên cũng nhanh chóng thích nghi và giao tiếp được.
Khi bé được 2 tuổi rưỡi, gia đình chuyển về Việt Nam, tại nhà trẻ bé được học song ngữ Anh - Việt, chưa đầy 1 năm, bé biết thêm 2 thứ tiếng, tiếng Việt bé nói thành thạo như các bạn người Việt cùng lớp, tiếng Anh nói cũng rất tự nhiên.
Vẻ đẹp của bé gái nhận được vô số lời khen của cư dân mạng.
- Theo anh, bé thích ngôn ngữ nào nhất?
Trẻ nhỏ thường chưa có khái niệm đam mê với ngôn ngữ gì, thực sự khi còn nhỏ việc ''chuyển ngữ'' chỉ là một phản xạ tự nhiên của các bé, các bé chưa ý thức được mình đang nói tiếng gì, chỉ là bé thành thạo nhất thứ tiếng gì thì hay nói và muốn nói bằng thứ tiếng đó thôi. Elizabeth sinh ra tại Trung Quốc nên bé học được tiếng Trung sớm nhất, có xu hướng dùng tiếng Trung nhiều nhất, một thời gian sau khi bố đi làm, bé ở cùng mẹ nhiều thì bé dùng tiếng Ukraina nhiều hơn, hiện tại vì bé sống tại Việt Nam nên bé ưu tiên dùng tiếng Việt khi có thể giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đến bây giờ Elizabeth tròn 4 tuổi mới ý thức được rõ ràng hơn về sự khác biệt của các ngôn ngữ và bắt đầu có thể phiên dịch giữa các thứ tiếng cho người khác khi cần thiết.
- Đã bao giờ con nói rằng con không thích hoặc không muốn học ngôn ngữ nào chưa?
Vợ chồng mình chưa từng có các tiết học ngôn ngữ chính thức cho con, trường mẫu giáo song ngữ nơi Elizabeth học cũng cho trẻ tiếp xúc tiếng Anh một cách rất tự nhiên nên con không cảm nhận là mình đang học nên chưa bao giờ phản đối hay bỏ cuộc với thứ tiếng nào cả. Các bố mẹ hãy cố gắng tìm cách để các con học ngoại ngữ mà không có cảm giác mình đang học, đó là điều tuyệt vời nhất.
- Anh có đặt ra mục tiêu hay nguyên tắc nào khi con học ngôn ngữ hay không?
Nguyên tắc của vợ chồng mình là: không ép con và để con làm điều con thích, điều con giỏi. Mục tiêu tuy không rõ ràng nhưng mình đang cố gắng cổ vũ, động viên để con có hứng thú với những ngôn ngữ hoặc bộ môn nghệ thuật mà mình nghĩ là con sẽ phù hợp.
- Nếu con nói rằng mình không thích học nữa thì anh sẽ ứng xử như thế nào?
Elizabeth chưa bao giờ nói ''con không thích học nữa'' như mình giải thích ở trên vì con không cảm nhận là con đang học. Tuy nhiên, nếu các con đã nói điều này thì bố mẹ nên hiểu rằng con không sai. Có lẽ chính chúng ta đang sai về cách giảng dạy ngôn ngữ cho con, có câu châm ngôn đã nói ''người thầy tài ba là người thầy biết truyền cảm hứng'', vậy nếu con không có hứng học thì mình phải xem lại. Bản thân mình cũng vậy, nếu vấn đề đó xảy ra mình sẽ tìm kiếm xem ''nguyên nhân lõi'' là gì và tìm cách khắc phục.
- Theo anh, việc biết nhiều thứ tiếng sẽ đem lại cho con lợi ích gì?
Việc con biết nhiều ngôn ngữ sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Người ta thường nói ''biết thêm một ngôn ngữ, sống thêm một cuộc đời'', quả thực là vậy, ngôn ngữ chính là văn hoá, là thứ tinh túy của một quốc gia, một bộ phận con người, khi học ngôn ngữ của họ chúng ta hiểu hơn về họ, lại gần hơn với họ và được sống trong thế giới của họ.
Quan niệm cũ cho rằng, ngôn ngữ chỉ là công cụ, khả năng chuyên môn mới là cốt lõi, bản thân tôi với tư cách là người trong nghề giáo dục ngôn ngữ, tôi không hoàn toàn tán thành quan điểm này, với sự phát triển của xã hội ngày nay, ngôn ngữ hoàn toàn có thể là trình độ chuyên môn chứ không còn là công cụ nữa, bên cạnh đó, khi học ngôn ngữ con người thường trở nên cởi mở và bao dung hơn, não bộ hoạt động cũng linh hoạt hơn. Học ngoại ngữ cũng giúp trẻ kết giao với nhiều người từ nhiều nền văn hóa khác nhau, mở ra nhiều cơ hội mới cho tương lai của trẻ.
- Bé nhà anh có tính cách như thế nào? Con có trải qua giai đoạn khủng hoảng không? Anh có sợ sự nổi tiếng đến sớm sẽ khiến con dễ mất phương hướng?
Bé nhà mình có tính cách xen giữa bố và mẹ, tính mạnh mẽ cá tính và nguyên tắc của mẹ, tính điềm đạm nhưng hiếu thắng của bố. Tuy nhiên mọi người thường đánh giá con ngoan và nghe lời bố mẹ.
Về chuyện khủng hoảng tuổi, bản thân mình thì chưa nhưng trong thời gian dịch bệnh mẹ ở nhà trông con cả ngày, cả tháng, cả năm cũng có áp lực rõ rệt, hiện tại trong giai đoạn 4 tuổi bé đôi khi cũng bướng nhưng mình biết được điều đó, tìm hiểu một số sách nuôi dạy con và áp dụng phương pháp dạy con theo hướng tự lập, khích lệ động viên từ phía nhà mẹ cũng đang thấy phát huy hiệu quả.
Mình không lo ngại nhưng cũng không ''chiêu trò'' để con nổi tiếng sớm, mình nghĩ cả gia đình cứ làm tốt nhất, điều gì đến cũng sẽ đến, mình thường nhìn sự vật, sự việc theo hướng tích cực nên cũng không quan ngại quá nhiều.
Bố mẹ của Elizabeth Nguyễn muốn con được phát triển tự nhiên trong môi trường phù hợp.
- Với bé gái, anh có quan điểm dạy dỗ khác biệt nào không? Để con phát triển tự nhiên hay đặt ra quy tắc ngay từ đầu?
Với bé gái mình nghĩ đa phần sẽ bám bố hơn mẹ, vậy những ông bố hãy làm tấm gương thật sáng cho các nàng ''công chúa'' của mình để các con luôn được tự hào về bố. Điều đó có lẽ là động lực lớn nhất để con thành công. Việc phát triển tự nhiên hay quy tắc không có câu trả lời tuyệt đối, bố mẹ nên thống nhất những nguyên tắc giáo dục con trong quá trình con phát triển và cố gắng để con phát triển tự nhiên trong một môi trường phù hợp nhất với con.
- Là 1 tiến sĩ ngôn ngữ, anh có định hướng cho con như thế nào?
Tuy hai vợ chồng mình đều học đến Tiến sĩ nhưng chúng mình không có định hướng cho con trở thành tiến sĩ hay giáo sư như mọi người thường nói. Vợ chồng mình tôn trọng ý kiến của con, kết hợp định hướng cho con những điều tốt nhất mà con cũng có hứng thú và có năng khiếu về mảng đó.
Nếu con có mong muốn làm người mẫu hay diễn viên chuyên nghiệp mình cũng ủng hộ. Tuy nhiên việc học tập văn hóa và ngôn ngữ mình cũng sẽ luôn luôn động viên để con có được sự giáo dục tốt nhất song hành cùng với các ước mơ hoài bão về nghệ thuật của con.
- Xin cảm ơn những tâm sự chân thành và gần gũi của anh!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn