Bác sĩ Xiang Yongsheng, bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện thuộc Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, Trung Quốc, nơi Xiao Mei điều trị, cho biết cô bé rơi vào tình trạng gần như vô thức khi được đưa đến bệnh viện vào sáng ngày 11/12.
Ông tiết lộ tại thời điểm đó, áp lực bên trong sọ của Xiao Mei rất lớn và cô bé có các triệu chứng tương tự như giai đoạn đầu của thoát vị não. Điều này có thể là do mủ tích tụ hoặc do nhiễm khuẩn, nấm.
Sau ca phẫu thuật 5 giờ, họ đã hút ra 8ml mủ và áp xe (một vùng mô viêm) khỏi não của Xiao Mei.
Bác sĩ cho biết áp xe dài 4.5cm, rộng 3.5cm, dày 3cm, được phát hiện dưới thùy thái dương bên phải (Thùy thái dương là một trong 4 thùy chính của não, nằm phía sau và phía dưới thùy trán, có nhiệm vụ xử lý cảm giác đầu vào từ mắt, tai và mũi).
Theo các thành viên gia đình của Xiao Mei, em bắt đầu bị sốt, chóng mặt và cứ lịm đi khoảng 2 tuần trước. Họ nghĩ em bị cúm. Tuy nhiên tình trạng thể chất của Xiao Mei ngày một tồi tệ. Em bắt đầu bị nhức đầu, nôn mửa và bỏ ăn 3 ngày. Lúc này, gia đình mới quyết định đưa em đến bệnh viện.
Sau khi hỏi gia đình Xiao Mei, bác sĩ Xiang phát hiện, vài tuần trước, mẹ của em đã nặn mụn đầu đen trên mũi em. Mẹ em nói những nốt mụn đầu đen ảnh hưởng đến vẻ ngoài của em nên cô đã quyết định xử lý chúng.
Từ đó, bác sĩ Xiang suy luận, chính việc không làm sạch tay trước khi nặn mụn cho con của mẹ Xiao Mei đã khiến em bị nhiễm trùng MRSA (một loại vi khuẩn có khả năng kháng một số kháng sinh, được sử dụng rộng rãi và khó điều trị hơn các loại nhiễm trùng khác). Tình trạng này di chuyển từ mũi đến não qua đường lưu thông máu và hậu quả có thể nghiêm trọng hơn nếu khu vực “tam giác nguy hiểm” bị nhiễm trùng.
Sau sự việc trên, bác sĩ Xiang khuyến cáo không nên nặn mụn đầu đen hoặc mụn nhọt, đặc biệt là khi tay không sạch.