Bé gái bị rách thực quản do thìa đâm vào họng

10:15 | 17/01/2017;
Những ngày cuối tháng 12/2016, chị Thảo đưa con gái là bé D. đến nhà trẻ tư để gửi, trong lúc sinh hoạt tại nhà trẻ, bé D. cầm thìa chơi, chập chững đi và bé bị ngã khiến thìa đâm vào họng.
a1-1484555347236-1.jpg
 Sức khỏe của bé D. đang dần hồi phục sau gần 1 tháng điều trị
Có mặt tại BV Nhi Đồng 1, TPHCM vào chiều 16/1, chị Nguyễn Thị Thảo (34 tuổi), mẹ bé N.N.P.D (1 tuổi), cho biết, gia đình chị sinh sống tại TP Tuy Hoà (Phú Yên). Những ngày cuối tháng 12/2016, chị Thảo đưa bé D. đến nhà trẻ tư để gửi, trong lúc sinh hoạt tại nhà trẻ, bé D. cầm thìa chơi, chập chững đi và bé bị ngã khiến thìa đâm vào họng.

“Cô giáo tự rút thìa ra mà không báo cho gia đình. Cô nghĩ bé không sao nên tiếp tục cho uống sữa nhưng bé ói ra. Khoảng 2-3 giờ chiều thì cổ họng bé bắt đầu sưng và có biểu hiện sốt, khi đó giáo viên mới gọi cho tôi”, chị Thảo kể.

Cũng theo người mẹ trẻ này, sau khi đến nhà trẻ đón con, vợ chồng chị đưa bé đến nhập viện tại BV Sản Nhi Phú Yên và BV tỉnh Phú Yên, sau đó được chuyển đến BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng nhiễm trùng và tràn khí quá nặng ở vùng cổ, ngực. Kết quả chụp CT cho thấy, bé D. bị tổn thương tràn khí dưới da, tràn khí trung thất, tràn dịch màng phổi khá nặng.

Theo BS Nguyễn Thế Huy, Phó khoa Tai-Mũi-Họng, BV Nhi Đồng 1, tổng trạng bên ngoài của bệnh nhi D. khi đó khá ổn, tuy nhiên phần cổ phình to, tổn thương rộng, có chiều dài gần 7 cm. Bé D. được các bác sĩ chẩn đoán bị chấn thương ở hầu họng, tiên lượng xấu. Ngay lập tức, bệnh nhi được các bác sĩ tại bệnh viện tiến hành phẫu thuật.

“Những ngày tiếp theo, bệnh nhi được gây mê, an thần để thay băng mỗi ngày. Rửa cổ bằng nước muối sinh lý trong vòng 10 ngày, sau đó được chuyển xuống khoa Ngoại đóng thực quản, mở dạ dày nhằm không cho ăn qua miệng để tránh kích thích tiêu hóa trên”, BS Huy cho biết.

Sau gần 1 tháng điều trị, hiện tại sức khỏe của bé D. khá ổn định, bé có thể tự ngồi được, dự kiến nếu sức khỏe tiến triển tốt, bé D. có thể được xuất viện, về quê ăn Tết trong vài ngày tới.

“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé D. bị nhiễm trùng nặng là do khi thực quản tổn thương nhưng bé vẫn được cho ăn và uống sữa làm tình trạng nhiễm trùng lan rộng. Vì vậy, khi trẻ bị hóc các dị vật hoặc tổn thương như trường hợp tương tự, người nhà không nên tự lấy dị vật ra. Cần đưa bệnh nhi đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ xử trí, tránh làm rách họng khiến nguy cơ nhiễm trùng nhiều hơn”, BS Huy khuyến cáo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn