Cách đây 1 năm, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã tiếp nhận phẫu thuật cho bệnh nhi Phạm Đức Hậu bị mắc chứng trật khớp háng bẩm sinh với biểu hiện chi cao, chi thấp.
Bé Đức Hậu bị cha mẹ bỏ rơi trước cổng chùa Lạc Pháp (Bình Phước). Ngay từ lúc 3 tháng tuổi, bé đã được phát hiện 2 chân không đều. Các sư thầy đưa bé đến bệnh viện nhi thăm khám và được chẩn đoán bị trật khớp háng bẩm sinh. Tuy nhiên, thời điểm đó nhà chùa không đủ chi phí để chữa trị cho bé
Sau đó, bé được Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tiếp nhận, điều trị miễn phí. Ê-kíp các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã thực hiện phẫu thuật cắt xương sửa trục, tạo hình ổ cối và bó bột chân đùi bàn chân cố định trong 2 tháng. Sau khi tháo bột, bé Hậu tập đi lại tự nhiên không cần thực hiện nắn khớp hay tập vật lý trị liệu.
Vào ngày 11/7 vừa qua, bé đã được bác sĩ Nguyễn Tấn Lãm, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn thực hiện mổ lấy vít cố định, hoàn thành hành trình mang lại đôi chân lành lặn cho cô bé mồ côi này.
Theo bác sĩ, trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh chiếm tỷ lệ hiếm gặp (1/800 - 1000 trẻ). Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm sẽ dẫn tới hậu quả lâu dài cho trẻ như dáng đi bất thường, vẹo cột sống, biến dạng khung xương chậu làm ảnh hưởng tới khả năng sinh đẻ sau này đối với bé gái.
Nếu được phát hiện ngay sau sinh, bé chỉ cần duy trì tư thế khớp háng dạng và đầu gối thấp trong khoảng 2 tháng như đóng bỉm vệ sinh, dùng tã gấp dày để giữ cho khớp háng dạng ra; cõng hoặc địu trẻ; đặt trẻ nằm sấp khi ngủ. Với những cách này thông thường sau từ 3 đến 4 tuần, khớp háng sẽ trở lại vị trí bình thường mà không cần phẫu thuật.
Các bác sĩ khuyến cáo, sau khi sinh, bác sĩ sản khoa cần so chân để kiểm tra cho trẻ, nếu có nghi ngờ về bệnh trật khớp háng bẩm sinh thì cần đưa trẻ đi siêu âm tầm soát để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.