Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ sinh trước tuần thai thứ 37 được gọi là sinh non. Trong đó, các bé sinh trước tuần thai thứ 28 sẽ là sinh cực non và có tỉ lệ sống sót rất thấp. Vậy nhưng dưới đây là một trường hợp kì tích khi em bé chào đời ở tuần 23, nặng chưa đầy 5 lạng và đã lách qua "khe cửa hẹp" để sống sót thành công.
Đó là trường hợp của bé Elsie, con của mẹ Katie Hampson, 27 tuổi, sống tại Anh. Katie cho biết từ khi mang thai 8 tuần, cô bị ra máu nhiều và được chẩn đoán bị tụ máu dưới màng nuôi. Tình trạng không được cải thiện buộc Katie Hampson phải sinh con non ở tuần thứ 23 tại Bệnh viện Royal Oldham, Greater Manchester, Anh.
Katie buộc phải sinh con ở tuần 23 và em bé chào đời nặng vỏn vẹn 480g.
Ngay sau khi ra khỏi bụng mẹ, Elsie đã được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Hình ảnh con bé xíu, bàn tay nhỏ đúng bằng ngón tay bố, làn da mỏng manh như có thể nhìn xuyên qua khiến vợ chồng Katie không dám ôm nhiều hy vọng. Chính các bác sĩ cũng cảnh báo vợ chồng cô hãy chuẩn bị tinh thần vì khả năng bé có thể sống sót chỉ là 5%.
"Con gái tôi khi đó nhỏ xíu, da của bé gần như có thể nhìn xuyên thấu qua, tôi đã cầu nguyện rất nhiều", người mẹ chia sẻ.
Hình ảnh bàn tay nhỏ xíu của bé Elsie khi đặt cạnh tay bố.
Vậy nhưng với 5% nhỏ nhoi ấy, Elsie đã sống sót và phát triển một cách thần kỳ. Ngay cả các bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm ở bệnh viện cũng phải kinh ngạc trước sự chống chọi, sức sống mãnh liệt của cô bé.
Sau 70 ngày nằm viện, em bé được 6 kg, khỏe mạnh hơn trước rất nhiều. Gần 5 tháng sau khi sinh, Elsie có đủ sức và được đưa về nhà lần đầu tiên. Hiện tại, Elsie đã gần 1 tuổi và đang sống cùng bố mẹ ở nhà riêng tại Rochdale, Greater Manchester.
Elsie đã sống sót kỳ diệu và hiện đã gần 1 tuổi.
Katie Hampson tâm sự: "Đó là khoảng thời gian kinh khủng. Tôi không biết liệu mình có mất Elsie hay không. Tôi lo lắng rất nhiều. Cơ thể của bé có kích thước bằng bàn tay của Rob, bàn tay nhỏ của bé không lớn hơn ngón tay của chồng tôi. Con gái tôi trông giống như một con búp bê nhỏ. Ngay cả bác sĩ cũng không hy vọng nhiều về việc bé sẽ sống sót, nhưng quả thực em bé là một chiến binh nhỏ. Chúng tôi rất tự hào về bé".
Những biến chứng có thể gặp phải khi sinh non
Sự sống sót thần kỳ của Elsie khiến các y bác sĩ và nhiều người phải kinh ngạc. Sinh non vẫn luôn là một trong những biến chứng thai kỳ cực kỳ nguy hiểm. Trẻ sinh non có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe do các cơ quan của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Các vấn đề sức khỏe mà trẻ sinh non có thể gặp phải bao gồm:
- Rối loạn tăng trưởng và phát triển
- Bại não.
- Lượng đường trong máu thấp khiến trẻ sinh non dễ bị lạnh bụng
- Vàng da do gan chưa phát triển hoàn toàn. Những trẻ sinh non quá trình vàng da kéo dài hơn so với trẻ sinh đủ tháng
- Rối loạn máu.
- Gặp vấn đề về tim mạch.
- Gặp các vấn đề về hô hấp.
- Hệ miễn dịch yếu. Nguy cơ nhiễm trùng cao. Khả năng miễn dịch của em bé thường có được từ người mẹ trong giai đoạn cuối thai kỳ. Do đó, trẻ sinh non có nguy cơ lây nhiễm cao gấp 4 lần trẻ bình thường.
- Vấn đề về thị lực hoặc thính giác
- Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
- Thoát vị bẹn do yếu cơ vùng nếp gấp đùi.
- Trẻ sinh non có nguy cơ gặp các vấn đề cảm xúc, hành vi…
- Đôi khi trẻ sinh non có nguy cơ tử vong sớm do chưa đủ trưởng thành, sức đề kháng… để tồn tại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn