Giữa tháng 6/2022, một sự việc hi hữu xảy ra ở bang Chhattisgarh, miền Trung Ấn Độ gây rúng động trên truyền thông và dư luận. Một bé trai 10 tuổi không may bị rơi xuống giếng khoan trước nhà. Điều đó dẫn tới một cuộc giải cứu quy mô lớn với hơn 500 người, bao gồm cả quân đội, cảnh sát và các nhân viên cứu trợ thiên tai.
Họ đã có 110 tiếng đồng hồ làm việc cật lực trong điều kiện thời tiết xấu, khu vực nhiều bọ cạp và rắn độc. Để rồi tất cả đều thở phào nhẹ nhõm khi đưa được cậu bé Rahul Sahu sống sót lên khỏi mặt đất. Đó được coi là một kỳ tích mà người ta sẽ còn phải nhắc mãi về sau.
Cậu bé Rahul Sahu (10 tuổi) là con của một gia đình nghèo ở làng Pihrid, bang Chhattisgarh (Ấn Độ). Cậu bé sinh ra đã thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa khi chẳng may bị khiếm thính và không thể nói chuyện.
Ngày 9/6, Rahul đang chơi trong vườn nhà thì vô tình trượt chân rơi xuống cái giếng khoan sâu 24m. Mẹ cậu bé cho biết: "Lúc đó, cả nhà ngủ trưa, Sahu chơi ở sân một mình còn tôi ngồi may quần áo. Lát sau, tôi không nhìn thấy con trai và giật mình khi nghe tiếng rên rỉ từ dưới giếng vọng lên".
Được biết, cái giếng do gia đình đào để lấy nước sinh hoạt nhưng nó quá ít nước nên không ai động đến. Không ngờ nó lại là thủ phạm suýt cướp đi mạng sống của Rahul.
Ngay sau khi nhận tin cầu cứu từ gia đình, chính quyền địa phương đã cử đội cứu hộ đến giải cứu cho cậu bé Rahul.
Các binh sĩ quân đội và các thành viên của cơ quan ứng phó thiên tai Ấn Độ đã hỗ trợ họ trong nhiệm vụ giải cứu đứa trẻ. Tuy nhiên, các quan chức địa phương cho biết, điều kiện thời tiết xấu, rắn độc và bọ cạp ở khu vực này đã cản trở nỗ lực cứu hộ.
Khi ở một mình dưới giếng sâu, Rahul đã "phản ứng tốt" với lực lượng cứu hộ. Một chiếc camera nhỏ đã được thả xuống để theo dõi tình trạng và chuyển động của nạn nhân, cảnh sát trưởng quận Janjgir Vijay Agrawal nói với AFP qua điện thoại từ hiện trường. "Vì cậu bé không thể nói hoặc nghe, chúng tôi lại càng gặp khó khăn hơn", ông nói thêm.
Ống dẫn oxy được đưa xuống để cung cấp cho Rahul, nhưng một quan chức cho biết nỗ lực đào đường hầm đã bị chậm lại do đá cứng bên dưới mặt đất.
Truyền thông Ấn Độ cũng liên tục đưa tin, cập nhật tình hình tại hiện trường để thông tin đến người dân từ khắp nơi. Tất cả đều nín thở trông ngóng đến giây phút Rahul được đưa lên.
Để tránh cho Rahul bị thương, đội cứu hộ đã sử dụng máy xúc và robot khoan lỗ sâu 21m, song song với cái giếng mà em mắc kẹt. Sau đó, đào một đường hầm dài gần 5m để tiếp cận vị trí của Rahul.
Khi đào đến độ sâu 18m, lực lượng cứu hộ phải tạm ngừng để chờ thêm phương tiện khác do có quá nhiều đá cứng. Một đội cứu hộ với máy móc hạng nặng chuyên xử lý các sự cố ở mỏ than đã được cử đến tiếp viện.
Sau 104 tiếng nỗ lực hết mình, độ cứu hộ cuối cùng cũng tiếp cận được vị trí của Rahul. May mắn cậu bé vẫn còn sống, tỉnh táo, chỉ lả đi do đói và khát nước. Cậu bé 10 tuổi đã được chào đón bằng những tràng pháo tay và cổ vũ từ những người cứu hộ.
Thủ hiến bang Chhattisgarh, ông Bhupesh Baghel, đã viết trên Twitter rằng Rahul chỉ có "một con rắn và một con ếch bầu bạn" trong suốt 104 tiếng ở dưới cái giếng đầy bùn ấy.
Rahul đã được đưa đến Bệnh viện Bilaspur Apollo, nơi cậu bé được chăm sóc đặc biệt dưới sự giám sát của một nhóm bác sĩ chuyên khoa.
Khi thông báo tin Rahul được giải cứu, ông Bhupesh đã dành lời khen ngợi cho cậu bé 10 tuổi dũng cảm. Ông Baghel nói thêm: "Tất cả chúng ta đều mong rằng cậu bé sẽ sớm được xuất viện. Xin chúc mừng và cảm ơn một lần nữa đến tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia vào chiến dịch giải cứu lần này".
Trong một bài đăng khác, ông Baghel cũng viết: "Có thể hiểu được, thách thức là rất lớn. Nhưng đội cứu hộ đã rất bình tĩnh khi đối mặt với nghịch cảnh. Thử thách càng gian nan, ý chí của họ càng mạnh mẽ. Với sự may mắn và nỗ lực tận tâm của đội cứu hộ, Rahul Sahu đã được đưa ra ngoài. Chúng tôi hy vọng và cầu nguyện cậu bé sẽ sớm khỏe lại".
Giếng không đậy nắp là đặc điểm chung của các ngôi làng nông nghiệp ở Ấn Độ. Và những cái giếng đó thường liên quan đến các vụ tai nạn ở trẻ nhỏ.
Vào năm 2019, một đứa trẻ 2 tuổi đã được kéo ra khỏi giếng sau nỗ lực giải cứu kéo dài 4 ngày ở bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ.
Cùng năm đó, một đứa trẻ một tuổi rưỡi đã được giải cứu ở bang Haryana lân cận sau khi bị mắc kẹt trong hai ngày.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn