Bé Công Công, 4 tuổi (Trung Quốc), là con một trong gia đình, ông bà nội lại khá truyền thống nên rất cưng chiều cháu trai. Ngay cả việc cha mẹ giáo dục cậu bé cũng phải "nhìn sắc mặt" của ông bà nội mỗi ngày.
Cha mẹ bé có công việc bận rộn, sợ ông bà vất vả nên vốn định thuê bảo mẫu về chăm sóc con trai. Thế nhưng ông bà nội đều không đồng ý, còn chuyển đến sống cùng nhà con trai chỉ để chăm sóc cháu.
Công Công là một đứa trẻ rất thông minh, biết ông bà cưng chiều nên khá ỷ lại và bướng bỉnh, hay hờn dỗi, hễ thấy đồ ăn ngon là đòi bằng được vì biết ông bà không bao giờ từ chối mình. Mỗi khi bố mẹ Công Công cảm thấy không ổn và góp ý, ông bà sẽ nói ngay: "Thằng bé còn nhỏ, lớn lên sẽ ổn thôi".
Cha mẹ của Công Công rất bất lực trước việc người lớn luôn can thiệp vào việc dạy dỗ con trai. Cuối cùng, khi cậu bé được 4 tuổi, anh chị đã gửi con đi nhà trẻ.
Vốn quen được chiều chuộng và lúc nào cũng được ăn món mình thích ở nhà, cậu bé đến lớp trở nên khảnh ăn. Dù ban đầu được cô giáo đút cho từng thìa nhưng cậu bé vẫn không chịu. Sau 1 tuần đi nhà trẻ, Công Công vẫn kén ăn, lười ăn. Trước trường hợp này, thầy hiệu trưởng trường mẫu giáo quyết định sử dụng biện pháp cứng rắn. Khi cậu bé không chịu ăn hoặc ăn không hết, cô giáo sẽ bỏ thức ăn đi rồi bảo Công Công ngồi xem các bạn khác ăn. Ban đầu, Công Công khá vui vẻ khi không bị ép ăn, chỉ nhìn những đứa trẻ khác ăn một cách thờ ơ.
Sau khi về nhà, ông bà rất bất bình trước những gì Công Công kể về hành động của cô giáo. Cha mẹ của cậu bé thì dù xót con nhưng vẫn tin phương pháp dạy dỗ của giáo viên.
Dần dần, sau 1 tuần, sự việc có chuyển biến. Một đứa trẻ 4 tuổi nhịn ăn lâu sẽ không chịu được mà thỏa hiệp. Sau 7 ngày bướng bỉnh, Công Công không còn kén ăn nữa mà tự động ăn ngoan vào mỗi bữa ăn, không đòi hỏi phải ăn món mình thích.
Ngay cả khi về nhà, Công Công cũng duy trì thói quen ăn uống rất tốt như ở trường mẫu giáo. Trò chuyện với bố mẹ, Công Công nói: "Con phải ăn hết, nếu không cô giáo sẽ đổ đi, rồi sẽ không có thức ăn để ăn".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn