Những ngày gần đây, câu chuyện đáng buồn về hình ảnh tranh giành con nhỏ mặc đứa bé gào khóc, giãy giụa đòi theo mẹ sau một phiên tòa ly hôn khiến người xem không khỏi đau lòng, xót xa cho cháu bé. Được biết, một cặp vợ chồng ở Thái Bình đã có 2 con chung nhưng do mâu thuẫn không thể hàn gắn, họ ra tòa ly hôn. Tòa phán quyết con gái lớn theo mẹ và con trai nhỏ khoảng 7 tuổi sẽ theo bố.
Thế nhưng, vì một lý do nào đó mà cậu bé nhất quyết từ chối việc theo bố trở về. Bé chống cụ bằng hết sức bình sinh, nước mắt giàn giụa, tìm mọi cách ra khỏi chiếc xe máy. Suốt khoảng thời gian đó, có lẽ con đã rất hoảng sợ, tất cả những gì con muốn là được trở về với mẹ chứ không muốn ở bên bố. Khoảnh khắc khiến bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng bật khóc, liệu sau khi ly hôn, có hạnh phúc nào giành cho những đứa con nhỏ?
Sau khi ly hôn, việc ai giành được quyền nuôi bé còn tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố như kinh tế, khả năng nuôi con... dẫn đến việc bé sẽ buộc phải theo bố hoặc theo mẹ. Trong trường hợp gia đình có nhiều con có thể sẽ phải chia các bé cho bố, mẹ tuỳ thuộc vào điều kiện và yêu cầu của từng gia đình.
Tuy nhiên, đa số các mẹ bỉm cho rằng người nhận nuôi bé phải là người có trách nhiệm, có khả năng bảo vệ và đem lại cuộc sống tốt đẹp cho con. Dù là bố hay mẹ thì trẻ có quyền được yêu thương và trân trọng, nếu cảm thấy không thể đem lại cho con cuộc sống tốt đẹp ngay từ đầu thì hãy giao bé cho những người có đủ khả năng khác, thay vì đánh đập, trút giận và hành hạ các con.
Sau khi ly hôn, bố hay mẹ đều có quyền được nuôi con. Thế nhưng, người này phải là người có trách nhiệm và tuyệt đối thực hiện trách nhiệm đó. Kể cả khi đi bước nữa, người bố/ mẹ ruột vẫn phải đảm bảo con có một cuộc sống tốt đẹp, không được phép dửng dưng, để mặc cho cha dượng/ mẹ kế hay bất kì ai có quyền được chèn ép, hành hạ con - chị Hòa (sống tại Cần Thơ) cho biết.
Theo luật sư, Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi, căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Ly hôn có thể là cách để giải quyết, chấm dứt mâu thuẫn giữa vợ và chồng, nhưng chính điều này vô tình lại khiến cho những đứa con rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và sợ hãi, đó chính là lúc chúng bị mất đi điểm tựa quan trọng nhất: mái ấm gia đình – nơi hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách của một con người, có hệ luỵ đối với sự phát triển của tâm sinh lý đứa trẻ sau này.
Nên cho trẻ hiểu rằng việc chia tay giữa bố mẹ là quyết định của riêng bố mẹ, và nó không ảnh hưởng đến tình yêu thương của bố mẹ dành cho con. Chúng ta nên nói rõ ràng với trẻ về sự chia ly, đặc biệt với các bé trên 6 tuổi vì ở độ tuổi này trẻ bắt đầu có thể nhớ về thời gian sống chung của cả bố mẹ, hiểu được về sự chia ly. Điều này nên nói ít nhất 2 tuần trước khi chia ly và cả bố mẹ cùng ngồi nói chuyện với trẻ.
Với trẻ trên 6 tuổi, khi trẻ phải sống xa bạn, bạn nên chỉ trẻ cách liên lạc bí mật với bạn khi trẻ có việc cấp bách như bị đánh đau hay bị nguy hiểm như nhờ cô hàng xóm điện thoại cho mẹ...
Tâm lý của trẻ trong 1 năm đầu sau ly hôn của bố mẹ thường ít nói, khóc nhiều và khó chia sẻ. Do đó, trẻ rất ít chia sẻ những điều trẻ đang chịu đựng khi gặp mặt bạn trong vài giờ ngắn ngủi. Bạn nên biết cách quan sát những dấu hiệu để nhận ra liệu trẻ có đang bị ngược đãi hay lạm dụng như:
- Trẻ hay ôm bạn và khóc, ít nhìn vào mặt bạn khi trò chuyện.
- Vết bầm trên những phần của cơ thể trẻ.
- Trẻ tỏ ra muốn về với bạn như khóc lóc hay muốn kéo dài thời gian bên bạn. Điều này có thể trẻ đang có sự lo lắng nhất định. Bạn nên bình tĩnh, thể hiện sự quan tâm gợi mở bằng những câu hỏi về sinh hoạt hằng ngày của trẻ để dần hiểu vấn đề, hơn là hỏi trực diện: ai làm hay tỏ vẻ tức giận, điều này sẽ làm trẻ sợ hãi và có thể giấu diếm.
- Dù chia ly do nguyên nhân bên nào nhưng trẻ vẫn cần cuộc sống hạnh phúc và bình yên cho riêng trẻ nên cha mẹ không nên chỉ trích lẫn nhau.
- Không nên cấm đoán trẻ gặp lại mẹ hay bố mình vì trẻ cần có tình yêu thương của cả hai.
- Việc chia ly nếu xảy ra trước 4 tuổi hoặc sau 12 tuổi thì trẻ ít bị ảnh hưởng tâm lý hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn