Thời gian gần đây, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ tăng cao… Với điều kiện thời tiết như hiện nay, rất nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gia tăng, đặc biệt là các bệnh viêm não dễ gây biến chứng nguy hiểm.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, từ đầu năm đến nay trung tâm đã ghi nhận 99 ca viêm não các loại, trong đó có 2 ca viêm não Nhật Bản.
So với cùng thời điểm mọi năm số bệnh nhân nhập viện do viêm não không tăng, nguyên nhân có thể do dịch COVID-19 nên trẻ mắc bệnh điều trị ở các tuyến cơ sở. Tuy nhiên, bác sĩ Lâm cảnh báo đây đang là thời điểm vào mùa của bệnh viêm não, đặc biệt là viêm não Nhật Bản nên các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý phòng bệnh, tuyệt đối không chủ quan.
Hiện bắt đầu vào mùa các bệnh viêm não nên phụ huynh cần lưu ý phòng bệnh.
Cứu được tính mạng nhưng dị tật rất cao
Đang điều trị tại tầng 3 - Trung tâm Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), bé V.T.K. (10 tuổi) mắc viêm não Nhật Bản. Tuy tính mạng bé không còn nguy kịch, nhưng do biến chứng nên có nguy cơ bị liệt một bên người.
Mẹ bé K. chia sẻ, trước khi nhập viện và phát hiện mắc viêm não, con trai chị có biểu hiện sốt, đau đầu, nôn trớ…Khi soi họng thấy bị đỏ người mẹ này nghĩ con bị viêm họng nên mua thuốc cho uống và thấy đỡ đau họng, đau đầu.
Đến ngày thứ 3, tình trạng bé K. càng nặng thêm, uống thuốc cũng không đỡ nên vội vàng đưa đến bệnh viện tỉnh thăm khám. Tại đây các bác sĩ lập tức chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Ngồi bần thần bên cạnh con, mẹ cháu K. nói: “Chỉ tại tôi không tiêm phòng đầy đủ cho cháu, nên mới mắc bệnh thế này. Tôi cũng chủ quan khi từ bé cháu chẳng bao giờ ốm vặt, nên không đưa đi viện ngay. Giờ con tôi không thể đi lại được”.
Bé K. hiện đã cứu được tính mạng nhưng nguy cơ để lại di chứng rất lớn.
Bác sĩ Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Trung tâm Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, bệnh nhi K. khi vào viện đã ở trong tình trạng rất nặng, các bác sĩ phải đặt nội khí quản, thở máy và điều trị tăng áp lực sọ.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã được rút ống nội khí quản, tính mạng không còn nguy hiểm, tuy nhiên cháu bé đã bị biến chứng không đi lại được.
“Nguyên nhân mắc bệnh của cháu K. là do mẹ quên không tiêm nhắc lại vắc xin cho con. Hiện sau khi điều trị ổn định, bệnh nhi sẽ được chuyển viện tiến hành châm cứu, điều trị phục hồi chức năng hy vọng sẽ hồi phục”, bác sĩ Nam chia sẻ.
Không chủ quan với cơn đau đầu, nôn, sốt
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm cho biết, những năm gần đây viêm não Nhật Bản ở nước ta thường hay gặp ở trẻ lớn tuổi và có biến chứng nặng. Lý do là trẻ tiêm phòng vắc xin không đầy đủ, không tiêm nhắc lại sau 3 đến 5 năm kể từ mũi tiêm cuối.
“Điển hình như trường hợp 10 tuổi nói trên, tiêm đủ 2 mũi đầu nhưng đến mũi thứ 3 thì tiêm chậm hơn lịch. Đến nay đáng ra đã phải tiêm vắc xin phòng bệnh đến mũi thứ 5 nhưng gia đình lại quên lịch không đưa đi tiêm”, tiến sĩ Lâm nói.
Tiến sĩ Lâm cho biết tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản an toàn, hiệu quả.
Triệu chứng điển hình của viêm não Nhật Bản là sốt, nôn, đau đầu… Trong đó, các lần nôn của trẻ thường không liên quan đến bữa ăn, kèm theo các biểu hiện trên là tình trạng rối loạn ý thức có thể là ngủ gà, li bì, hôn mê…
Khi trẻ mắc bệnh, di chứng hay gặp nhất của viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng đó là mất chức năng vận động và ngôn ngữ. Các di chứng nhẹ khác có thể gặp là động kinh, điếc, kém giao tiếp… Với di chứng nhẹ sau này có thể phục hồi.
Với các dấu hiệu điển hình, viêm não Nhật Bản không khó để chẩn đoán. Tuy nhiên, khi đưa đến viện thường trẻ đã bị nặng. Vì vậy, việc phòng bệnh cho trẻ là vô cùng quan trọng. Hiện nay cách phòng bệnh duy nhất là tiêm vắc xin đúng lịch, đủ liều.
Tuổi tiêm viêm não Nhật Bản được khuyến cáo là tiêm khi trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên gồm 3 mũi cơ bản:
– Mũi 1: trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên
– Mũi 2: sau mũi tiêm thứ nhất 1-2 tuần
– Mũi 3: sau mũi thứ nhất 1 năm
Liều tiêm nhắc lại: Sau 3 năm tiêm nhắc lại một liều để duy trì miễn dịch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn