Bé trai lọt lòng với cân nặng 7,4 kg từng khiến nước Mỹ "phát cuồng" giờ ra sao?

18:46 | 02/08/2020;
Với cân nặng ấn tượng từ lúc lọt lòng, Kevin Robert Clark đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông nước Mỹ và sự săn đón theo anh đến tận lúc trưởng thành.

Ngày 8/4/1983, một bé trai nặng 7,4kg chào đời tại New Jersey, Mỹ. Đứa trẻ này được đặt tên là Kevin Robert Clark, trở thành đứa trẻ sơ sinh chào đời với số cân nặng nhất tiểu bang này vào thời điểm đó và nhanh chóng trở thành "hiện tượng" với dư luận.

Sau hơn 3 thập kỷ trôi qua, Kevin giờ đây đã trở thành một người đàn ông với chiều cao hơn 2m và nặng 136kg, sống ở Chapel Hill, Bắc Carolina, Mỹ, làm nghề kỹ sư hóa học. Năm ngoái, anh có cuộc phỏng vấn với tờ New York Post để đưa ra một vài lời khuyên dành cho cha mẹ của bé gái Harper Buckley chào đời với cân nặng gần 7kg.

Bé trai lọt lòng với cân nặng 7,4kg từng khiến nước Mỹ "phát cuồng" giờ ra sao sau khi luôn được săn đón trong hơn 3 thập kỷ? - Ảnh 1.

Clark lúc 4 ngày tuổi...

Bé trai lọt lòng với cân nặng 7,4kg từng khiến nước Mỹ "phát cuồng" giờ ra sao sau khi luôn được săn đón trong hơn 3 thập kỷ? - Ảnh 2.

... giờ đây đã trở thành người đàn ông cao lớn.

"Hãy chuẩn bị sẵn sàng bởi vì truyền thông sẽ săn đón con và gần như vào mỗi dịp tụ họp gia đình, mọi người sẽ không ngừng bàn tán về sự đặc biệt của con" - Clark nói.

Không lâu sau khi chào đời, thông tin về cân nặng của Clark đã được đưa trên chương trình nổi tiếng Saturday Night Live. Nhờ đó mà cả nước Mỹ biết đến cậu bé có cân nặng hơn 7,4kg.

Ngày 13/4/1983, New York Times đã đưa tin về Clark, nói rằng cậu bé không thể nằm vừa trong nôi và cũng chẳng mặc được quần áo dành cho trẻ sơ sinh. Trang báo này còn trích lời mẹ của Clark, Patricia, gọi con trai mình là một "tay đô vật thực thụ".

Clark cho biết lúc đó mọi người không ngừng bàn tán về anh, thậm chí còn được lên hẳn tờ Good Morning America, National Enquiere. Một trang báo lá cải còn đăng bài về Clark và giật tít "Tôi không thể bế được đứa trẻ đáng yêu, nhưng tôi yêu em, cậu bé nặng 7,4kg".

Một người có tên là Honchos ở tờ báo này đã tìm đến bố mẹ của Clark và đồng ý trả cho họ 2.500 USD (gần 58 triệu đồng) để thuyết phục họ đồng ý thực hiện chương trình đặc biệt, theo phong cách câu chuyện của người đầu tiên làm được điều này, điều kia trên thế giới. Trong đó, mẹ Clark từng nói rằng: "Khi tôi lần đầu tiên chăm con trai, bác sĩ đã hỏi liệu thằng bé có muốn ăn thịt hay khoai tây hay không".

Theo lời Clark, đó là một khoản tiền hậu hĩnh đối với gia đình anh. Nó cho phép cả nhà bay đến California để đoàn tụ với ông bà. Sau đó, gia đình Clark bị nhấn chìm bởi hàng nghìn lá thư đến từ những người nổi tiếng.

"Tôi nhận được thư từ đạo diễn của Giải bóng bầu dục quốc gia hỏi tôi rằng: 'Chúng tôi có sẵn một vị trí dành cho bạn khi bạn trưởng thành. Bạn có thể trở thành một phần của đội bóng Giants (tạm dịch: Những người khổng lồ). Đến giờ, tôi vẫn còn giữ con gấu mà đội bóng gửi tặng tôi. Ngoài ra, còn có thư của Cảnh sát biển hoa Kỳ đề nghị được chi trả chi phí cho tôi để tôi đến thăm trường đại học của họ (tất nhiên là khi tôi trưởng thành)" - Clark kể lại.

Bé trai lọt lòng với cân nặng 7,4kg từng khiến nước Mỹ "phát cuồng" giờ ra sao sau khi luôn được săn đón trong hơn 3 thập kỷ? - Ảnh 4.

Năm 12 tuổi, Clark cùng gia đình rời khỏi New Jersey. Năm đầu cấp 3, anh đã cao 1,9m. Trong suốt quãng thời gian tuổi thơ, Clark luôn bị yêu cầu kể lại câu chuyện của bản thân và anh cho biết, sở hữu một thân hình khổng lồ không có gì vui.

Clark thường phải cắn răng chịu đựng những câu chuyện đùa vô duyên và bình luận kiếm nhã về chiều cao của anh. Nhiều người thì tự kết luận rằng với chiều cao như vậy, Clark hẳn phải rất giỏi chơi thể thao.

"Thử thách của những năm học cấp 3 và cả khi trưởng thành của tôi là phải tìm cho bằng được quần áo và giày dép tôi có thể mang vừa. Tôi chưa từng mua được món đồ gì ở ngoài cửa hàng. Ở độ tuổi thiếu niên, tôi lớn nhanh đến nỗi đồ chưa mặc được bao lâu đã bị chật" - Clark kể.

Clark từng bị đem ra làm trò giễu cợt và anh chưa bao giờ yêu thích bóng rổ.

"Mọi người cứ kỳ vọng tôi sẽ thích chơi bóng rổ bởi vì tôi cao. Giáo viên sức khỏe và đồng thời cũng là huấn luyện viên trong trường từng nói với tôi rằng: 'Nếu em muốn vượt qua môn của tôi thì em phải chơi bóng rổ'" - Clark kể. Thế nhưng, Clark cũng hiểu được yêu cầu của giáo viên bởi vì trường học của anh là ngôi trường nhỏ nên họ rất cần anh. Đáng tiếc, Clark không đam mê bóng rổ, nếu không muốn nói là anh chơi dở tệ.

Thay vào đó, Clark hứng thú với những hoạt động ngoài trời như săn bắn và câu cá. May mắn là bố mẹ của Clark luôn ủng hộ anh sống đúng với những gì anh muốn.

Bé trai lọt lòng với cân nặng 7,4kg từng khiến nước Mỹ "phát cuồng" giờ ra sao sau khi luôn được săn đón trong hơn 3 thập kỷ? - Ảnh 5.

Mặc dù bị giáo viên tạo áp lực, Clark vẫn không tham gia chơi thể thao ở trường đại học. Anh gia nhập lực lượng không quân và sau đó trở thành cảnh sát quân đội ở Texas.

"Mọi người cứ mặc định rằng vì tôi cao nên tôi phải làm mọi thứ. Tôi đã làm cảnh sát được một thời gian và mọi người luôn đặt ra nhiều câu hỏi cho tôi như thể tôi là người duy nhất phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, tôi cũng chỉ là cảnh sát như họ, hoặc thậm chí là cấp bậc thấp hơn" - Clark nói.

Sau khi rời quân ngũ, Clark lấy được bằng thạc sĩ và kết hôn với Jenna, người cũng sở hữu chiều cao ấn tượng lên đến 1,82m. Trải qua mọi chuyện, Clark giờ đây đã có thể thoải mái lấy sự khác biệt của bản thân ra làm trò đùa.

"Chẳng có lúc nào tôi đi đến đâu mà không bị hỏi về chiều cao và tôi cứ bông đùa về nó thôi. Khi mọi người hỏi liệu tôi có chơi bóng rổ hay không, tôi hỏi ngược lại rằng họ có chơi đánh golf mini không?" - Clark chia sẻ.

Bé trai lọt lòng với cân nặng 7,4kg từng khiến nước Mỹ "phát cuồng" giờ ra sao sau khi luôn được săn đón trong hơn 3 thập kỷ? - Ảnh 6.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn