Bê tráp cưới hỏi: Đắng cay khi bị quỵt tiền công, chú rể báo mất đồ

11:16 | 25/10/2022;
Giữa mùa cưới, dịch vụ bê tráp thuê cũng được nhiều người quan tâm.

Trước mỗi đám cưới, đám hỏi cũng là một nghi thức cực kì quan trọng. Tại đây, không thể không nhắc đến dàn bê tráp của 2 gia đình trai gái - những người giúp cô dâu chú rể trao và nhận sính lễ.

Nếu như ngày trước, dàn bê tráp thường là người thân trong nhà hoặc họ hàng của cô dâu chú rể thì bây giờ, bê tráp đã phát triển thành một trong những dịch vụ cưới xin. Đây cũng là công việc làm thêm được nhiều người trẻ, đặc biệt là học sinh - sinh viên lựa chọn. 

Việc làm thêm thu nhập ổn cho sinh viên

Hồi năm nhất đại học, khi mới chân ướt chân ráo xuống Hà Nội, Lệ Quyên (SN 2001, sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội) đã được bạn giới thiệu vào một nhóm chat chuyên về dịch vụ bê tráp. Từ đó đến nay, cô bạn đã gắn bó với công việc này được 3 năm. 

“Lịch học của mình không cố định nên hơi khó để sắp xếp làm công việc cần khung giờ ổn định. Còn với việc bê tráp thuê, mình có thể đi làm hôm nào rảnh, không bị gò bó thời gian. Ngoài ra công việc này cũng khá nhàn, không quá vất vả, không có nhiều áp lực và thu nhập cũng khá hơn các công việc bán thời gian khác” - Quyên nói về việc làm thêm của mình. 

Cụ thể hơn, Lệ Quyên cho biết thu nhập khi bê tráp thuê sẽ gồm 2 phần: lương cứng và tiền trong bao lì xì. Con số này sẽ không cố định mà tùy vào người dẫn mối và số tiền mà cô dâu chú rể cho vào bao lì xì. Với Quyên, số tiền thấp nhất cô nhận được trong 1 lần bê tráp là 90.000 đồng. “Thông thường mỗi lần bê tráp mình sẽ mất khoảng 2 - 2,5 tiếng đồng hồ. Nếu nhanh thì khoảng 1,5 tiếng và lâu nhất là 3 tiếng” - Quyên nói thêm. 

Bê tráp đám hỏi: Đắng cay khi bị quỵt tiền công, chú rể báo mất đồ - Ảnh 1.

Lệ Quyên

Mới bắt đầu bê tráp thuê được một thời gian ngắn nhưng N.A (SN 2003, sinh viên, đang sinh sống ở Hà Nội) cũng nhận thấy đây là một công cho thu nhập thêm:  “Mình thấy công việc này có thể giúp trang trải tiền sinh hoạt, ăn uống. Hôm nào rảnh thì mình đi 1 đám là đủ tiền ăn. Trung bình mỗi đám mình làm thì tiền lì xì là 100.000 đồng và lương là 50k”

Long Hải (SN 2001, đang sinh sống ở Hà Nội, tên gọi đã được thay đổi theo yêu cầu của nhân vật) biết đến việc bê tráp thuê từ khoảng 2 - 3 năm trước. Hiện tại dù có thêm nguồn thu nhập khác nhưng anh chàng vẫn duy trì công việc này vì tính chất đơn giản và có thể chủ động được thời gian. 

Về thu nhập, Hải cho biết để so sánh bê tráp thuê với các việc làm thêm khác còn phải tùy vào nhiều yếu tố như số lượng đám và mức "thịnh tình" của gia chủ... “Với mình, bê tráp là việc phụ, làm lúc rảnh nên thấy thu nhập cũng bình thường và không tính tổng mỗi tháng. Tuy nhiên mình từng được bạn chia sẻ rằng có tháng nhiều đám và bạn ấy đi làm nhiều thì được khoảng 3,5 - 4 triệu đồng” - Long Hải tiết lộ. 

Ngoại hình: Cao không tới thấp không vừa

Với mức lương cao hơn so mặt bằng chung như vậy, đương nhiên việc bê tráp thuê cũng có những yêu cầu đặc thù. Hầu hết những bạn trẻ làm công việc này đều có ngoại hình ưa nhìn, vóc dáng cao ráo. Điều này khá dễ hiểu bởi phần lớn cô dâu chú rể đều muốn thấy dàn nam thanh nữ tú trao duyên trong sự kiện trọng đại cả đời mình.

Ở vị trí bê tráp nữ, Lệ Quyên cho biết yêu cầu là cần một chút chiều cao (khoảng 1m6 trở lên), cần một chút ngoại hình và có trách nhiệm với công việc. Trong khi đó N.A và Long Hải lại chia sẻ rằng yêu cầu với dàn bê tráp dựa trên mong muốn của 2 nhân vật chính trong đám hỏi. “Với dàn nam thì yêu cầu sẽ phụ thuộc vào chú rể. Ví dụ nhiều chú rể không cao lắm nên muốn đội bê tráp có chiều cao ngang với mình hoặc chú rể cao ráo thì cũng thích chiều những người bê tráp nhỉnh hơn” - Long Hải nói.  

Song song với đó, bê tráp thuê cũng có những nhược điểm riêng. “Công việc này không đem lại kinh nghiệm cho ngành học của mình. Thỉnh thoảng lại phải đi xa, thời gian di chuyển còn nhiều hơn thời gian bê tráp” - Lệ Quyên tâm sự. 

Ngoài việc di chuyển xa, Long Hải bổ sung thêm yếu tố giờ giấc, đôi khi đây cũng là một trở ngại: “Có những đám phải dậy sớm vì phải làm đúng giờ đẹp, vì đám ở ngoại thành hoặc vì cô dâu chú rể kỹ tính”.

Riêng với N.A, anh chàng cho rằng các mối quan hệ cũng là một yêu cầu với công việc này. “Trong các nhóm tuyển người bê tráp, không phải cứ để lại bình luận là sẽ được nhận. Người ta thường chỉ nhận người quen nên sẽ hơi khó khăn với những bạn mới bắt đầu” - N.A giải thích.

Bê tráp đám hỏi: Đắng cay khi bị quỵt tiền công, chú rể báo mất đồ - Ảnh 2.

Một bài đăng trong nhóm bê tráp thuê

Vấn đề tiền bạc nhạy cảm

Dù mới bê tráp chưa lâu nhưng N.A cũng đã kịp nhận ra những vấn đề chưa tích cực của công việc này. 

Thông thường mỗi đám hỏi sẽ có 1 nhân vật đứng ra đi thuê người bê tráp, gọi là trưởng nhóm (leader). Người ngày thường đến từ các đơn vị dịch vụ cưới hỏi hoặc chính là một người bê tráp nhưng có mối quan hệ rộng rãi. Và theo N.A, một số trưởng nhóm mới vào nghề nên làm việc có phần thiếu chu đáo. 

“Có lần bạn trưởng nhóm của đám hỏi bảo bọn mình đến nhầm đám. Mình nghĩ chuyện cưới hỏi của người ta quan trọng như thế, cả đời có 1 lần, những người đó đứng ra nhận rồi thì phải có trách nhiệm. Một số trưởng nhóm khác lại chậm lương. Bọn mình là sinh viên, đi làm thêm để có thêm tiền ăn ở mà có người nợ lương đến mấy tháng không trả” - N.A tiết lộ. 

Ngược lại, từ phía người đi bê tráp cũng có những tình huống không được hợp lý. “Một vài bạn coi việc đi làm như đi chơi. Việc cưới hỏi rất coi trọng giờ giấc nhưng các bạn lại đi muộn làm leader bực với sốt ruột. Một số bạn khác thấy lì xì thấp thì ‘vòi’ tiền cô dâu chú rể. Đây là việc mà leader thường cấm nhưng các bạn vẫn lén lấy số điện thoại cô dâu chú rể rồi về nhà xin thêm” - N.A nói. Tuy nhiên anh chàng nhấn mạnh rằng việc này chỉ xảy ra ở một số cá nhân, không phải tất cả mọi người làm công việc này đều như vậy. Ngoài ra N.A cho rằng công việc nào cũng có người này người kia, việc sai sót hay có mặt không tốt là điều thường thấy.

Bê tráp đám hỏi: Đắng cay khi bị quỵt tiền công, chú rể báo mất đồ - Ảnh 3.

Ngoài tiền lương và lì xì, các leader thường không cho phép dàn bê tráp xin thêm tiền từ cô dâu chú rể

Long Hải cũng phải đối mặt với nhiều tình huống đáng nhớ khi đi bê tráp như trời mưa khiến cho đồ lễ lẫn quần áo đều ướt sạch. Đặc biệt nhất phải kể lần chú rể làm mất đồ giá trị và cho rằng dàn bê tráp nam lấy: “Hôm đó bọn mình đi làm như thường lệ, đến thay đồ rồi di chuyển từ nhà trai sang nhà gái rồi về. Đến khi bọn mình thay đồ xong thì chú rể bảo mất đồ, giá trị khoảng 2 - 3 triệu gì đó. Bọn mình đề nghị kiểm tra túi từng người và không thấy thì anh ấy cũng bảo ‘Thôi, không có gì’ nhưng sau đó vẫn phản ánh đến cửa hàng thuê bọn mình.

Tuy nhiên bên cửa hàng không căng thẳng gì vì bọn mình đã làm việc nhiều với họ, hay còn gọi là team cứng, có uy tín của cửa hàng. Và trước đó bọn mình cũng chưa bao giờ để xảy ra trường hợp như thế nên được tin tưởng” - Long Hải kể lại. 

Về chuyện bị leader “bùng” tiền, Long Hải cũng có biết đến và từng trải qua: “Mình đã gặp chuyện này 1 lần. Hôm đó nhóm bọn mình đi bê tráp với một leader lạ, người này nhờ leader bên mình tìm hộ và bị ‘bùng’ tiền. Mình cũng biết nhiều bạn đi làm với leader khác thì nhiều lần bị ‘bùng’ lắm”.

Với nhiều người, 100 - 200.000 đồng/lần bê tráp hay thu nhập 3 - 4 triệu/tháng cho công việc này chẳng đáng là bao. Nhưng với người trẻ nói chung và học sinh - sinh viên nói riêng, đó là những con số đáng kể. Và dù mức lương bao nhiêu thì cả người thuê lẫn người bê tráp thuê cũng cần phải có trách nhiệm với công việc của mình. Bởi miễn là không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức thì công việc nào cũng đáng quý, đáng được trân trọng cả!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn