Tọa đàm có sự tham gia chủ trì của các ngành như Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre cùng với sự tham dự của các đại biểu đại diện các ngành, đoàn thể trên địa bàn các huyện Ba Tri, Giồng Trôm và Bình Đại.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã xảy ra không ít vụ xâm hại trẻ em, trong đó có nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn đã có 85 vụ (2019: 26 vụ, 2020: 20 vụ, 2021: 24 vụ, 6 tháng đầu năm 2022 có 15 vụ) trẻ em bị xâm hại được phát hiện xử lý, trong đó có 75 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tình trạng này có chiều hướng gia tăng, làm suy thoái đạo đức, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
Phân tích nguyên nhân cho thấy, các vụ việc đều liên quan đến các yếu tố như môi trường sống của trẻ em thiếu an toàn, thiếu lành mạnh; trẻ em bị lôi cuốn, bị ảnh hưởng bởi những nội dung xấu, độc, thiếu tính giáo dục từ các ấn phẩm độc hại, mạng xã hội; thiếu sự quan tâm từ gia đình, nhà trường; công tác thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế… và nhiều nguyên nhân xã hội khác.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tham gia tham luận và thảo luận các vấn đề như công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; vai trò của gia đình, nhà trường trong công tác giáo dục kỹ năng cho học sinh ứng phó với nguy cơ bị xâm hại; công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra và xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em; vai trò tiếp nhận, tố giác tội phạm xâm hại trẻ em; vai trò của chính quyền địa phương trong công tác lãnh chỉ đạo các ngành thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em.
Định hướng giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre nhấn mạnh, các cấp Hội cần phối hợp chặt chẽ với các ngành tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em, chăm sóc trẻ em để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, công tác tuyên truyền phải có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, dài hạn và cụ thể cho từng đối tượng.
Tăng cường công tác phối hợp trong công tác quản lý, giáo dục giữa nhà trường - gia đình và xã hội; cần đưa chương trình giáo dục vấn đề xâm hại tình dục, giáo dục giới tính theo từng cấp độ bậc học vào nhà trường; thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài khóa về sức khỏe sinh sản cho học sinh; tuyên truyền giáo dục cho quần chúng nhân dân về những hậu quả tiêu cực của việc xâm hại trẻ em đặc biệt là xâm hại tình dục.
Bên cạnh đó, nâng cao ý thức trách nhiệm phát hiện, trình báo và việc giữ lại bằng chứng để làm cơ sở tố cáo kịp thời hành vi xâm hại tình dục; tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cán bộ thực thi pháp pháp luật, cán bộ xã hội và giám sát viên về nạn xâm hại tình dục và kỹ năng tiếp nhận, theo dõi và điều tra, giải quyết các vụ việc một cách hiệu quả, phù hợp với tâm lý trẻ em; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng (Công an - Viện kiểm sát - Tòa án) trong việc phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi liên quan đến việc xâm hại trẻ em và có cơ chế bảo vệ nạn nhân cũng như người tố cáo để họ mạnh dạn khai báo, tố giác.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, cần tăng cường tư vấn, trợ giúp và hỗ trợ về mặt xã hội cho các nạn nhân và gia đình của nạn nhân; tổ chức khảo sát toàn diện về số lượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại qua đó xây dựng chương trình, kế hoạch bảo vệ, ngăn chặn các hành vi xâm hại đối với các đối tượng này; cha mẹ, người thân trong gia đình cần quan tâm đến trẻ, để qua đó quan sát thấy được những thay đổi tâm sinh lý bất thường của trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn