Hà Nội: Bến xe vắng khách ngày cuối năm, nhà xe "than trời" vì lo lỗ

22:55 | 09/02/2021;
Thời điểm này mọi năm, các bến xe luôn trong tình trạng quá tải dù đã tăng chuyến. Tuy nhiên, năm nay dù đã cận Tết nhưng các bến xe rất vắng khách.

Ngày 9/2 là ngày làm việc cuối cùng của người lao động. Sau ngày 28 Tết, người dân sẽ về quê nghỉ Tết Nguyên đán. Thông thường, những ngày này năm trước, lượng khách về quê sẽ rất đông, đặc biệt là từ ngày 27 đến hết ngày 29 Tết. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số hành khách vào các bến như Bến xe Giáp Bát, Bến xe Mỹ Đình rất thưa thớt.

Theo ghi nhận của PNVN, từ cuối giờ chiều ngày 9/2, khu vực khách chờ mua vé ở Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) rất vắng vẻ. Các quầy vé trong bến chỉ lác đác khách vào mua vé. Khu sảnh lớn cho khách chờ mua vé, phòng chờ xe cũng rất vắng khách.

Chị N.T.L. là nhân viên bán vé xe tuyến Hà Nội - Ninh Bình cho biết: Hiện xe chỉ còn 10 phút nữa là đến giờ xuất bến nhưng số khách mua vé chưa được nửa. Trong khi ngày này những năm trước, trước khi xuất bến xe đã đầy khách. Thậm chí, nhà xe còn phải xếp ghế giữa cho khách ngồi.

Bến xe Giáp Bát chiều muộn ngày 9/2 (tức 28 âm lịch) rất vắng khách - Ảnh: Linh Trần

Bà Trần Thị Loan, một hành khách vừa lên xe khách tuyến Hà Nội - Nông Cống (Thanh Hóa) để về quê cho biết, trước khi lên xe bà cũng lo không còn chỗ, bởi những năm trước đều như vậy. Tuy nhiên, khi bà lên xe chỉ có rất ít người, bà thoải mái chọn chỗ.

Chị Nguyễn Thị Thắng, chủ một nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa cho biết, gia đình có 8 xe. Thông thường, những ngày lễ trong năm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán, xe rất đông khách. Từ sau ngày 23 tháng Chạp những năm trước, chuyến xe nào cũng đầy ắp khách. Ghế 2 người nhà xe phải xếp ngồi 3 người và xếp thêm hàng ghế giữa, đó là chưa kể khách lên dọc đường. Để phục vụ nhu cầu người dân, nhà xe phải tăng từ 2 đến 3 chuyến/ngày và hoạt động đến 21h.

Tuy nhiên, năm nay dù đã cận Tết nhưng lượng khách vẫn rất ít. Chiều ra Thanh Hóa - Hà Nội mỗi chuyến chỉ 2-3 khách, còn chiều về thì đông hơn, chừng 20 khách/xe 45 chỗ. Trong khi, mỗi xe phải chịu rất nhiều chi phí, từ nhân công, bến bãi cho đến "làm luật".

Dù ít khách, nhưng nhà xe có muốn "lỳ" không chạy cũng không được vì đến giờ thì xe phải đi, nếu không bến cũng đuổi ra. "Hy vọng từ sáng ngày 10/2 (29 tháng Chạp) thì khách sẽ đông hơn. Nếu không thì nhà xe lỗ quá", chị Thắng chia sẻ.

Bến xe vắng khách ngày cuối năm - Ảnh 3.

Chỉ thấy lác đác hành khách vào bến

Theo lãnh đạo Bến xe Giáp Bát, thời điểm này những năm trước, bến xe luôn trong tình trạng quá tải dù đã tăng thêm hàng trăm chuyến/ngày. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng khách về quê ít hơn. Hơn nữa, cũng do đời sống ngày càng cao, nên nhiều hộ có thu nhập mức trung bình khá đã mua xe cá nhân để tiện đi lại.

Ngoài ra, một số lượng lớn xe dịch vụ chở khách cũng tăng cường hoạt động trong thời gian này và hành khách cũng ưa chuộng hơn. Ví như, những ngày Tết nếu di chuyển từ Hà Nội về TP. Thanh Hóa tiền vé xe khách khoảng 100.000 đồng/người (nhưng thường nhà xe tăng lên 150.000 đồng/người). Nếu 7 người thuê một chuyến xe 7 chỗ về Thanh Hóa thì chỉ hết khoảng 1,7 triệu đồng, chia ra thì khoảng 250.000 đồng/người. Như thế, người dân sẽ chọn dịch vụ này vì vừa đi nhanh, xe không dừng bắt khách lại thoải mái… Đó là những nguyên nhân chính khiến số hành khách vào bến mua vé và đi xe khách giảm hơn, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Bến xe vắng khách ngày cuối năm - Ảnh 4.

Trong sảnh chờ, một hành khách kiểm tra lại thông tin vé

Theo Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, đợt phục vụ cao điểm Tết năm nay được xác định bắt đầu từ ngày 1/2 (tức ngày 20 tháng Chạp). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân hạn chế đi lại nên lượng khách qua các bến xe giảm mạnh. Đến chiều nay, lượng khách qua bến chỉ bằng 50 - 60% so với các ngày trước đó.

Bến xe vắng khách ngày cuối năm - Ảnh 5.

Các điểm bán vé vắng bóng người mua

Bến xe vắng khách ngày cuối năm - Ảnh 6.

Do trời mưa, cộng với nỗi lo dịch Covid-19 nên rất ít người về quê

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn