Bệnh có thể gây vô sinh đang 'vào mùa'

09:55 | 21/02/2017;
Chỉ riêng BV E Trung ương, hơn 1 tháng qua tiếp nhận 20 ca mắc quai bị, trong đó có nhiều người lớn. Theo các chuyên gia y tế, thời tiết giao mùa như hiện nay là điều kiện thuận lợi để quai bị và nhiều bệnh khác bùng phát.
Ngày 20/2, ThS. Vũ Mạnh Cường, Phó khoa Bệnh truyền nhiễm, BV E Trung ương, cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay có 20 bệnh nhân mắc quai bị đến khám, chủ yếu là được điều trị ngoại trú.

Bệnh nhân T.V.A (28 tuổi, ở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào viện trong tình trạng sốt, sưng đau góc hàm 2 bên, tinh hoàn bên trái sưng đau. Các bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới tiến hành khám lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết, xác định bệnh nhân A mắc quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn bên trái. Qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện dịch trong màng tinh hoàn, tinh hoàn bên trái có kích thước to hơn bình thường.

5 ngày trước đó, bệnh nhân có tiếp xúc với một người bạn mắc quai bị. Một ngày sau, bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, sưng đau góc hàm bên phải, sau đó bệnh lan xuống tinh hoàn bên trái. Nhưng bệnh nhân tự điều trị tại nhà không khỏi.
qb2.jpg
Bệnh nhân nữ điều trị quai bị tại BV E Trung ương
Nằm điều trị bên cạnh giường bệnh nhân A là bệnh nhân Đ.T.V. (63 tuổi, ở Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng nhập viện do mắc quai bị từ 5 ngày trước đây. Bệnh nhân V. nhập viện trong tình trạng sưng đau góc hàm bên phải, sau đó lan sang bên trái. Bác sĩ chẩn đoán tuyến nước bọt mang tai 2 bên của bệnh nhân có kích thước to hơn bình thường. 

TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai (Hà Nội), cũng cho biết, thời gian này khoa tiếp nhận nhiêu ca quai bị, có những ca biến chứng. Trẻ trai mắc quai bị trước tuổi dậy thì thường chỉ sưng tuyến mang tai, sau tuổi dậy thì có thể bị viêm tinh hoàn. Nữ mắc bệnh quai bị có thể dẫn đến viêm buồng trứng.

“Bệnh quai bị ở người lớn tuy ít gặp nhưng thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Người sau tuổi dậy thì mắc quai bị có thể gặp các biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn với tỷ lệ 20-35%, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời. Biểu hiện là tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng, vô sinh.

Biến chứng gây viêm buồng trứng có tỷ lệ 7% ở nữ sau tuổi dậy thì, ít khi dẫn đến vô sinh. Đặc biệt, bệnh quai bị ở phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sảy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu”, ThS Vũ Mạnh Cường cho biết.

Để phòng quai bị, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp.

- Tiêm vaccine phòng bệnh quai bị. Bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi: Mũi 1 lúc 9 tháng tuổi, mũi 2 sau mũi 1 sáu tháng, mũi 3 khi trẻ từ 4-12 tuổi.

- Người bệnh phải nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho người khác.

- Người bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời, đặc biệt là với những trường hợp khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn