Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A).
Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh cúm mùa thông thường có thể tự khỏi. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, cúm mùa có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng bao gồm viêm tim, viêm não, viêm cơ, suy đa cơ quan, thậm chí dẫn đến tử vong.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người nên liên hệ với các cơ sở y tế khi có triệu chứng cúm. Cần che miệng, mũi mỗi khi ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, Bộ Y tế đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc tích cực tiêm chủng.
Có nhiều lý do để tiêm ngừa cúm mỗi năm. Tiêm phòng cúm là cách tốt nhất để bảo vệ bạn và những người thân yêu chống lại bệnh cúm và các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Dưới đây là tóm tắt về 4 lợi ích việc tiêm phòng cúm mà bạn có thể nhận được:
Tiêm phòng cúm giúp ngăn ngừa hàng triệu ca bệnh liên quan đến cúm mỗi năm. Sau khi tiêm vaccine, nếu bạn không may mắc cúm thì nguy cơ biến chứng vì căn bệnh này cũng rất thấp.
Theo CDC Hoa Kỳ, vắc xin cúm đã được chứng minh là làm giảm 40% đến 60% nguy cơ phải nhập viện do cúm.
Một nghiên cứu năm 2021 cũng cho thấy ở người lớn, tiêm phòng cúm có liên quan đến nguy cơ nhập viện ICU (điều trị tích cực) thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong do cúm thấp hơn 31% so với những người không tiêm chủng.
Tiêm phòng cúm có liên quan đến việc giảm tỷ lệ biến chứng tim mạch. Đồng thời, có thể làm giảm nguy cơ bệnh phổi mãn tính trở nên trầm trọng hơn do cúm (ví dụ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD).
Trong số những người mắc bệnh tiểu đường và bệnh phổi mãn tính, tiêm phòng cúm cũng đã được chứng minh có liên quan đến việc giảm số lần nhập viện do tình trạng bệnh mãn tính trở nên tồi tệ hơn.
Tiêm phòng giúp giảm khoảng một nửa nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do cúm ở người mang thai. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy rằng việc tiêm phòng cúm làm giảm nguy cơ nhập viện vì bệnh cúm của một bà bầu trung bình 40% từ năm 2010-2016.
Một số nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng ngoài việc giúp bảo vệ người mẹ, vắc-xin cúm được tiêm trong thai kỳ cũng giúp bảo vệ em bé khỏi bệnh cúm trong vài tháng sau khi sinh, khi trẻ còn quá nhỏ để được chủng ngừa.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy tiêm phòng cúm có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do cúm của trẻ.
Tiêm phòng cúm cũng giúp bảo vệ cho cả những người không thể tiêm phòng, bao gồm trẻ nhỏ, bệnh nhân ung thư và những người có hệ miễn dịch suy yếu. Khi tỷ lệ chủng ngừa cao, những người này cũng sẽ được bảo vệ vì họ ít có khả năng bị nhiễm cúm hơn.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
- Tránh dùng tay chạm vào mắt, miệng, mũi bởi đây là con đường chính gây giúp virus xâm nhập vào cơ thể.
- Xây dựng chế độ ăn uống và thể dục thể thao lành mạnh, phù hợp với thể trạng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn