Bệnh ‘đẻ’ ra bệnh vì lạm dụng thuốc gia truyền

07:00 | 05/09/2016;
Bị nhức lưng, khớp, tiểu đường hoặc huyết áp… nhiều bệnh nhân tin dùng thuốc nam, gia truyền. Kết quả, không ít người, bệnh không những trở nặng hơn mà còn ‘đẻ’ ra nhiều bệnh khác.
Từ Hồng Ngư (Đồng Tháp) lên TP.HCM nhập viện trong tình trạng mặt phù nề, chân tay teo, vai phù và rạn da, chị Khiếu Thị Như Kiều* (40 tuổi) không biết tại sao mình mắc ‘bệnh lạ’. Chỉ tới khi bác sĩ kết luận chị bị hội chứng cushing do lạm dụng thuốc chứa corticoid để điều trị đau, chị Kiều mới không giấu được sự hoang mang.

Khoảng 5 năm trở lại đây, chị Kiều bị bệnh đau khớp, nhức lưng hành hạ. Tìm đến các phòng khám và điều trị bằng thuốc uống, chích không hiệu quả, chị Kiều nghe chỉ dẫn của một người quen, mua thuốc nam tự chế của một thầy lang tại An Giang. ‘Uống vào là đỡ liền nhưng không khỏi bệnh hẳn. Vì vậy, mỗi lần đau tui lại lấy thuốc uống, với tui, loại thuốc này như “thần dược”, bởi hiệu quả rất nhanh’, chị Kiều kể.
1-2.JPG
Chị Kiều khi điều trị tại TP.HCM
Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, chị Kiều thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, mặt, vai mỗi lúc ‘mập hơn’, nhưng chân tay teo lại và da bụng có dấu hiệu rạn. Tháng 8 vừa qua, khi tới một BV tại quận 10 (TP.HCM), chị mới té ngửa, bởi chính ‘thần dược’ chị sử dụng nhiều năm qua khiến chị bị hội chứng cushing.

Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng tại một số BV lớn ở TP.HCM như ĐH Y Dược TP.HCM, Chợ Rẫy, BV Cấp cứu Trưng Vương… số bệnh nhân đến điều trị các bệnh liên quan đến lạm dụng thuốc nam, thuốc gia truyền chứa corticoid đang ngày càng gia tăng.

BSCK2 Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Chợ Rẫy cho biết, nhiều bệnh nhân bị suy thận mạn đang điều trị tại khoa, nguyên nhân là do tự ý sử dụng thuốc nam, gia truyền chứa corticoid để điều trị các chứng đau mạn tính. ‘Trong thuốc tây, lượng corticoid chứa trong thuốc đều có thông số rõ ràng, bệnh nhân sử dụng theo chỉ định của bác sĩ với liều lượng vừa đủ để không gây hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, đối với thuốc nam, thuốc gia truyền tự chế có tác dụng giảm đau, không ai có thể kiểm soát lượng corticoid có trong thuốc là bao nhiêu, bệnh nhân sử dụng thấy giảm đau nhanh thì nghĩ là hiệu quả nên tiếp tục sử dụng. Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi có thể dẫn đến nhiều bệnh lý, đặc biệt là suy thận mạn’, BS Tuấn cho biết.
2.JPG
Sử dụng thuốc 'gia truyền' không nhãn mác, nguồn gốc, rât nguy hiểm
Theo BSCKI Cao Thanh Ngọc, Phòng khám Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, BV ĐH Y Dược TP.HCM, khi mắc các bệnh đau mạn tính, người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị hoặc sử dụng các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc. Việc lạm dụng các thuốc giảm đau hoặc sử dụng các chế phẩm ‘giả danh’ thuốc nam, thuốc bắc, đông y, các bài thuốc gia truyền, giúp làm giảm triệu chứng nhanh chóng nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng như tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, béo phì…

Cũng theo BSCKI Cao Thanh Ngọc, thuốc giảm đau có hai loại. Một là thuốc kháng viêm không chứa corticoid. Khi người bệnh tự sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ, gây ra những tác dụng rất nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa hoặc làm tăng những biến cố về bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, gây suy thận nặng hơn. Hai là thuốc kháng viêm chứa corticoid. Khi mới dùng thì người bệnh cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu, giảm đau, ăn ngon, ngủ dễ. Nhưng nếu sử dụng trong thời gian dài với liều cao, sẽ dẫn đến những biến chứng như loãng xương, tăng huyết áp, tiểu đường, rạn da, dễ nhiễm trùng, đục thủy tinh thể.
*Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn