Gan nhiễm mỡ nên ăn gì và kiêng gì là quan tâm hàng đầu của người bị bệnh, bởi dinh dưỡng là yếu tố có liên quan rất mật thiết đối với bệnh gan nhiễm mỡ.
Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong hình thành và diễn tiến bệnh, mà dinh dưỡng còn một trong các nội dung chủ yếu của điều trị gan nhiễm mỡ. Chính vì thế, dinh dưỡng đúng cách giúp kiểm soát và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì và kiêng gì lại là điều mà không phải người bệnh nào cũng nắm được.
1. Bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì và kiêng gì?
Trong chế độ ăn cho người bệnh gan nhiễm mỡ, các loại ngũ cốc nguyên hạt được khuyến khích sử dụng hơn là các loại ngũ cốc tinh chế. Khi này, các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, lúa mạch, gạo lứt,... nên chiếm ít nhất 50% nguồn ngũ cốc mà người bệnh sử dụng.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt ngoài cung cấp nguồn carbohydrate lành mạnh thì chúng còn rất giàu chất khoáng, vitamin và chất xơ,... Chúng khiến người bệnh cảm thấy no lâu hơn và giảm phản ứng tổng hợp chất béo từ carbohydrate dư thừa. Từ đó có tác dụng rất tích cực với người mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Với câu hỏi người bị gan nhiễm mỡ nên ăn gì và kiêng gì, sẽ thật thiếu sót nên không nhắc đến các loại thực phẩm giàu chất đạm.
Các thực phẩm như cá, thịt bò thăn, thịt lợn thăn, thịt gia cầm,... chứa hàm lượng protein cao trong khi chứa rất ít chất béo nên được ưu tiên sử dụng cho người mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Sử dụng các loại protein nạc này giúp người bệnh no lâu hơn, tốt cho cơ bắp, tránh dư thừa chất béo và giúp kiểm soát cân nặng rất hiệu quả.
Nếu người bệnh là một người ăn chay thì nguồn protein từ những loại đậu như đậu tương, đậu phộng, đậu đỏ,... có thể được dùng để thay thế protein từ động vật. Những loại đậu này cũng có chứa hàm lượng cao vitamin và ít chứa chất béo.
Nhiều người cho rằng bị gan nhiễm mỡ thì cần phải kiêng sử dụng chất béo hoàn toàn. Nhưng thực tế, đây lại là một lầm tưởng rất nghiêm trọng với vấn đề bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì.
Người bệnh gan nhiễm mỡ được khuyến khích nên hạn chế lượng chất béo sử dụng trong khẩu phần ăn. Tuy nhiên, không nên loại bỏ hoàn toàn chất béo trong khẩu phần ăn hằng ngày. Bởi chất béo có nhiều vai trò rất quan trọng khác nhau đối với cơ thể, nó tham gia vào cấu trúc cơ thể, tham gia vào cấu tạo nên các hormon,...
Do đó, kể cả khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh gan nhiễm mỡ thì vẫn cần phải đảm bảo cung cấp chất béo trong khẩu phần ăn với lượng cần thiết. Ngoài ra, các loại chất béo sử dụng nên là những loại chất béo có nguồn gốc lành mạnh chẳng hạn như chất béo omega-3 có trong các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ,...), đồng thời hạn chế sử dụng các chất béo bão hòa (mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ,...) và các chất béo chuyển hóa.
Với các bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ, rau củ và trái cây nên chiếm ít nhất một nửa khối lượng khẩu phần ăn mà bệnh nhân sử dụng.
Các loại thực phẩm có nguồn gốc rau củ, trái cây giúp cung cấp nhiều chất xơ và vitamin, trong khi đó thường chứa khá ít calo. Lý do này khiến chúng có khả năng hỗ trợ hoạt động tiêu hóa của người bệnh, kiểm soát khối lượng cơ thể ổn định, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, trong các loại rau củ và trái cây thường chứa một lượng lớn các chất chống oxy hóa. Các chất này có tác dụng tích cực trong kiểm soát các tổn thương gan ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ.
Các loại hạt nói chung đều có tác dụng rất tích cực trong chế độ ăn kiêng của người bệnh gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, đặc biệt phải kể đến công dụng của quả óc chó với những người mắc căn bệnh này.
Với hàm lượng omega-3 cao và chứa rất hạn chế các loại chất béo khác, quả óc chó đã được chứng minh rằng nó có khả năng cải thiện đáng kể chức năng gan ở những người bị gan nhiễm mỡ không do rượu.
Với những người mắc bệnh gan nói chung và bệnh gan nhiễm mỡ nói riêng, cafe và trà xanh là những loại thức uống rất có lợi với sức khỏe.
Trong những loại thức uống này chứa nhiều các chất chống oxy hóa khác nhau. Điều này khiến chúng có thể giảm tổn thương gan và ngăn tích tụ chất béo ở gan. Do đó, những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ có thể tăng cường sử dụng các loại thức uống này ở mức độ hợp lý nhằm cải thiện sức khỏe lá gan.
Đứng đầu danh sách các loại thực phẩm mà bệnh nhân gan nhiễm mỡ không nên ăn phải kể đến chính là các loại thực phẩm giàu chất béo như thịt mỡ, thức ăn chiên, xào,...
Lượng chất béo được cung cấp quá nhiều sẽ gây dư thừa so với nhu cầu của cơ thể. Những chất béo này được tích tụ lại tại nhiều tổ chức khác nhau như quanh các tạng, dưới da, và cả ở tại gan. Nên có ảnh hưởng rất tiêu cực lên tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ, khiến bệnh khó được kiểm soát hơn.
Các loại thức ăn chứa nhiều đường (bánh, kẹo, kem,...) hoặc ngũ cốc đã tinh chế chứa hàm lượng carbohydrate rất cao, trong khi các loại chất dinh dưỡng khác mà nó có thể cung cấp lại rất nghèo nàn.
Khi sử dụng quá nhiều các loại thức ăn chứa nhiều đường hoặc ngũ cốc đã qua tinh chế sẽ dễ dẫn đến tình trạng dư thừa carbohydrate. Carbohydrate dư thừa sẽ được cơ thể chuyển hóa thành chất béo và dự trữ tại các cơ quan khác nhau, trong đó có gan.
Một nghiên cứu năm 2015 đã chỉ ra rằng, các bệnh nhân gan nhiễm mỡ sử dụng ít đường và ngũ cốc tinh chế có mức độ kiểm soát bệnh tốt hơn so với các bệnh nhân khác, ít gặp các biến chứng tim mạch và đột quỵ hơn.
Rượu hoặc các thức uống có chứa cồn sau khi được đưa vào cơ thể sẽ được chuyển hóa tại gan. Việc sử dụng rượu và các thức uống có cồn đã được chứng minh là một trong các nguyên nhân trực tiếp gây nên bệnh gan nhiễm mỡ và các bệnh lý gan nguy hiểm khác, chẳng hạn như xơ gan,...
Do đó, bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ cần tránh sử dụng rượu hoặc các thức uống có cồn để tránh làm bệnh tiến triển nặng hơn và có thể kiểm soát bệnh tốt hơn.
Để phát huy tối đa vai trò của chế độ dinh dưỡng với sự kiểm soát tiến triển và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ, người bệnh hãy lưu ý một số điều sau đây:
- Chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân cần phải đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho người bệnh hoạt động, tăng cường sử dụng các loại thực phẩm có ích và tránh dùng các loại thực phẩm không có lợi cho tình trạng bệnh. Tuy nhiên, không nên kiêng khem quá mức khiến dinh dưỡng mất cân đối.
- Khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày của người bệnh nên được phân phối hợp lý để cung cấp năng lượng đồng đều cho thời gian hoạt động trong ngày. Hiện nay, người bệnh thường được khuyến khích sử dụng 3 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày.
- Để dễ dàng ước lượng thành phần các loại thực phẩm sử dụng trong bữa ăn, người bệnh có thể áp dụng phương pháp chia đĩa thức ăn thành 4 phần. Trong đó, rau xanh và củ quả chiếm 2/4 đĩa, 1/4 đĩa chứa protein, 1/4 đĩa chứa carbohydrate.
- Hạn chế sử dụng các phương pháp chế biến thức ăn phải sử dụng nhiều chất béo như chiên, xào,... Thay vào đó, người bệnh có thể sử dụng các cách nấu ăn như nướng, hấp, luộc,...
- Chế độ ăn kiêng đối với người bị bệnh gan nhiễm mỡ cần được áp dụng liên tục. Vì thế, người bệnh không nên ăn kiêng quá mức nhưng chỉ duy trì được trong thời gian ngắn. Ngược lại, hãy thiết lập chế độ ăn kiêng hợp lý và thích hợp với cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày để có thể duy trì nó lâu dài.
Qua đây có thể thấy rằng, người bị bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì và kiêng gì không phải là một vấn đề đơn giản. Những sai lầm trong chế độ dinh dưỡng có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng khác nhau. Do đó, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị và các chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ ăn thích hợp nhất khi bị gan nhiễm mỡ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn