Chưa hết bàng hoàng, bệnh nhân Trần Văn Quang, 51 tuổi, ở TP Hoà Bình, đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai nhớ lại: Tính đến nay tôi đã chạy thận được 9 năm thì có tới 7 năm chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Hôm qua, khi đang tiến hành chạy thận chu kỳ như mọi khi, tôi thấy cơ thể có những khác lạ. Ban đầu là nhức đầu, buồn nôn, buồn vệ sinh rồi rơi vào trạng thái mệt mỏi, khó kiểm soát.
|
Bệnh nhân Trần Văn Quang nhớ lại giây phút kinh hoàng bị tai biến khi chạy thận |
Các bệnh nhân khác khi được hỏi đều có triệu chứng ban đầu như ông Quang. “Trước đây, trong quá trình chạy thận có xuất hiện sốc nhẹ với triệu chứng đau đầu, buồn nôn nhưng không nặng. Lần này, cảm giác buồn nôn, nhức đầu xuất hiện sớm và nặng hơn”, bệnh nhân Quang nhớ lại.
Bệnh nhân Bùi Thị Vân, 54 tuổi, dân tộc Mường, cũng bị sốc phản vệ khi chạy thận tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình và được chuyển xuống BV Bạch Mai cấp cứu. Hiện bà Vân đã tỉnh và nhớ lại: Tôi chạy thận được 3 năm nay nhưng lần này rất khác. Hôm qua, đang chạy thận bỗng thấy rét run, khó thở, mệt mỏi, mờ mắt, buồn nôn… Sau khi được chuyển xuống đây, tôi đã tỉnh táo, đỡ mệt hơn rất nhiều.
Tại BV Bạch Mai, công tác tiếp nhận bệnh nhân diễn ra từ rạng sáng 30/5. Hiện bệnh viện đang dồn hết sức để tiếp nhận và điều trị cho số bệnh nhân được chuyển về.
Theo TS Đào Xuân Cơ, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, trong số 18 người bị nghi sốc phản vệ có 10 bệnh nhân sức khỏe tạm thời ổn định song chưa thể khẳng định chắc chắn đã qua cơn nguy kịch.
Hiện nguyên nhân chính xác gây ra sự cố trên chưa được xác định nên hướng điều trị là bệnh nhân nặng được chuyển sang BV khác để tiếp tục chạy thận, trường hợp có thể đi được mới vận chuyển về Hà Nội.
|
Bệnh nhân Bùi Thị Vân đang được điều trị tại BV Bạch Mai |
Trước đó, sự cố 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình có biểu hiện bất thường. Đến thời điểm này (trưa 30/5/2017) đã có 7 ca tử vong.
BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) cho biết, biến chứng trong chạy thận nhân tạo là có nhưng chỉ lẻ tẻ một vài ca, còn đồng loạt là hi hữu, trong 45 năm từ khi thành lập khoa chưa bao giờ xảy ra, y văn thế giới đã có ghi và xảy ra từ lâu. “Đây là tai biến y khoa nặng, nghiêm trọng, hiếm xảy ra”, BS Dũng khẳng định.
Cũng theo TS Nguyễn Hữu Dũng, ngay trong đêm 29/5, rạng sáng 30/5 chúng tôi quyết định chuyển 10 bệnh nhân đầu tiên từ Hoà Bình về Hà Nội. Một trường hợp nặng cần ở lại bệnh viện tỉnh để điều trị sẽ tốt hơn vì quá trình vận chuyển xa sẽ không tốt cho sức khỏe.
Trong số 10 ca chuyển xuống đầu tiên, hiện có 1 ca nặng đang theo dõi, 9 ca còn lại nhẹ hơn. Có 4 bệnh nhân đang điều trị tại khoa Thận tiết niệu, 2 ca ở Trung tâm chống độc, 1 ca nằm tại khoa Cấp cứu và 3 ca nằm ở khoa Thận nhân tạo.
Trưa 30/5, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tới thăm, tặng quà các bệnh nhân nghi sốc phản vệ khi chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình ngày 29/5. Các bệnh nhân này hiện đang được điều trị tại BV Bạch Mai. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, sự cố y khoa khiến 7 bệnh nhân tử vong trong số 18 người đang lọc máu tại đơn nguyên Thận nhân tạo của BV Đa khoa Hoà Bình là rất trầm trọng. Bộ trưởng cho biết, trong ngày hôm qua đã thành lập hội đồng chuyên môn, phối hợp các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân. Hội đồng chuyên môn sẽ sớm làm rõ nguyên nhân gây ra sự có trên. Ngành Y tế hết sức chia sẻ nỗi đau của gia đình bệnh nhân và xử lý nghiêm nếu có sai phạm, công khai trong toàn ngành. PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, ngày 29/5, khi chuyển 10 bệnh nhân về BV Bạch Mai, có 1 bệnh nhân rất nặng nhưng nhờ được tích cực điều trị nên bệnh nhân này có những dấu hiệu chuyển biến tốt. BV sẽ lo ăn ở miễn phí, miễn toàn bộ chi phí điều trị cho các bệnh nhân này tại BV.
|