Trong số các bệnh nhân nặng do nhiễm COVID-19 đang được điều trị, trường hợp BN số 91 (43 tuổi, Quốc tịch Anh) phải can thiệp ECMO. Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao bệnh nhân này trẻ, khỏe nhưng bệnh lại diễn tiến nhanh.
Về vấn đề này, Thứ trường Bộ Y Nguyễn Trường Sơn cho biết, thông thường, những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, bệnh về hô hấp thì tỷ lệ xảy ra diễn tiến nặng tương đối cao. Tuy nhiên, với BN91, dù không thuộc nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền) nhưng có thể do độc tính của virus gây bệnh. Cùng đó, bệnh nhân cân nặng 100 kg, cao 1,83m. Nếu tính theo chỉ số BMI thì bệnh nhân này có yếu tố béo phì. "Đây là một trong những nguyên nhân có thể đưa bệnh nhân này vào nhóm nguy cơ có thể diễn biến nặng", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, đối với các bệnh nhân nặng, những ngày qua ngành y tế đã huy động đội ngũ cán bộ chuyên gia giỏi nhất thông qua các cuộc hội chẩn BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy hỗ trợ điều trị. Bộ Y tế sẽ cùng các y bác sĩ giỏi nhất cố gắng chiến đấu, để cứu chữa, giữ mạng sống cho các bệnh nhân.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, cùng với các nhà khoa học trên thế giới, các nhà khoa học Việt Nam cũng bắt đầu nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng để có được phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Tại buổi họp trực tuyến với Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 chiều ngày 10/3, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, hàng trăm năm qua chưa có đại dịch nào có sức tấn công mãnh liệt như Covid-19. Chỉ trong vài tháng, số mắc của toàn cầu lên tới 1,5 triệu người. Dịch bệnh xảy ra trên tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Do tính chất toàn cầu của dịch bệnh, cả các nhà khoa học trên thế giới bắt tay vào cùng nghiên cứu nên chỉ trong vòng 14 ngày, toàn bộ bộ gene của virus này được công bố. "Chúng tôi tin rằng, trong thời gian tới đây, các nhà khoa sẽ đạt được nhiều bước tiến mới như phát triển ra vaccine, nghiên cứu thuốc trong điều trị", ông Long nhận định.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay dù số ca nhiễm có xu hướng chậm lại, nhưng chúng ta không được chủ quan. Người dân không được lơ là, mất cảnh giác. Đồng thời, chính quyền cần xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ chỉ thị cách ly xã hội của Chính phủ, nếu không sẽ có nguy cơ vỡ trận.
Bệnh nhân 91 là nam (Quốc tịch Anh, 43 tuổi, trú tại quận 2, TP.HCM) là phi công Hãng hàng không Vietnam Airlines. Ngày 8/3, bệnh nhân là hành khách từ London (Anh) về Việt Nam trên chuyến bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines số hiệu VN10, số ghế 5K.
Ngày 16/3, bệnh nhân là phi công trên chuyến bay VN272 từ TPHCM đi Hà Nội và VN607 chiều từ Hà Nội - TP.HCM trong cùng ngày.
Từ ngày 13 đến 18/3, bệnh nhân lưu trú tại TP.HCM và tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có quán bar Buddha (quận 2). Ngày 17/3, bệnh nhân bị sốt, ho. Đến chiều 18/3, bệnh nhân tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM khám, nhập viện với tình trạng X-quang có tổn thương nhu mô phổi phải và được xác định dương tính với Covid-19.
Ngay từ khi nhập viện, bệnh nhân đã bị sốt cao liên tục, suy hô hấp tăng dần, kết quả chụp X-quang phổi cho thấy phổi bị tổn thương mô kẽ, phế nang lan tỏa 2 phế trường diễn tiến ngày càng xấu hơn. Bệnh nhân đã được điều trị hỗ trợ hô hấp từ thở oxy mũi, cho thở oxy mask từ ngày 25/3. Ngày 27/3, bệnh nhân được thở CPAP và đến ngày 5/4 được thở máy xâm lấn.
Ngày 6/4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã hội chẩn liên viện với Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM và đã chỉ định cho bệnh nhân chạy máy ECMO (tim phổi nhân tạo).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn