Buông xuôi chờ đợi cái chết
Bà C. cho biết, hiện tại, bà vẫn đang được theo dõi ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tình trạng sức khỏe ổn định. Theo dự kiến, bà C sẽ được ra viện vào ngày 15/5/2020. "Ai gọi điện hỏi thăm, tôi đều nói, nếu gặp lại mọi người sẽ không nhận ra đâu vì giờ em trẻ đẹp lắm", bà C. cười khi chia sẻ.
Trái với trước đó, khi biết mình dương tính với Covid-19 (ngày 2/4/2020), bà C. đã buông xuôi và nghĩ đến cái chết. Bởi tại thời điểm đó, khi tìm hiểu trên báo, đài, bà được biết có nhiều người ở châu Âu tử vong vì dịch bệnh này, nhất là những người già và có sức khỏe yếu như bà. Những ngày đó, bà C. chỉ nằm một chỗ khóc, cơm không buồn ăn và khi có điện thoại đến không buồn nghe máy.
Thấy tâm lý của bà C. không ổn, gây ảnh hưởng tới liệu trình điều trị, các bác sĩ dành thời gian chia sẻ và động viên bà. Qua những lời nói chân tình ấy, bà C. dần tin tưởng vào phác đồ điều trị của bác sĩ và tin rằng căn bệnh của mình sẽ sớm được chữa khỏi. Đặc biệt, khi nghe tiếng hát của những người cùng cảnh ngộ với mình trong phòng, bà C. dần lấy lại nghị lực và có trạng thái tâm lý tốt hơn.
Từ người đến điều trị sau và có tâm lý bất ổn nhất trong phòng (phòng có 6 bệnh nhân dương tính với Covid-19), bà C. trở thành người có kết quả âm tính với Covid-19 sớm nhất. Sau nhiều lần có kết quả âm tính, ngày 14/4, bà C. được chuyển tới khu vực khác tiếp tục cách ly và chờ công bố khỏi bệnh vào ngày 17/4.
"Buổi sáng hôm ấy, các y, bác sĩ chúc mừng tôi đã khỏi bệnh và nói tôi có bộ quần áo nào đẹp thì mang ra mặc để chụp ảnh kỷ niệm cùng các nhân viên y tế. Lúc ấy, không có bộ quần áo nào khác nên tôi mặc bộ quần áo màu đen. Cảm xúc vỡ òa, chẳng biết nói gì khác ngoài lời cảm ơn tới những nhân viên y tế đã không quản nguy hiểm chăm sóc tôi", bà C. nghẹn ngào nói.
Được biết, bà C. bị nhiễm Covid-19 trong khoảng thời gian chăm sóc mẹ chồng (cụ N.T.H, 88 tuổi, bệnh nhân 161) tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 16/3. Trong khoảng thời gian điều trị tại bệnh viện, mẹ chồng bà C. có nằm cùng phòng với bệnh nhân 133 (ở Lai Châu) nên có thể bị lây bệnh từ người này. Sau đó, do có thời gian chăm sóc cụ H., nên bà C. cùng vợ, con của anh chồng cũng bị dương tính với Covid-19 và trở thành bệnh nhân 162, 163 và 219.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bà C. cùng người thân được điều trị tại những phòng khác nhau, khu cách ly khác nhau nên không thể gặp nhau trực tiếp, vì bệnh viện yêu cầu bệnh nhân không được rời khỏi phòng, không được đi ra hành lang. Ngoài cụ H., các thành viên trong gia đình thường xuyên gọi điện chia sẻ tình hình, động viên nhau cùng tích cực điều trị để chiến thắng bệnh tật.
Trước đó, gia đình bà C. gồm 7 người (chồng, con trai, con gái, con dâu và hai cháu) thuộc diện F1 đã hoàn thành việc cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm (8/4) và đã trở về nhà.
Chia sẻ về tình hình của gia đình mình trong khoảng thời gian này, ông Nguyễn Quang Cường (63 tuổi), chồng bà C., cho biết: "Từ khi chúng tôi trở về, việc hòa nhập với trong xóm diễn ra bình thường, không ai nói năng hay dị nghị gì".
"Để đảm bảo đời sống của người dân, đặc biệt tránh việc kỳ thị người bệnh sau khi điều trị khỏi trở về nhà, chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, thông tin cho người dân hiểu về tình hình dịch bệnh", ông Cao Văn Long, Chủ tịch UBND xã Tân Quang, thông tin.
Lắng nghe cơ thể
Thực tế, có một số bệnh nhân đã được điều trị khỏi Covid-19 nhưng vẫn bị dương tính trở lại. Vì thế, theo TS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, những người bệnh sau khi đã điều trị khỏi và theo dõi trong bệnh viện đủ thời gian thì về nhà vẫn cần có những hỗ trợ nhất định để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Cụ thể, những người này cần tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng cho bản thân như sử dụng khẩu trang trong toàn bộ thời gian ở những không gian có người khác và chỉ nên bỏ khẩu trang ở phòng riêng, nơi không có người khác ra vào. Tuy nhiên, không quá lo ngại tới mức suốt ngày ở trong nhà, những người này vẫn có thể ra ngoài tập thể dục, làm một số công việc thông thường nhưng tránh tiếp xúc với người khác.
Bên cạnh đó, việc rèn luyện sức khỏe thường xuyên cũng giúp nhanh hồi phục sức khỏe. Vấn đề sức khỏe tâm thần cũng cần chú ý, họ cần được chăm sóc thay vì bị kỳ thị.
Về chế độ ăn uống, cần đảm bảo cân bằng các loại dưỡng chất theo độ tuổi và đủ chất, nhất là các yếu tố vi lượng, ăn uống thực phẩm sạch, an toàn và quan trọng nhất là duy trì giấc ngủ đủ, hợp lý. Những người đã hồi phục cần tiếp tục theo dõi bằng cách lắng nghe cơ thể, đo nhiệt độ ít nhất 2 lần/ngày và thông báo cho cơ sở y tế trên địa bàn nếu có các vấn đề sức khỏe như sốt trên 380C, ho, hoặc có cảm giác khó thở để được hỗ trợ sớm nhất có thể.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn