Trên các tuyến phố ở các tỉnh thành, chúng ta rất dễ bắt gặp những bảng hiệu nhà hàng, siêu thị "quên" tiếng Việt như: Highlands Coff…, Mas…, Winma… đến các doanh nghiệp lớn như Pax Holding.., Sung…, Ving…, Vietcom…, Sacom… Techcom…
Đặc biệt, rất nhiều khu đô thị, khu căn hộ của các tập đoàn kinh doanh bất động sản đều không đặt theo tiếng Việt. Nhan nhản những cái tên rất xa lạ với tiếng Việt, như: Eurowin.., Luxury…, Park…, Landmark…, Riverside…vv.
Điều đáng nói, trên giấy tờ đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước, thì những đơn vị trên vẫn đăng ký bằng tiếng Việt. Chỉ đến khi họ chăng lên những bảng hiệu, nhãn hàng thì mới "quên" tiếng Việt, thay vào đó là những cái tên xa lạ với tiếng Việt, với người Việt.
Luật Nhà ở quy định tại Khoản 3 Điều 19 quy định: “Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt. Trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau. Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định…”.
Từ những bảng hiệu "sính ngoại" mà "quên" tiếng Việt, đã khiến sinh ra nhiều câu chuyện dở khóc dở cười trong đời sống xã hội.
Anh Nguyễn Hùng Mạnh, ở Đông Anh, Hà Nội, chia sẻ: "Nhà tôi ở khu đô thị có cái tên tiếng Tây dài ngoằng, bên xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Mỗi khi phải ghi địa chỉ cho ai là một điều rất bất tiện. Ai biết tí ngoại ngữ tiếng Anh thì còn đọc hiểu, ai không biết thì quả thực là mình cũng ngại và họ cũng ngại. Thậm chí là đọc cũng chẳng đúng phiên âm, nên thành ra nó chẳng giống Tây và cũng chẳng giống ta".
Chị Đặng Thị G, ở khu đô thị cao cấp của Vin… bên Gia Lâm, Hà Nội, cho biết: Từ cái tên khu đô thị, cho đến khu căn hộ nhà chị đều được gắn những cái tên rất Tây. Nhưng với bố mẹ chị ở quê ra sống với con cái, thì việc đọc cái địa chỉ lại là một cực hình với các cụ.
Ông Nguyễn Văn Tính, bố chồng chị G, chia sẻ: "Gớm, ở quê ra đây, ngay cả cái tên đô thị đọc cũng khó, ai hỏi nhà cháu nó ở đâu, mình cứ nói là ở Vin Ô Pác, thì họ cứ cười. Nhưng tôi cũng chẳng biết nói thế nào cho đúng, mình sống ở quê quen rồi, có biết tiếng Tây, Tàu gì đâu".
Câu chuyện của chị P, ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc, còn khiến người nghe cười ra nước mắt. Con gái chị nằng nặc đòi bố mẹ đưa đi uống ăn kem ở quán "Hai lần cô phi" tức là Highlands Coffee, khiến cả nhà chị chẳng hiểu gì.
Hay chuyện đi chợ mua đồ, với những người trẻ thì còn biết từ Winmart, nhưng với bà Phấn, từ quê Nam Định lên Hà Nội ở chăm con gái sinh nở, khi con gái nhờ đi Winmart mua đồ, bà tìm mãi chẳng biết cái chợ "Uyn mát" nó nằm ở đâu.
Ngay nay, chỉ cần ngồi ở nhà mở tivi, hay lướt mạng cũng có thể gặp nhan nhản những nhãn hàng mắc "bệnh" quên tiếng Việt, nào là sữa hạt Trizabet, Daisure; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kushiqu, Viganam; hay phòng khám Medstar VN, Pfizers..vv.
Ông Nguyễn Văn Dương (trú tại thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cho biết: "Nhiều lúc xem tivi thấy họ quảng cáo những sản phẩm mà đọc tên nghe như của nước ngoài, thấy tò mò rồi mua về dùng mới biết nó là sản phẩm sản xuất trong nước, chẳng có gì liên quan tới nước ngoài, nhưng không hiểu sao họ cứ phải đặt tên như vậy".
Mặc dù những nhãn hàng, những đơn này đều ở trong nước, chẳng liên quan gì tới nước ngoài. Nhưng họ vẫn gắn cho nó những cái tên rất Tây. Khiến người xem rất khó hiểu và khó đọc cho đúng với những cái tên không thuần Việt này.
Dường như việc "quên" tiếng Việt trên các bảng hiệu, nhãn hàng đang trở thành một trào lưu, khiến cho nhiều con phố, nhiều tuyến đường trở nên kệch cỡm, làm nhức mắt người Việt. Đặc biệt, nó tạo ra sự méo mó, lệch lạc cho ngữ âm của người Việt khi phải gượng đọc những thông tin trên những bảng hiệu, nhãn hàng này.
(Còn nữa)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn