Bệnh tay chân miệng: Nguyên tắc điều trị và các biện pháp điều trị triệu chứng phổ biến theo phác đồ

07:20 | 15/12/2020;
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm rất thường gặp hiện nay, bệnh có thể biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau từ các mức độ nhẹ cho đến rất nặng. Tùy thuộc vào sự biểu hiện của bệnh mà quá trình điều trị bệnh tay chân miệng cũng có sự khác biệt rất lớn giữa các bệnh nhân.

Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra ở tất cả mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu bắt gặp ở đối tượng trẻ em từ 3-5 tuổi và độ tuổi học sinh. Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường có các tổn thương đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện các phỏng nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông.

Bệnh tay chân miệng là bệnh do nguyên nhân virus gây nên (chủ yếu là hai chủng Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71), do đó bệnh có khả năng lây nhiễm nhanh chóng và dễ dàng từ người sang người thông qua dịch tiết của người bệnh có chứa virus.

Bệnh tay chân miệng là căn bệnh nguy hiểm và có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau cho người bệnh bao gồm các tổn thương não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp,... đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh hoặc để lại các hậu quả lâu dài về sau.

>> Hướng dẫn phòng tránh các biến chứng của bệnh tay chân miệng

Điều trị bệnh tay chân miệng: Nguyên tắc và điều trị cụ thể - Ảnh 1.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm (Ảnh: Internet)

1. Nguyên tắc điều trị bệnh tay chân miệng

Do mức độ nguy hiểm cao, dễ để lại nhiều biến chứng nên việc điều trị bệnh tay chân miệng đúng cách và kịp thời là điều rất cần thiết. Do đó, để quá trình điều trị bệnh tay chân miệng đạt hiệu quả cao nhất thì cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

- Các điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng: Do bệnh tay chân miệng gây nên bởi nguyên nhân virus, vì vậy cho đến hiện nay vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc nào được xác nhận có thể điều trị đặc hiệu cho bệnh. Các điều trị hiện tại vẫn chủ yếu là điều trị các triệu chứng do bệnh gây nên.

- Chỉ sử dụng kháng sinh khi có bội nhiễm: Thuốc kháng sinh không có hiệu quả điều trị bệnh tay chân miệng, do đó không khuyến cáo sử dụng thường quy thuốc kháng sinh ở bệnh nhân tay chân miệng. Chỉ sử dụng kháng sinh điều trị cho các bệnh nhân tay chân miệng có biểu hiện bội nhiễm.

- Điều trị theo mức độ bệnh: Bệnh nhân tay chân miệng cần được phân loại mức độ bệnh theo mức độ biểu hiện của các triệu chứng lâm sàng, và điều trị cần phải phù hợp với mức độ nặng của của bệnh. Đồng thời cần lưu ý phát hiện sớm các biến chứng nguy hiểm của bệnh để điều trị kịp thời.

Phân độ bệnh tay chân miệng:

Độ 1: Bệnh nhân chỉ tổn có tổn thương tại da và niêm mạc.

Độ 2a: Bệnh nhân giật mình ít hơn 2 lần/24 tiếng, sốt cao trên 30oC, nôn, lừ đừ, khó ngủ.

Độ 2b: Bệnh nhân có biểu hiện giật mình khi khám hoặc nhiều hơn 2 lần/24h, ngủ gà, mạch lớn hơn 130 lần/phút. Hoặc sốt cao trên 39,5 độ C, thất điều, mạch lớn hơn 150 lần/phút, yếu chi, liệt chi, nói ngọng, nuốt sặc.

Độ 3: Bệnh nhân biểu hiện mạch nhanh lớn hơn 170 lần/phút hoặc mạch chậm, tăng huyết áp tâm thu, thở nhanh hoặc thở bất thường, vã mồ hôi, rối loạn trương lực cơ, rối loạn tri giác.

Độ 4: Bệnh nhân biểu hiện nặng nề bằng tình trạng sốc, phù phổi cấp, suy hô hấp, ngưng thở hoặc thở nấc.

- Nâng cao thể trạng của người bệnh: Bên cạnh các điều trị triệu chứng, cần chú ý nâng cao thể trạng cho người bệnh bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, vitamin,... để hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng hiệu quả hơn.

- Phòng chống lây nhiễm bệnh: Bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm rất dễ dàng từ người sang người, vì thế trong quá trình điều trị bệnh tay chân miệng cần phải có các biện pháp thích hợp để dự phòng lây nhiễm, tránh bùng phát thành dịch.

Điều trị bệnh tay chân miệng: Nguyên tắc và điều trị cụ thể - Ảnh 2.

Điều trị bệnh tay chân miệng cần diễn ra sớm, kịp thời và đúng cách (Ảnh: Internet)

2. Điều trị bệnh tay chân miệng cụ thể cho từng mức độ

2.1. Điều trị bệnh tay chân miệng mức độ 1

Đối với các bệnh nhân mắc tay chân miệng mức độ 1 điều trị nội trú tại viện là chưa cần thiết, thay vào đó bệnh nhân có thể tiến hành điều trị bệnh tay chân miệng ngoại trú tại nhà và chỉ cần đến cơ sở y tế để đánh giá và theo dõi bệnh.

Các biện pháp điều trị chủ yếu cho bệnh nhân bệnh tay chân miệng mức độ 1 bao gồm hạ sốt (sử dụng Paracetamol liều 10 mg/kg/lần mỗi 6h nếu có sốt từ 38,5oC trở lên), bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh răng miệng và cơ thể sạch sẽ chống bội nhiễm, nghỉ ngơi nhiều hơn,...

Trong quá trình điều trị bệnh tay chân miệng bệnh nhân nên được tái khám mỗi 1-2 ngày/lần nếu tình trạng tiến triển tốt hoặc ngay lập tức khi có các biểu hiện như sốt cao hơn 39oC, thở nhanh, khó thở, giật mình, cơ thể tím tái, chân tay lạnh, co giật hoặc hôn mê,...

2.2. Điều trị bệnh tay chân miệng mức độ 2

Nếu bệnh nhân mắc tay chân miệng mức độ 2a thì các điều trị không có thay đổi quá nhiều so với điều trị ở bệnh mức độ 1. Bệnh nhân vẫn được cho sử dụng hạ sốt bằng paracetamol khi có sốt cao, nếu không đáp ứng có thể thay đổi bằng ibuprofen. Đồng thời có thể cho người bệnh sử dụng thêm thuốc chống co giật (Phenobarbital) để phòng chống co giật cho bệnh nhân nhằm hạn chế các tổn thương não.

Điều trị bệnh tay chân miệng: Nguyên tắc điều trị và các biện pháp điều trị triệu chứng phổ biến theo phác đồ - Ảnh 4.

Đối với tất cả các bệnh nhân mắc tay chân miệng mức độ 2, việc điều trị bệnh cần được thực hiện nội trú (Ảnh: Internet)

Trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ở mức độ 2b, quá trình điều trị tay chân miệng cần được diễn ra tích cực hơn bằng các biện pháp như nằm đầu cao (chống phù não), hỗ trợ hô hấp (thở oxi), truyền tĩnh mạch huyết thanh miễn dịch (immunoglobulin). Ngoài ra, cần theo dõi liên tục mạch, nhiệt độ, nhịp thở, huyết áp mỗi 1-3h/lần trong điều trị bệnh tay chân miệng mức độ 2.

Đối với tất cả các bệnh nhân mắc tay chân miệng mức độ 2, việc điều trị bệnh cần được thực hiện nội trú tại bệnh viện để theo dõi bệnh sát sao, phát hiện sớm các tình trạng nguy hiểm.

2.3. Điều trị bệnh tay chân miệng mức độ 3

Do mức độ nặng của bệnh cao, do đó các bệnh nhân mắc tay chân miệng mức độ 3 sẽ được điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực.

Các nội dung trong điều trị bệnh tay chân miệng mức độ 3 bao gồm oxi liệu pháp (thở oxi qua sonde mũi, thở oxi qua nội khí quản hoặc thở máy tùy thuộc vào mức độ suy hô hấp của bệnh nhân), chống phù não (nằm đầu cao), các thuốc tim mạch như Dobutamin hay Milrinone cũng có thể được xem xét sử dụng khi cần thiết, chống co giật cho người bệnh bằng phenolbarbital, truyền huyết thanh miễn dịch,...

Ngoài ra, trong điều trị bệnh tay chân miệng mức độ 3 bệnh nhân cần phải được chú ý bù dịch, điện giải và điều chỉnh đường huyết ở mức thích hợp.

2.4. Điều trị bệnh tay chân miệng mức độ 4

Cũng giống với các bệnh nhân tay chân miệng mức độ 3, điều trị bệnh tay chân miệng mức độ 4 cũng phải được diễn ra ở đơn vị hồi sức tích cực.

Đặt nội khí quản là cần thiết ở các bệnh nhân tay chân miệng mức độ 4 nhằm hỗ trợ hô hấp tốt nhất cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, người bệnh cần được theo dõi phát hiện sớm các biến chứng của bệnh như sốc, phù phổi cấp,... để có thể xử lý kịp thời.

Có thể thấy rằng, điều trị tay chân miệng là một quá trình phức tạp và thay đổi nhiều tùy thuộc vào mức độ bệnh của bệnh nhân. Do đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, người bệnh không nên chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng các biện pháp thích hợp.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn