Tại khoa Bệnh Nhiệt đới (BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ) bé Bùi Khánh Huyền đang được gia đình chăm sóc. Mẹ bé cho biết, mấy hôm trước bé đột nhiên sốt cao 39 độ C. Gia đình cho cháu dùng thuốc nhưng không đỡ, cháu không ăn được và mệt mỏi nên gia đình đưa đến BV. Các bác sĩ cho biết, bé bị tay chân miệng, mới nổi các mụn nước ở lưỡi, khe bẹn, nếu không để ý sẽ khó thấy. Rất may là bé đã được đưa đến BV kịp thời nên bây giờ tình trạng đã ổn định. Hiện bé vẫn được các bác sĩ theo dõi.
Còn theo chị Nguyễn Thị Huế, mẹ của bệnh nhi Nguyễn Tuyết Mai (2 tuổi, TP. Việt Trì) vài ngày trước bé sốt cao 39-40 độ liên tục. Gia đình dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Bé quấy khóc và không chịu ăn uống nên gia đình đưa đến BV. Tại đây cháu được thăm khám, làm xét nghiệm và được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng.
Theo bác sĩ Khổng Thị Kim Ngọc, Trưởng khoa Nhi (BV Đa khoa Phú Thọ) Trong những ngày gần đây, tại phòng khám Nhi khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng. Trung bình, mỗi ngày BV có từ 5-7 trường hợp đến thăm khám về tay chân miệng. Trong số đó, một số trường hợp phải nhập viện.
Còn tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay trên địa bàn là hơn 1.600 ca, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần gấp đôi. Hiện trung bình mỗi tuần có thêm 30-50 ca mắc mới.
Tại BV Nhi TƯ, từ đầu đến nay, BV tiếp nhận hơn 770 trường hợp mắc tay chân miệng. Riêng khoa Truyền nhiễm, hiện tại 12 trẻ đang nằm điều trị. Bác sĩ Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, số trẻ nhập viện do tay chân miệng tăng gấp 4, trong đó có nhiều ca biến chứng nặng vào tim, phổi, não, riêng biến chứng viêm não chiếm 15-20%, trong khi mọi năm tỉ lệ này dưới 5%.
Đáng lưu ý, phần lớn mẫu bệnh phẩm của BV Nhi TƯ gửi sang Viện Dịch tễ TƯ xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh tay chân miệng đều nhiễm chủng EV71.
Còn theo Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 54.000 trường hợp bị tay chân miệng. Trong đó, 77% số ca mắc bệnh ở các tỉnh phía Nam. Hiện tại, bệnh đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát.
Theo bác sĩ Ngọc, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm. Tuy nhiên, hiện nay đang là giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển có thể gây thành dịch lớn. Ban đầu bệnh diễn biến nhẹ, nhưng bệnh phát triển nhanh chỉ trong vài giờ và có thể có biến chứng nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Đây là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi.
Để phòng bệnh, phụ huynh cần cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Đặc biệt, phải rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không nên cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.