Tuyến tụy là một trong các tuyến lớn của cơ thể, nằm sau dạ dày và nằm vắt ngang phía trước cột sống. Hai chức năng chính của tụy là tiết các enzyme tiêu hóa để tống vào trong lòng ruột non để tiêu hóa thức ăn và tiết các loại hormone (insulin và glucagon) vào máu giúp cơ thể điều hòa đường huyết.
Khi vì một lý do nào đó khiến phản ứng viêm xảy ra ở tuyến tụy thì người ta gọi đây là bệnh viêm tụy. Viêm tụy có thể xuất hiện đột ngột, nhanh chóng nhưng cũng có thể dai dẳng, kéo dài.
Bệnh viêm tụy (Ảnh: Internet)
Cách phân loại bệnh viêm tụy phổ biến và thường được sử dụng nhiều nhất trên thực tế hiện nay là phân loại viêm tụy theo tính chất khởi phát và kéo dài của bệnh. Viêm tụy được chia làm hai loại bao gồm:
- Viêm tụy cấp tính: Viêm tụy cấp tính là tình trạng viêm tụy diễn ra đột ngột và nhanh chóng, tuy nhiên hầu hết các trường hợp viêm tụy cấp tính có thể được điều trị khỏi hoàn toàn sau vài ngày nếu sử dụng đúng phương pháp mà không để lại vấn đề gì.
Tình trạng viêm tụy cấp tính được ghi nhận xảy ra nhiều hơn ở người lớn, đặc biệt là những người có các bệnh lý như sỏi đường mật, giun đường tiêu hóa,...
- Viêm tụy mãn tính: Viêm tụy mãn tính là tình trạng viêm tụy kéo dài, dai dẳng. Nó thường là hậu quả của nhiều đợt viêm tụy tái phát thường xuyên, hoặc do tình trạng viêm tụy diễn ra kéo dài mà không được điều trị.
Sự tổn thương tụy do phản ứng viêm diễn ra liên tục khiến các thành phần ở tụy bị thay thế bởi các mô xơ thứ phát làm tụy mất dần chức năng vốn có, quan trọng hàng đầu là chức năng bài tiết insulin.
Phân loại bệnh viêm tụy (Ảnh: Internet)
Có khá nhiều các yếu tố khác nhau được ghi nhân là có khả năng gây ra viêm tụy, Chẳng hạn kể đến như:
- Sỏi đường mật (sỏi túi mật, sỏi ống mật).
- Giun đường tiêu hóa.
- Rượu.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc.
- Chấn thương bụng.
- Nhiễm trùng.
- Phẫu thuật tại ổ bụng.
- Nội soi ống mật ngược dòng.
- Các bất thường cấu trúc ống tụy (chính, phụ), bóng vater,...
Trong đó, sỏi đường mật được ghi nhận là nguyên nhân phổ biến gây nên viêm tụy cấp. Còn viêm tụy mãn tính thì lại có liên quan nhiều hơn đến tình trạng sử dụng rượu kéo dài, nồng độ triglycerid cao,...
Sỏi đường mật là nguyên nhân thường gây viêm tụy cấp (Ảnh: Internet)
Triệu chứng biểu hiện của viêm tụy có sự khác biệt rất lớn giữa các bệnh nhân, phụ thuộc nhiều vào thể bệnh mà người bệnh mắc phải là viêm tụy cấp hay viêm tụy mãn.
Triệu chứng bệnh viêm tụy phổ biến là đau bụng (Ảnh: Internet)
Các triệu chứng của viêm tụy cấp tính thường có đặc điểm khởi phát và xuất hiện rất đột ngột. Những biểu hiện thường thấy nhất là:
- Đau bụng ở vùng thượng vị, đau dữ dội, đau lan ra sau lưng. Đau tăng lên khi bệnh nhân ăn, đặc biệt là các thức ăn có nhiều dầu mỡ.
- Sốt cao, đôi khi bệnh nhân có thể sốt lên đến 39 độ C.
- Bệnh nhân buồn nôn và thường nôn rất nhiều, nôn liên tục.
- Chướng bụng, có cảm giác bụng căng lên.
Nhìn chung, biểu hiện của viêm tụy mãn tính thường ít rầm rộ hơn so với viêm tụy cấp tính, vì thế đôi khi người ta có thể thiếu quan tâm và bỏ sót triệu chứng. Những triệu chứng thường gặp ở viêm tụy mãn bao gồm:
- Đau bụng nhẹ vùng thượng vị, đau lan ra sau lưng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp viêm tụy mãn bệnh nhân có thể không cảm thấy triệu chứng đau bụng xuất hiện.
- Sụt cân và tiêu chảy do sự tiêu hóa kém bởi tuyến tụy giảm tiết dịch tiêu hóa.
- Đôi khi người ta có thể thấy tình trạng phân mỡ ở bệnh nhân viêm tụy mãn.
Hầu hết các bệnh nhân viêm tụy (cả viêm tụy cấp và viêm tụy mãn) sẽ đều được yêu cầu nhập viêm để điều trị sau khi phát hiện bệnh. Những nội dung điều trị chính thường được sử dụng bao gồm:
- Thuốc giảm đau: Nếu bệnh nhân có đau đớn nhiều do viêm tụy, đặc biệt là các trường hợp đau dữ dội do viêm tụy cấp thì việc sử dụng thuốc giảm đau cho bệnh nhân có thể được xem xét.
- Thuốc hạ sốt: Thuốc hạ sốt thường chỉ được chỉ định khi bệnh nhân sốt trên 38,5 độ C.
- Thuốc kháng sinh: Khi các kết quả xét nghiệm phản ánh có tình trạng nhiễm trùng đang xảy ra, các bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị.
- Truyền dịch: Đối với các bệnh nhân bị mất dịch nhiều do nôn mửa, tiêu chảy,... thì có thể sẽ được chỉ định bù dịch bằng đường tĩnh mạch.
- Enzyme tụy: Enzyme tụy có thể được đưa vào ống tiêu hóa để giúp tiêu hóa tốt hơn cho các bệnh nhân bị viêm tụy mãn.
- Insulin: Nếu bệnh nhân bị tổn thương tế bào Beta do viêm tụy dẫn đến tiểu đường thì người bệnh có thể được cho sử dụng insulin để kiểm soát đường huyết.
- Phẫu thuật: Trong một số trường hợp nếu các phương pháp điều trị khác đã được áp dụng nhưng không có hiệu quả, viêm tụy gây ra do tắc nghẽn hoặc có hoại tử xảy ra,... thì phẫu thuật là phương pháp có thể được lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân.
Viêm tụy khi không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau. Chẳng hạn như:
- Nhiễm trùng: Tình trạng viêm tụy có thể chuyển từ viêm vô khuẩn sang tình trạng viêm có nhiễm trùng nếu không được điều trị sớm.
- Hoại tử tụy: Các tổ chức của tụy có thể bị tiêu hủy bởi chính dịch tụy thoát ra khỏi ống tụy do quá trình viêm làm tổn thương ống tụy. Nếu tình trạng hoại tử ăn mòn vào các mạch máu thì có thể gây nên tình trạng xuất huyết.
- Tiểu đường: Viêm tụy làm tổn thương các tế bào Beta tuyến tụy khiến các tế bào này không sản xuất được insulin hoặc giảm sản xuất insulin gây nên bệnh tiểu đường.
- Suy dinh dưỡng: Thiếu dịch tụy khiến thức ăn không được tiêu hóa, cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng có thể gây nên suy dinh dưỡng. Biến chứng này thường gặp hơn ở bệnh nhân viêm tụy mãn.
- Nang tụy giả: Sau khi viêm tụy xảy ra, trên tụy có thể hình thành các cấu trúc dạng nang chứa đầy dịch trong đó, được gọi là nang tụy giả. Những nang tụy này có thể vỡ ra bất kỳ lúc nào gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
- Ung thư tụy: Viêm tụy cũng được biết đến là một trong các nguyên nhân có thể thúc đẩy ung thư tụy xảy ra.
Ngoài ra, bệnh viêm tụy còn có thể gây biến chứng lên một số cơ quan khác chẳng hạn như thận, phổi, gan,...
Chế độ ăn của bệnh nhân viêm tụy đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự bình phục sau mắc bệnh của bệnh nhân.
Hầu hết các bệnh nhân viêm tụy cấp sẽ được yêu cầu hạn chế ăn uống sau khi khởi phát bệnh, bệnh nhân sẽ được nuôi ăn thông qua các ống nuôi ăn đưa thẳng vào cơ thể. Việc ăn uống của bệnh nhân có thể sẽ được bắt đầu lại sau vài ngày nếu bệnh được kiểm soát tốt.
Chế độ ăn của bệnh nhân viêm tụy cần được đảm bảo đủ dinh dưỡng và hạn chế tối đa các yếu tố không tốt cho tụy như chất béo, rượu bia, thức ăn chiên xào, đồ ăn ngọt, cafein,.... Đặc biệt đối với các bệnh nhân viêm tụy mãn, chế độ ăn của bệnh nhân cần được hạn chế chất béo ở mức thấp bởi chức năng tuyến tụy của bệnh nhân đã bị suy giảm.
Thay vào đó, hãy tăng cường sử dụng các loại thức ăn có chứa nhiều đạm, chất chống ôxy hóa, vitamin và các loại thức ăn có nhiều nước để giúp cơ thể nhanh bình phục hơn.
Ngoài ra, do chức năng tụy đã bị suy giảm vì thế người bệnh viêm tụy được khuyên nên chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa ăn trong ngày để hoạt động tiêu hóa được diễn ra dễ dàng hơn.
Không có phương pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh viêm tụy, tuy nhiên một số các phương pháp sau đây có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm tụy xuống thấp hơn, bao gồm:
- Hạn chế sử dụng rượu, bia.
- Bỏ thuốc lá.
- Kiểm soát tốt cân nặng, tránh thừa cân béo phì.
- Chế độ ăn giàu chất xơ.
- Điều trị tốt các bệnh có nguy cơ gây viêm tụy như sỏi đường mật,...
Viêm tụy là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng gây nên rất nhiều biến chứng khác nhau như hoại tử tụy, tổn thương tế bào Beta tuyến tụy dẫn đến tiểu đường, suy thận hay thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân. Do đó, viêm tụy cần phải được điều trị kịp thời bằng đúng phương pháp để phòng ngừa các hậu quả xấu xảy ra.
Người ta nhận thấy rằng, yếu tố di truyền có sự liên quan nhất định đối với sự khởi phát của bệnh viêm tụy, đặc biệt là bệnh viêm tụy mãn tính. Vì vậy, những người có người thân trực hệ mắc viêm tụy cần đặc biệt lưu ý và chú ý hơn đến tình hình của bản thân để phát hiện viêm tụy kịp thời.
Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/pancreatitis#prevention
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn