Trên thực tế, nhóm xoang sau (xoang sàng sau, xoang bướm) ít khi bị viêm hơn so với các xoang thuộc nhóm xoang trước (xoang hàm, xoang trán và xoang sàng trước). Điều này là bởi nhóm xoang sau của cơ cơ thể do nằm sâu bên trong nên cũng ít tiếp xúc với các yếu tố nguyên nhân gây viêm (vi khuẩn, virus, khói, bụi,...) hơn so với nhóm xoang trước. Do đó, tình trạng viêm xoang sau cũng ít xảy ra hơn.
Người ta định nghĩa, viêm xoang sau là tình trạng viêm niêm mạc phủ trong các xoang của cơ thể. Tùy thuộc vào thời gian diễn tiến của bệnh mà viêm xoang sau được chia làm viêm cấp tính (dưới 4 tuần), viêm mãn tính (trên 12 tuần).
Tuy nhiên, do cấu trúc phức tạp (đặc biệt là xoang hàm với rất nhiều các hốc nhỏ) tạo điều kiện thuận lợi cho viêm diễn tiến nên viêm xoang sau thường khó điều trị hơn so với viêm xoang trước.
Nhìn chung, bệnh nhân viêm xoang sau mặc dù cũng có các triệu chứng cơ bản của viêm xoang nói chung, tuy nhiên do vị trí và các liên quan về giải phẫu mà tính chất biểu hiện của các triệu chứng viêm xoang sau cũng có sự khác biệt nhất định so với viêm xoang trước.
Những triệu chứng lâm sàng viêm xoang sau thường gặp bao gồm:
- Đau đầu: Đau đầu là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm xoang sau, thường rõ ràng hơn ở bệnh nhân viêm xoang sau cấp tính, còn đối với các bệnh nhân viêm xoang sau mãn tính thì thường chỉ biểu hiện bằng nặng đầu hoặc nhức đầu. Đau đầu thường xuất hiện trong sâu, quanh ổ mắt, lan lên đỉnh hoặc ra sau đầu sau đó lan xuống vai gáy.
- Khịt khạc mũi liên tục: Dịch viêm xoang trong viêm xoang sau thường chảy ra lỗ mũi sau, xuống họng và gây kích ứng thành họng khiến bệnh nhân phải khịt khạc họng liên tục. Nếu họng bị kích ứng liên tục thì bệnh nhân có thể có các biểu hiện của một tình trạng viêm họng mãn tính.
- Nghẹt mũi: Cũng giống như các bệnh lý viêm xoang nói chung, bệnh nhân viêm xoang sau cũng có biểu hiện nghẹt mũi do phù nề niêm mạc phế quản làm che lấp, giảm tiết diện đường thở.
- Biểu hiện tại mắt: Đối với bệnh nhân viêm xoang sàng, do các liên quan về cấu trúc giải phẫu khiến bệnh nhân có thể có các biểu hiện tại mắt nếu xoang bị viêm. Tình trạng này có thể là phù nề quanh hốc mắt, túi mủ ở thành trong hốc mắt, thậm chí mù lòa khi bệnh nhân bị viêm cấp. Hoặc viêm thần kinh thị giác làm bệnh nhân giảm thị lực từ từ nếu viêm mãn tính.
Bên cạnh các triệu chứng chính kể trên, viêm xoang sau còn có thể biểu hiện bằng các biểu hiện không đặc hiệu như sốt (thường gặp trong viêm cấp tính hoặc đợt cấp của viêm mãn tính, có thể là sốt nhẹ hoặc sốt cao), các biểu hiện viêm tại cơ quan khác (là nguyên nhân gây viêm xoang sau hoặc do biến chứng của viêm xoang sau) như viêm amydal, viêm họng, viêm mũi, viêm tai,...
Các xét nghiệm được dùng phổ biến để chẩn đoán viêm xoang sau bao gồm soi mũi và chụp phim Xquang.
- Soi mũi: Khi soi mũi cho bệnh nhân viêm xoang sau, người ta có thể quan sát thấy chất mủ nhầy chảy từ khe trên xuống thành sau họng, đôi khi khô nên đọng như cám.
Khi bị viêm xoang sau cấp tính, niêm mạc mũi thường bị phù nề, sung huyết và đỏ nhiều, co hồi tốt khi sử dụng thuốc co mạch. Ngược lại, niêm mạc mũi trong viêm xoang sau mãn tính thường nhợt nhạt và co hồi kém khi sử dụng thuốc co mạch, đôi khi có thể thấy tình trạng thoái hóa niêm mạc mũi.
- Xquang: Xquang là xét nghiêm có nhiều giá trị trong chẩn đoán viêm xoang sau, xoang viêm thường biểu hiện bằng hình ảnh mờ xoang trên phim chụp. Phim thường được sử dụng là phim Hirtz và phim Blondeau.
Trên đây là một số triệu chứng điển hình mà bệnh nhân viêm xoang sau có thể gặp phải. Do đó, ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm xoang sau xảy ra, hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn