Trước đó, trên mạng internet lan truyền một bản sao "Giấy xác nhận dương tính với Covid-19 bằng kỹ thuật PCR". Trong đó, thông tin cho rằng một bệnh nhân tên là "Lê Hoàng Duy Khang" (SN 1996, ngụ TPHCM) thực hiện xét nghiệm ở Bệnh Viện FV và cho kết quả là "tái dương tính với biến thể Sars-CoV-2-Omicron" có sử dụng tên và con dấu của Bệnh viện FV.
Đại diện Bệnh viện FV khẳng định, "Giấy xác nhận" này là hoàn toàn giả mạo cả về hình thức lẫn nội dung. Theo đó, Bệnh viện không cấp "Giấy xác nhận dương tính với Covid-19 bằng kỹ thuật PCR" mà chỉ cấp "Giấy xác nhận âm tính với Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR" có mã QR xác thực cho riêng từng mẫu xét nghiệm.
Cũng theo Bệnh viện FV, trên hệ thống dữ liệu của bệnh viện không có bệnh nhân nào tên là "Lê Hoàng Duy Khang". Hiện tại, bệnh viện cũng chưa có sinh phẩm (bộ kit) xét nghiệm tìm biến chủng Omicron.
Sở Y tế TPHCM cũng khẳng định, nội dung này là sai sự thật, giấy xác nhận lan truyền là giả mạo. Đồng thời cho biết việc tạo dựng tài liệu giả và lan truyền thông tin giả mạo này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phòng chống dịch Covid-19 của thành phố, mà còn gây hoang mang cho người dân.
Sở Y tế đề nghị người dân cập nhật, nắm bắt các thông tin từ nguồn chính thống; không chia sẻ, lan truyền các thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch của thành phố.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, muốn biết ca mắc Covid-19 thuộc biến chủng gì phải trải qua quy trình giải mã trình tự gen, không thể chỉ với xét nghiệm RT-PCR mà có thể xác định được. Hiện ở khu vực phía Nam chỉ có Viện Pasteur thực hiện quy trình giải mã trình tự gen đối với mẫu bệnh phẩm Covid-19.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn