Bệnh viện quá tải vì hàng ngàn bệnh nhân sốt xuất huyết
17:40 | 19/07/2017;
"BV phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về sốt xuất huyết. Các khoa khác còn trống chỗ phải nhường giường cho bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện. Tuy nhiên BV vẫn quá tải".
PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, cho biết thông tin trên. Theo TS Kính, mới đây, một bệnh nhân 51 tuổi (ở quận Ba Đình, Hà Nội) đã tử vong do sốt xuất huyết SXH, biến chứng xuất huyết não.
Trước đó, bệnh nhân có triệu chứng SXH nên đến BV tuyến dưới thăm khám, điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị SXH. Kết quả chụp CT phát hiện trong não có các ổ xuất huyết lớn, toàn bộ gan bị phá huỷ. Ngày 12/7, bệnh nhân được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TƯ nhưng đã tử vong sau đó 2 ngày.
Cũng theo TS Kính, trong một tuần trở lại đây, BV tiếp nhận gần 1.200 bệnh nhân đến điều trị SXH. Vì vậy, BV phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về SXH, các khoa khác nếu còn trống giường thì phải nhường giường cho bệnh nhân SXH nhập viện. Dù vậy, do số bệnh nhân quá đông, BV phải luân chuyển liên tục. Theo đó, nếu bệnh nhân đã ổn định sức khỏe sẽ được chuyển về tuyến dưới. Những trường hợp thoát sốc thì chuyển sang cơ sở 2 của BV tại Đông Anh để điều trị tiếp.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) cho biết, cách đây mấy hôm, chị thấy sốt cao đột ngột, có lúc lên đến 40 độ C, rồi ớn lạnh từng cơn. Nghi ngờ bị bệnh, chị đến BV thăm khám và được xác định bị SXH. Hiện tại, chị đã nằm viện được 5 hôm. Các bác sĩ cho biết, tình trạng sức khỏe tiến triển tốt. Khoảng 2-3 hôm nữa sẽ được xuất viện.
Còn ở khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), tình trạng quá tải cũng xảy ra. TS Nguyễn Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm của BV cho biết, hiện mỗi ngày khoa tiếp nhận 50 trường hợp đến khám SXH, trong đó khoảng 30-25 bệnh nhân nặng điều trị nội trú, số còn lại cho chuyển về tuyến dưới. Dù vậy, số bệnh nhân vẫn rất lớn, mỗi giường phải nằm ghép từ 2-3 người.
Cũng theo bác sĩ Cường, người bị SXH ở mọi độ tuổi khác nhau, trong đó cả sinh viên, người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. SXH tuy không nguy hiểm, nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng, thậm chí tử vong.
Các chuyên gia cho rằng, trong các biến chứng do SXH thì nặng nhất là tràn dịch màng phổi, máu đọng trong thận. Hai biến chứng này rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại những hậu quả nặng nề sau này cho người bệnh. Ở người mẹ mang thai có thể gây suy thai hoặc đẻ non, thai chết lưu. Với người mẹ thì rất có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, làm tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ. Do đó với phụ nữ có thai, nếu có các triệu chứng nghi SXH cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) cảnh báo, theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt.
Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh và dễ xuất hiện biến chứng. Vì vậy, khi người bệnh có dấu hiệu sốt cao 39-40 độ C liên tục, người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn, xuất huyết dưới da, nổi chấm màu đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít, đi cầu ra máu thì cần phải đến BV theo dõi nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm.
Theo Bộ Y tế, hiện đang là cao điểm của dịch bệnh SXH. Cả nước hiện có 15 trường hợp tử vong trong số hơn 45.000 ca mắc. SXH. Số ca mắc tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam, miền Trung, Hà Nội. Tuy nhiên, hiện chưa có vaccine phòng bệnh SXH nên người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như diệt lăng quăng/bọ gậy, ngủ màn, phun hóa chất diệt muỗi…