Bệnh viện tố Công ty Thiên Sơn bán hợp đồng thu lợi 50 triệu đồng

12:57 | 24/05/2018;
"Nguyên nhân chính xảy ra sự cố là do việc chuyển nhượng hợp đồng trái phép cho bên không có năng lực thực hiện. Hơn nữa, Công ty Thiên Sơn vô trách nhiệm trong việc giám sát. Công ty đã bán hợp đồng cho bên khác để thu lời 50 triệu...", đại diện BV Đa khoa Hòa Bình nói.
Ngày 24/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vô ý làm chết người” xảy ra tại BV Đa khoa Hòa Bình.
 
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn cho rằng, vụ án này cơ quan tố tụng đã vi phạm nghiệm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự.
 
Luật sư cho rằng trong cả vụ án, không thấy vai trò của nhân chứng, trong khi đây là nhân tố quan trọng để xác định tính khách quan của vụ án.
 
Hơn nữa, vụ án này xuất phát từ hệ thống lọc nước RO. Do đó, cơ quan điều tra phải xác minh nguồn gốc hệ thống lọc nước này. Theo hồ sơ, hệ thống này của công ty Thiên Sơn và cơ quan CSĐT cần làm rõ nguồn gốc máy móc, việc lắp đặt có đúng hay không. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không làm việc này.
 
Một điểm nữa, cáo trạng quy kết cho Trần Văn Sơn không giám sát chất lượng hệ thống RO sau khi sửa chữa, bảo dưỡng. Tuy nhiên, Sơn khai chỉ ở lại để chứng kiến, trông thợ chứ không biết gì mà giám sát. Bởi hồ sơ cá nhân cho biết, Sơn tốt nghiệp Cao đẳng kỹ thuật y tế, ngành thiết bị hình ảnh rồi học liên thông kỹ thuật vi sinh. Như vậy, ngành Sơn học không được đào tạo liên quan đến thiết bị nên không đủ năng lực để giám sát, kiểm tra. Hơn nữa, bản thân Phó Giám đốc Hoàng Đình Khiếu không nắm được hợp đồng giữa công ty Thiên Sơn và BV thì Sơn là nhân viên làm sao biết mà để giám sát.
 
Sự việc sáng ngày 29/5, khi Sơn đến thì máy đã chạy thận đã hoạt động rồi. Việc mẫu xét nghiệm nước AAMI rất có vấn đề. Bản thân các điều dưỡng còn không biết xét nghiệm này, huống chi là người không được đào tạo.
dsc_0044.JPG
Bị cáo Trần Văn Sơn (áo trắng) tại tòa

Luật sư Phạm Quang Hòa, bào chữa bị cáo Sơn cũng cho biết, trong việc phân công công việc trong Phòng, anh Trần Văn Chiến là nhân viên của phòng có chuyên môn, chứng chỉ đào tạo về thiết bị y tế. Tuy nhiên, BV  không được phân công mà lại phân công cho Sơn.

 

“Chúng tôi cho rằng, chưa đủ căn cứ để buộc tội Sơn. Đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung, cho Sơn tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú", luật sư Thủy nói.
 
Tranh luận tại tòa, đại diện Viện kiểm sát cho rằng bản luận tội dựa theo cáo trạng và diễn biến trên tòa. Bị cáo Sơn cũng đã thừa nhận có nhiệm vụ kiểm tra giám sát hôm 28/5, hợp với bảng phân công nhiệm vụ và lời khai của ông Thắng.
 
Về hợp đồng Sơn hết hạn thì đã có hợp đồng tiếp tục cho Sơn. Vì vậy, ông Thắng có quyền phân công nhiệm vụ cho Sơn vì Sơn là cán bộ phòng vật tư. Sơn cũng đã thừa nhận hôm đó chưa lấy mẫu nước xét nhiệm nên 29/5 xuống khoa lấy mẫu nước, nhưng hệ thống đã vận hành và hẹn Quốc đến trưa sẽ lấy mẫu nước. Vì vậy, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố cho bị cáo Sơn.
 
Còn theo luật sư Phạm Quang Hòa, Sơn chỉ có trách nhiệm làm thủ tục về việc bảo dưỡng sửa chữa, không có gì liên quan đến chuyên môn. Quan điểm của VKS là suy diễn, không phải quản lý là có chức năng điều tra, giám sát.
 
Trong khi đó, đại diện BV Đa khoa Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân chính xảy ra sự cố là do việc chuyển nhượng hợp đồng trái phép cho bên khác không có năng lực thực hiện. Hơn nữa, Công ty Thiên Sơn vô trách nhiệm trong việc giám sát. Họ bán hợp đồng cho bên khác để thu lời 50 triệu.
 
"Nói chúng tôi không có trách nhiệm đối với tài sản của Bệnh viện là vô căn cứ, vì chúng tôi đã thanh lý hợp đồng. Đó là tài sản của BV, chúng tôi không có trách nhiệm gì liên quan đến tài sản của người khác. Trong khi đó, xảy ra sự cố , lãnh đạo BV, cán bộ bệnh viện không ai đứng ra nhận trách nhiệm. Thử về sau còn ai dám mang người thân đến Bệnh viện đa khoa Hòa Bình chạy thận hay không", đại diện Thiên Sơn nói.
 
Buổi chiều cùng ngày, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn