Người bệnh lo tìm nơi mổ khác
Ngày 1/3, tại các khu vực chờ của Bệnh viện Việt Đức đều rất đông bệnh nhân và người nhà. Tại khu vực chờ của Phòng khám chuyên khoa cột sống 1 có hàng trăm bệnh nhân đang chờ đến lượt. Có người cầm phim chụp, có bệnh nhân chống nạng hoặc bệnh nhân ngồi xe lăn. Gương mặt ai cũng thấp thỏm, thi thoảng lại nhìn lên bảng số chờ đến lượt.
Bà Trần Thị. K. (46 tuổi, trú tại TP. Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, bản thân bị đau cột sống mấy hôm nay. Bà đã điều trị ở y tế cơ sở nhưng không đỡ nên gia đình đưa lên Bệnh viện Việt Đức thăm khám.
"Thấy Bệnh viện thông báo hạn chế mổ luân phiên, tôi lo lắm. Nhỡ may mình phải mổ, mà chưa có lịch thì không biết sẽ như thế nào. Một ngày chưa được điều trị là một ngày đau khổ", bà K. nói.
Tại một khu vực chờ ở nhà D. (Bệnh viện Việt Đức), chị L.T.H. (44 tuổi, ở Vĩnh Phúc) đang chờ đến lượt. Chị H. cho biết, mình bị gãy chân do tai nạn giao thông và được phẫu thuật đã 3 tuần trước. Hôm nay, chị lên để kiểm tra lại. Tuy nhiên, hôm nay bệnh nhân đến khám đông quá. Chị tìm hiểu được biết, bệnh viện có thông báo hoãn mổ phiên nên ai cũng tranh thủ đi khám để được xếp lịch mổ.
Phẫu thuật có kế hoạch (mổ phiên) là hình thức người bệnh có chỉ định phẫu thuật được bác sĩ khám, tư vấn và được hội chẩn toàn khoa và xếp phẫu thuật theo lịch tuần.
Trước thông tin Bệnh viện Việt Đức hoãn mổ phiên, nhiều bệnh nhân lo "không được mổ". Chị Thảo (trú tại Hà Nội) cho biết, bố chị bị đau nên không đi, không ngồi được nghi do thoát vị đĩa đệm nên ra Việt Đức thăm khám. Sau khi thăm khám, bố chị có chỉ định phẫu thuật nhưng bệnh viện chưa xếp được lịch. Trước tình hình hiện nay, chị cũng chuẩn bị tinh thần sang viện khác để được mổ. Chị đã nhờ người thân liên hệ với một số Bệnh viện như Bệnh viện Xanh Pôn, Bạch Mai để sẵn sàng chuyển bố đi trong trường hợp cần thiết.
GS.Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết, năm 2022, các bác sĩ của bệnh viện đã mổ gần 80.000 ca, tương ứng mỗi ngày khoảng 210 ca mổ phiên và mổ cấp cứu.
Vướng điều khoản gia hạn giấy phép nhập khẩu
Theo GS. Trần Bình Giang, hiện tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc hầu như đã hết vật tư y tế để dành cho chăm sóc người bệnh, các hóa chất xét nghiệm cũng hết. Tại Bệnh viện Việt Đức, hiện hóa chất khí, máu... chỉ còn đủ dùng vài ngày, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần. Ngoài ra, các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng. Nhưng hầu hết giấy phép với vật tư tiêu hao vẫn chưa được gia hạn. "Việc thiếu hụt các hóa chất, vật tư sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khám chữa bệnh. Bệnh viện đã họp nhiều nhưng vẫn chưa có giải pháp lâu dài", ông Giang nói.
Ông Giang cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2021 có điều khoản gia hạn giấy phép nhập khẩu/số đăng ký đến ngày 31/12/2023 chưa được phê duyệt. Điều này dẫn đến bệnh viện không mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị y tế.
Một bác sĩ Phó Khoa về thần kinh của Bệnh viện Việt Đức cho biết, nhiều bệnh nhân mổ phiên dù là các phẫu thuật không mang tính cấp cứu nhưng đã phải chờ cả tháng mới đến lượt. Với những trường hợp thuộc diện mổ phiên nhưng phải hoãn mổ, nếu người bệnh tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sỹ thì tình trạng bệnh sẽ tạm thời ổn định. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không phối hợp và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ có khả năng bệnh sẽ diễn biến nặng hơn.
Cũng theo GS. Trần Bình Giang, trước tình hình trên, sau cuộc họp với các khoa phòng, bệnh viện đã có thông báo từ 1/3 sẽ hạn chế tối đa mổ phiên, chỉ duy trì mổ cấp cứu. Cùng đó, bệnh viện sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm khi thật cần thiết, hạn chế tối đa các xét nghiệm cho bệnh nhân không cấp cứu. Vì thế, hiện có rất nhiều bệnh nhân đang xếp hàng chờ mổ, lịch đã lên đến cuối tháng Ba, nhưng tất cả đều phải hoãn lại.
"Khi không mổ phiên rõ ràng là người bệnh quá thiệt thòi, tuy không phải bệnh cấp cứu nhưng họ cũng phải chịu đau đớn, chờ đợi lịch mổ. Nhưng chúng tôi không thể làm khác được", GS. Trần Bình Giang chia sẻ.
Theo các chuyên gia, tình hình của Bệnh viện Việt Đức rất khó khăn về vật tư, thiết bị y tế. Kể cả khi việc đấu thầu, mua sắm vật tư tiêu hao, hoá chất... diễn ra thuận lợi và nhanh chóng thì sớm nhất cũng phải khoảng 1 tháng, các hoạt động phẫu thuật của bệnh viện mới trở lại bình thường.
* Báo PNVN sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin liên quan.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn