BHXH dành cho người khuyết tật bị lãng quên?

10:18 | 28/09/2018;
Việt Nam hiện có 4,2 triệu người khuyết tật đang ở độ tuổi lao động, đây là một lực lượng lao động không nhỏ cần được đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội của những người khuyết tật, yếu thế, thiệt thòi vẫn còn rất hạn chế.

Hàng trăm đại biểu, người khuyết tật đã đến dự Hội nghị “Tuyên truyền, tư vấn, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người khuyết tật” ngày 27/9 tại Đà Nẵng, do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 4,2 triệu người khuyết tật đang ở độ tuổi lao động. Đây là một lực lượng lao động không nhỏ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Dù nhiều trường hợp có mức độ khuyết tật nặng như khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật vận động, đa tật… nhưng vẫn có nhiều cống hiến, đóng góp không nhỏ ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hiện nay, người khuyết tật thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được Nhà nước cấp thẻ BHYT và quyền lợi cao nhất là hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định. Đây là chủ trương đầy tính nhân văn, hỗ trợ người khuyết tật, người yếu thế, thiệt thòi được chăm sóc sức khỏe, giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, phần lớn người khuyết tật hiện nay sống trong điều kiện kinh tế khó khăn, bấp bênh. Do hạn chế của tình trạng khuyết tật và sự kỳ thị vẫn còn tồn tại trong xã hội, đa số họ chỉ có việc làm là những công việc giản đơn, thu nhập thấp, làm theo thời vụ. Chính vì vậy, nhiều người khuyết tật chưa tham gia bảo hiểm xã hội, thiếu chỗ dựa khi ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp hoặc khi về già không có lương hưu để làm điểm tựa an sinh.

khuyettat-db656_hqzr.jpg
 Nhiều người khuyết tật chưa tham gia bảo hiểm xã hội, thiếu chỗ dựa khi ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp

Hiện nay chưa có con số thống kê chính thức lượng người khuyết tật đã tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Theo nhiều chuyên gia, người khuyết tật thường làm việc tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình – khu vực phi chính thức, nên rất ít trường hợp tham gia BHXH bắt buộc.

Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế còn eo hẹp, cùng với đó là chủ sử dụng lao động cũng như bản thân người lao động khuyết tật vẫn còn hạn chế về nhận thức, hiểu biết để chủ động tham gia BHXH tự nguyện, đảm bảo an sinh cho chính bản thân khi về gia.    

Ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam nhận định: Vấn đề đặt ra là người sử dụng lao động khuyết tật và chính bản thân người khuyết tật cần được nâng cao nhận thức về vấn đề người khuyết tật có quyền được bảo đảm an sinh xã hội thông qua chính sách BHXH và BHYT như tất cả những lao động bình thường khác.

Tại Hội nghị, các đại biểu đối thoại, giải đáp về một số vấn đề như chế độ hưu trí, BHYT hộ gia đình, vấn đề khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện, thông tuyến khám chữa bệnh BHYT… Đặc biệt, các đại biểu cùng có sự quan tâm đến vấn đề BHXH, BHYT đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi – hai nhóm đối tượng yếu thế của xã hội.

Qua đó góp phần nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ Hội về chính sách BHXH, BHYT; để từ đó tích cực vận động các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh thực hiện chương trình hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và hộ cận nghèo khác mà Hội đang thực hiện. Đồng thời, cũng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp sử dụng lao động người khuyết tật về việc thực hiện công tác BHXH, BHYT cho người lao động, trong đó có lao động là người khuyết tật.

nguoi-khuet-tat-2.jpg
Một lớp đào tạo, dạy nghề cho người khuyết tật

Theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ, đối tượng bảo trợ xã hội được Nhà nước cấp thẻ BHYT, bao gồm:

  • Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định trong Nghị định (bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi, mồ côi, cha mẹ mất tích, cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội...);
  • Con của người đơn thân nghèo (người thuộc hộ nghèo không có chồng hoặc không có vợ, có chồng hoặc vợ đã chết, có chồng hoặc vợ mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 tuổi đến 22 tuổi nhưng người con đó đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất);
  • Người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất BHXH hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác mà chưa được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn