Bí ẩn lời nguyền chết chóc mang tên ‘Viên kim cương Hy vọng’

07:00 | 27/07/2019;
Giống như lời nguyền pharaoh Tutankhamun, Hope Diamond (Viên kim cương Hy vọng) đã gây không ít bất hạnh cho những người có liên quan. Đến nay sau hơn 4 thế kỷ trôi qua, những bí ẩn này vẫn chưa được giải mã.

Hope Diamond có từ bao giờ?

Hope Diamond là viên đá quý lớn và hiếm nhất thế giới, được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ, tìm thấy năm 1666, có trọng lượng 45,52 cara, khoảng 9,104g. Các chuyên gia ước tính niên đại của cổ vật này vào khoảng 1,1 tỷ năm tuổi. Một lượng nhỏ phân tử boron có trong cấu trúc của Hope Diamond nên nó có màu xanh khác thường. Kể từ thời đại Victoria, những câu chuyện về lời nguyền Hope đã được lưu truyền. Sau đó, vào đầu thế kỷ 20, một truyền thuyết mới cho rằng Hope Diamond đã bị đánh cắp từ bức tượng của nữ thần Sita, vợ của Vishnu và từ đó, viên đá quý đã gây ra bao bất hạnh cho những ai sở hữu nó.

 

nh-chung-1.jpg
Vẻ đẹp quyến rũ đầy ma mị của Hope Diamond 

 

Theo Bách khoa thư mở, Hope Diamond được cắt gọt từ viên Màu Xanh Pháp (French Blue) có hình trái tim dâng lên vua Louis XIV. Tên gọi này có xuất xứ khi nó xuất hiện trong danh mục bộ sưu tập đá quý thuộc sở hữu của một gia đình ngân hàng London gọi là Hope vào năm 1839. Sau đó được bán cho nhà Evalyn Walsh McLean ở Washington (Mỹ) trước khi yên vị trong Bộ sưu tập đá quý và khoáng vật tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ (NMNH) ở Washington, đồng thời được bảo hiểm với giá 250 triệu USD.

Hành trình của Hope Diamond

Hope Diamond được phân loại thuộc nhóm IIb. Hope Diamond được tìm thấy tại mỏ Kollur tại Golconda, sau đó được gắn vào bức tượng thần Sita trong một ngôi đền ở Ấn Độ. Vào năm 1642, một thương gia, nhà vận chuyển kim cương kiêm nhà thám hiểm phiêu lưu người Pháp, Baptiste Tavernier đến Ấn Độ và sở hữu được viên kim cương này khi ông đến đây buôn bán. Có lời đồn, Tavernier đã móc viên đá này trong con mắt trên tượng thần Sita và do hành động báng bổ thánh thần này nên Tavernier đã gặp họa. 

Khi về Pháp, Hope Diamond đã được vua Louis XIV giao cho thợ kim hoàn hoàng gia Jean Pitau chế tác lại trong 2 năm và được đặt tên là "Kim cương xanh của nhà vua" (Blue Diamond of the Crown) hay Màu xanh nước Pháp (French Blue).

Trong thời kỳ khủng hoảng chính trị tại Pháp, nhiều đồ trang sức của hoàng gia bị đánh cắp, trong đó có Hope Diamond. Vụ mất cắp diễn ra khoảng tháng 9/1792, khi khách sạn Garde-Meuble - nơi cất giữ báu vật hoàng gia bị bọn cướp tấn công. Sau Cách mạng Pháp, nhiều cuộc điều tra đã được thực hiện nhưng người ta chỉ tìm thấy những món nữ trang có giá trị thấp mà tuyệt nhiên không thấy Hope Diamond đâu.

Hope Diamond biến mất trong nhiều thập kỷ cho đến khi tái xuất đầy bí ẩn vào năm 1812, thuộc sở hữu của một nhà buôn kim cương ở London (Anh) tên là Daniel Eliason. Trước khi được tìm thấy ở London, Hope Diamond thuộc quyền sở hữu của hoàng hậu Tây Ban Nha Maria Louisa vào năm 1800. Trong thời gian đó, viên kim cương đã được tạo hình lại bởi một người Hà Lan Wilhelm Fals. Lúc này Hope Diamond nhỏ hơn một chút so với nguyên thủy, nhưng nó vẫn mang màu sắc xanh trong suốt kỳ lạ đó. Sau đó, Hope Diamond được quý tộc người Anh Henry Philip Hope mua lại vào năm 1813 và cái tên Viên kim cương Hope (Hope Diamond) được ra đời từ đây.

3.jpg
Louis XIV, một trong những người sở hữu Hope Diamond

 

Sau đó, Hope Diamond còn qua tay nhiều chủ khác, như hoàng tử Nga Kanitowski, một chủ sở hữu người Hy Lạp... trước khi sang Mỹ và thuộc sở hữu của nhà buôn kim hoàn tên là Pierre Cartier. Nhiều người cho rằng, lời nguyền buông tha vị thương gia này bởi ông “sáng tác” thêm nhiều tình tiết huyền bí nhằm dụ dỗ người mua tiếp theo là một phụ nữ giàu có ở Washington tên là Evalyn Walsh McLean. McLean giàu có nhưng lập dị, đồng ý mua khi nghe nhiều lời nguyền về Hope Diamond và hy vọng sẽ biến nó thành chiếc bùa may mắn. Tuy nhiên kể từ khi có được Hope Diamond vào năm 1912, gia đình nhà McLeans đã xuống dốc không phanh.

Sau cái chết của Evalyn McLean, năm 1949, Hope Diamond đã được bán lại cho một thương gia kim hoàn ở New York tên là Harry Winston. Để tránh lời nguyền, năm 1958, Harry Winston đã tặng cho bảo tàng. Hiện nay, Hope Diamond đang ở Bảo tàng NMNH.

“Hy vọng” hay ác mộng?

Không giống như tên gọi, Hope Diamond lại mang đến sự bi thương, chết chóc cho ít nhất 13 người từng sở hữu nó. Bắt đầu là chủ sở hữu đầu tiên hồi thế kỷ 17, Baptiste Tavernier, nhà buôn kiêm thám hiểm này đã bị ốm thập tử nhất sinh sau khi có được Hope Diamond. Tuy bán cho Vua Louis XIV năm 1673 nhưng tai ương vẫn chưa rời bỏ Tavernier, ông bị đột tử trong chuyến đi tới Nga, xác bị bầy sói xé nát trong rừng.

5.jpg
Mademoiselle Ladue, nữ diễn viên người Pháp đã tự sát ngay trên sân khấu vì mượn viên kim cương của Kanitovsky

 

Sau cái chết của Tavernier, tin đồn dấy lên ông đã lấy cắp viên kim cương từ tượng thần Shiva. Từ đây danh sách nạn nhân của Hope Diamond bắt đầu ứng nghiệm và nối dài. Người thứ hai, chính là hoàng gia và hậu duệ Vua Louis XIV, tuy ông thoát khỏi vận rủi khi có được viên kim cương này, nhưng hậu duệ của ông lại không được may mắn như vậy. Sau khi truyền lại cho Vua Louis XV vào năm 1749 và khi Louis XV qua đời, cháu trai của ông, Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette, những người thừa kế viên kim cương, đều chết thảm trên đoạn đầu đài trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Riêng công chúa Lambelle bị đám đông đánh tới chết rồi chặt đầu treo trên giáo. Nghe đồn khi còn sống, Lambelle thường đeo viên kim cương ma mị này.

Còn gia đình quý tộc Henry Philip Hope, từ khi có được Hope Diamond, dòng họ nhà Hope bắt đầu mạt vận. Năm 1887, gia đình này bắt đầu phá sản và sau đó phải bán lại viên kim cương cho Francis Hope. Người này đã nướng khối gia tài khổng lồ vào sòng bạc còn vợ thì bỏ nhà ra đi. Khi tới Mỹ, Hope Diamond lại tiếp tục “hành” hãng trang sức Sons & Company của thương gia Joseph Frankel ở New York. Công ty này cũng nhanh chóng rơi vào khó khăn tài chính và phải bán lại Hope Diamond cho chủ mới.

Chưa hết, người thợ kim hoàn Hà Lan Wilhelm Fals, người tạo hình viên kim cương, đã bị giết hại dã man bởi chính con trai. Chủ sở hữu người Hy Lạp, Simon Maoncharides đã lao xe khỏi vách đá và chết thảm cùng cả gia đình. Còn Mademoiselle Ladue, nữ diễn viên người Pháp-người được Hoàng tử Nga Kanitovsky cho mượn viên kim cương, đã tự sát ngay trên sân khấu trong khi trình diễn tại quán rượu Folies Bergere. Sau đó Kanitovsky cũng dùng súng tự kết liễu đời mình.

6.jpg
Evalyn Walsh McLean bị khuynh gia bại sản sau khi sở hữu Hope Diamond

 

Một trong những “người quảng bá thành công nhất” cho Hope Diamond là tiểu thư Evalyn Walsh McLean. Người phụ nữ này có ý định “dùng độc trị độc” biến gở thành may, nhưng cũng không thoát khỏi lời nguyền. McLean thường đeo viên kim cương để phô trương, thậm chí còn đeo cả trên cổ chó cưng, nhưng cuối cùng vẫn phải đối mặt với tai họa. Cuộc sống của gia đình trượt thẳng vào vòng xoáy bi kịch, mẹ chồng qua đời, người con trai 9 tuổi tử vong trong tai nạn xe hơi, con gái nghiện ma túy và chết vì sốc thuốc năm 25 tuổi. Chồng McLean bỏ đi với nhân tình, còn bản thân bà thì phải bán tờ báo Washington Post, rồi chết trong nợ nần chồng chất vào năm 1947.

Trước khi Hope Diamond được Harry Winston tặng lại cho bảo tảng, viên kim cương này đã chu du nhiều nơi ở Mỹ từ năm 1949 đến 1953. Những tưởng lời nguyền đã chấm dứt nhưng James Todd, người vận chuyển viên kim cương đến bảo tàng lại gặp vận xui, chân ông bị nghiến nát trong vụ tai nạn xe tải nghiêm trọng xảy ra sau khi giao Hope Diamond cho bảo tàng.

Hiện Hope Diamond đang nằm trong bộ sưu tập của NMNH và chưa thấy có dấu hiệu bất an cho bảo tàng này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn