Có phải bạn là một người nuôi mèo và đôi khi cũng tự cảm thấy mình "hơi điên điên" một chút? Bạn nói chuyện với thú cưng của mình, cầm chân chúng nhảy nhót và ít nhất một lần nghĩ rằng: Con mèo đang ấp ủ một âm mưu thầm kín nào đó!
Tin tốt là thế giới có tới hơn 600 triệu người nuôi mèo và không ít người cũng có hành vi giống như bạn. Các nhà khoa học cho biết việc nhân hóa thú cưng, nói chuyện với mèo hoặc coi chúng như một người bạn là những hành vi hết sức bình thường.
Nhiều nghiên cứu thậm chí còn cho thấy lợi ích sức khỏe của việc giữ thú cưng làm bạn. Chẳng hạn như khi nói chuyện với mèo, nồng độ hormone cortisol trong máu của người nuôi mèo sẽ giảm xuống, giúp họ giảm căng thẳng.
Ngược lại, ôm ấp, vuốt ve hoặc đơn giản là có một con mèo trong phòng cũng chúng giúp tăng cường serotonin và oxytocin, hai loại hormone hạnh phúc. Người nuôi mèo vì vậy có thể cải thiện được sức khỏe tinh thần, giảm nguy cơ mắc trầm cảm và thậm chí phòng ngừa được bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, nằm trong số vô vàn lợi ích của việc nuôi mèo làm thú cưng cũng có những nghiên cứu cảnh báo bạn nên cẩn thận. Một bài báo mới đăng trên tạp chí Schizophrenia Bulletin đã tìm thấy bằng chứng cho thấy người nuôi mèo có nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt cao gấp đôi những người bình thường không nuôi chúng.
Nghiên cứu đưa ra kết luận sau khi đã kiểm tra kỹ kết quả từ 17 nghiên cứu khác, được thực hiện trong vòng 44 năm, tại 11 quốc gia.
"Chúng tôi đã tìm kiếm trong kho tài liệu y văn của Medline, Embase, CINAHL, Web of Science và cả các ấn phẩm in được xuất bản từ ngày 1 tháng 1 năm 1980 đến ngày 30 tháng 5 năm 2023, bất kể vị trí địa lý và ngôn ngữ", bác sĩ John McGrath, tác giả chính của bài báo đến từ Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Tâm thần Queensland, Australia cho biết.
"Qua các đánh giá, chúng tôi đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sở hữu mèo với tỷ lệ mắc các rối loạn liên quan đến tâm thần phân liệt tăng lên, mối liên hệ này thậm chí rất phổ quát".
Theo các khảo cứu tài liệu của bác sĩ McGrath, mối liên hệ giữa việc nuôi mèo và nguy cơ mắc bệnh tâm thần đã tồn tại từ cuối thế kỷ 20. Một loạt các nghiên cứu đã đổ tội cho Toxoplasma gondii, một chủng ký sinh trùng đơn bào đã gây ra căn bệnh.
T. gondii tồn tại trong đường tiêu hóa của mèo, tại đây, chúng thể hiện một chiến lược cộng sinh hết sức tinh vi với vật chủ mà chúng lây nhiễm. Những con T. gondii sinh sản trong ruột mèo, sau đó được mèo thải ra ngoài thông qua phân của chúng.
Những con mèo rải phân tại các khu vực mà chúng muốn kiếm ăn. T. gondii chờ đợi ở đó, cho đến khi những con chuột đến và hít phải chúng. Những ký sinh trùng này ngay lập tức tìm đường bò lên não chuột. Tại đây, chúng gây ra một hiệu ứng thần kinh hết sức nguy hiểm – ít nhất là với lũ chuột.
Đầu tiên, T. gondii sẽ chỉ đạo cơ thể chuột tăng tiết testosterone, khiến những con chuột trở nên rất nam tính. Sau đó, chúng tiếp tục làm rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh, khiến lũ chuột trở nên liều lĩnh.
Bình thường, chuột vốn rất sợ mèo, ngay cả mùi nước tiểu và mùi phân của mèo. Khi ngửi thấy chúng, chuột cũng sẽ tránh xa. Nhưng những con chuột nhiễm ký sinh trùng T. gondii thì khác, chúng vô tư đi vào khu vực có nước tiểu và phân mèo, phớt lờ sự hiện diện của động vật ăn thịt.
Kết quả của sự liều lĩnh đó là chuột dễ bị mèo bắt hơn. Những conn mèo ăn chuột nhiễm T. gondii sẽ hoàn thành vòng đời của ký sinh trùng này trong cơ thể chúng. T. gondii đi vào ruột mèo, sinh sản trong đó và lại theo đường phân mèo đi ra ngoài để lây nhiễm những con chuột mới.
Cứ thế, ký sinh trùng T. gondii đã hoàn tất một vòng tròn của tạo hóa, thứ đã giúp chúng có cơ hội sinh tồn cao hơn, đồng thời giúp những con mèo bắt được nhiều chuột hơn.
Thế nhưng, tạo hóa có lẽ đã không tính toán được những gì sẽ xảy đến vào thế kỷ 21, khi loài mèo không còn phải vất vả đi kiếm ăn nữa. Chúng có thể vô tư nằm sưởi nắng trong những ngôi biệt thự sang trọng, ăn hạt Me-O và có những con khỉ lớn mặc quần áo sẵn sàng phục vụ chúng.
T. gondii từ việc lây nhiễm chuột bây giờ chuyển sang lây nhiễm người. Các nhà khoa học nghi ngờ điều đó có thể để lại một số hậu quả. Bởi suy cho cùng, chuột và người chia sẻ tới 85% bộ gen và nhiều cơ chế sinh học xảy ra trên chuột cuối cùng cũng xảy ra tương tự trên người.
Một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B cho thấy khi bị nhiễm T. gondii, con người cũng có xu hướng trở nên "liều lĩnh" hơn bình thường.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xét nghiệm nước bọt của 1.500 sinh viên chuyên ngành kinh tế và phát hiện 22% trong số đó có kháng thể T. gondii, nghĩa là họ đã bị nhiễm ký sinh trùng này tại một thời điểm nào đó trong đời.
Đáng ngạc nhiên, qua quá trình theo dõi sau tốt nghiệp, 22% sinh viên này cũng là những sinh viên có tính cách mạnh mẽ, họ chấp nhận rủi ro cao hơn nên có tỷ lệ khởi nghiệp cao hơn gấp 1,8 lần so với nhóm đối chứng, những sinh viên không nhiễm T. gondii.
Thế nhưng, khởi nghiệp chỉ là một trong số các hành vi "liều lĩnh" mà T. gondii bị đổ lỗi. Các nghiên cứu trước đây cho thấy người nhiễm T. gondii thường thích tham gia vào các hoạt động cảm giác mạnh, chẳng hạn như lái xe ở tốc độ cao. Chính vì vậy, họ cũng dễ gặp tai nạn xe hơi hơn người không nhiễm ký sinh trùng.
Ngoài ra, một số nghiên cứu khác liên kết việc nhiễm T. gondii với các hành vi bốc đồng như sử dụng ma túy, chất kích thích và hành vi tự tử.
Một giả thuyết thống nhất giải thích cho tất cả những xu hướng này là việc T. gondii xâm nhập não bộ, từ đó ảnh hưởng đến tính cách và hành vi người bị nhiễm nó. Và hóa ra, bệnh tâm thần phân liệt, một rối loạn hành vi nghiêm trọng trên người, cũng không thoát khỏi mối liên hệ với ký sinh trùng T. gondii.
Chúng ta biết tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng ảnh hưởng tới khoảng 1% dân số. Căn bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tư duy và cảm xúc, khiến bệnh nhân khó phân biệt giữa thực tế và ảo tưởng.
Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh là gì, nhưng các triệu chứng của nó có thể sẽ khởi phát khi môi trường hóa học trong não bộ bị rối loạn, khiến các chất dẫn truyền thần kinh điều khiển hành vi và nhận thức của bệnh nhân hoạt động không hiệu quả.
Sự hiện của ký sinh trùng T. gondii rất có thể là một trong số những nguyên nhân gây ra điều đó. Trong nghiên cứu mới của bác sĩ McGrath, ông cho biết các nhà khoa học đã từng tìm thấy tỷ lệ có kháng thể T. gondii trong máu cao hơn gấp 3 lần ở các bệnh nhân tâm thần phân liệt, so với người bình thường.
Trẻ em tiếp xúc với mèo trong độ tuổi từ 9-12 có nhiều khả năng mắc tâm thần phân liệt ở tuổi trưởng thành hơn những đứa trẻ không nuôi mèo trong độ tuổi này. Một nghiên cứu trên 354 sinh viên chuyên ngành tâm lý học cho thấy những người bị mèo cắn tự chấm điểm trên thang đo tâm thần phân liệt của mình cao hơn so với các sinh viên khác.
Sau khi phân tích kết quả từ 17 nghiên cứu tất cả, bác sĩ McGrath và nhóm của ông đã tìm thấy "mối liên hệ tích cực đáng kể giữa việc sở hữu mèo và nguy cơ gia tăng các rối loạn liên quan đến tâm thần phân liệt".
"Sau khi điều chỉnh các đồng biến, chúng tôi phát hiện ra những người tiếp xúc với mèo có nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt cao xấp xỉ gấp đôi người bình thường", các nhà nghiên cứu viết.
Câu hỏi đầu tiên: Tại sao lại là mèo mà không phải chó? Hóa ra, việc T. gondii chọn mèo làm vật chủ đầu tiên hoàn toàn có lý do của nó.
Tất cả các động vật có vú, bao gồm chó và cả con người đều có một enzyme trong ruột gọi là delta-6-desaturase. Enzyme này thúc đẩy quá trình chuyển đổi axit béo chuỗi ngắn thành axit béo chuỗi dài ở ruột, các axit béo thiết yếu cho sự phát triển tế bào và chức năng não bộ.
Nhưng vì một lý do nào đó, tiến hóa đã bỏ quên loài mèo và khiến đường ruột của chúng không có delta-6-desaturase. Hậu quả là ruột mèo bị thừa đầy axit béo chuỗi ngắn, trong đó có linoleic, một loại axit béo là thức ăn yêu thích của ký sinh trùng T. gondii.
T. gondii ăn axit linoleic, sau đó sinh sản hiệu quả trong ruột mèo. Mỗi ký sinh trùng này có thể đẻ ra hàng triệu tế bào trứng. Trứng T. gondii sẽ theo phân mèo đi ra ngoài môi trường, nhưng sẽ dính lại một phần trên lông, bàn chân, miệng, lưỡi và răng mèo khi chúng liếm láp và vệ sinh cơ thể.
Đây là điểm tiếp xúc - nơi mà con người gặp nguy hiểm.
Vuốt ve mèo, sau đó không rửa tay sạch sẽ tạo điều kiện cho T. gondii lây nhiễm sang cơ thể bạn. Nếu bạn sau đó dùng tay bẩn để cầm nắm thức ăn, trứng ký sinh trùng T. gondii có thể theo đó đi vào hệ tiêu hóa.
Sử dụng tay trần để đổ và xử lý phân mèo cũng là một hành vi đặc biệt nguy cơ, bởi ký sinh trùng T. gondii tồn tại với nồng độ lớn trong phân của những con mèo nhiễm nó.
Sau đó, bị mèo cào và mèo cắn cũng tạo điều kiện cho T. gondii xâm nhập trực tiếp vào máu. Khi đã vào được hệ tuần hoàn, T. gondii có thể tìm đường xâm nhập vào não bộ bạn thông qua việc vượt qua hàng rào máu não.
Ngoài ra, việc ăn rau sống, trái cây chưa rửa sạch, các loại thịt chưa nấu chín kỹ như gỏi cá, thịt lợn và thịt bò tái cũng có thể tạo ra nguy cơ nhiễm T. gondii. Mặc dù ký sinh trùng không sống trong các loài động vật này, việc chúng tiếp xúc với phân mèo có thể gián tiếp cho phép T. gondii lây nhiễm bắc cầu sang con người.
Nhiễm ký sinh trùng T. gondii gây ra hiệu quả nghiêm trọng nhất đối với những người có hệ miễn dịch yếu, như bệnh nhân HIV, bệnh nhân ung thư sau hóa trị hoặc những người cấy ghép nội tạng phải sử dụng thuốc chống thải ghép.
Ở những người này, T. gondii có thể ngay lập tức gây ra tình trạng ho, sốt, khó thở, đau đầu, đau cơ, phát ban, sưng hạch bạch huyết. Cùng với các triệu chứng não khi ký sinh trùng xâm nhập não bộ như lú lẫn, yếu cơ, co giật, thiếu tỉnh táo, phối hợp các chi kém…
Tuy nhiên, đối với đa số mọi người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, T. gondii có thể nhiễm vào cơ thể họ một cách âm thầm mà không gây ra triệu chứng. Thống kê cho thấy khoảng 30-50% dân số toàn cầu phơi nhiễm với T. gondii ở dạng tiềm ẩn.
Những người nuôi mèo, bị mèo cào hoặc mèo cắn có nguy cơ cao hơn bình thường. Phụ nữ có thai phải đặc biệt cẩn thận với T. gondii ở mèo, bởi nó có thể được truyền từ mẹ sang con, và gây ra các biến chứng thai nhi nặng như: mù lòa, rối loạn nhịp tim, úng não thủy, ảnh hưởng tới trí não của trẻ…
Dựa trên các con đường lây nhiễm T. gondii chính, dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa ký sinh trùng mà bạn có thể thực hiện để tránh những con T. gondii chui lên não bộ mình và làm loạn:
- Đeo găng tay khi xử lý phân mèo hoặc yếu tố có nguy cơ cao: Nếu bạn nuôi mèo trong nhà, bạn cần chú ý luôn đeo găng tay khi xử lý phân mèo hoặc các yếu tố có nguy cơ cao chứa T. gondii như hộp cát vệ sinh của mèo, ổ mèo nằm hoặc thậm chí đất trong vườn khi mèo hay ra đó đi vệ sinh.
- Luôn rửa tay sau khi tiếp xúc với mèo, chất thải mèo và rửa tay trước khi ăn
- Không ăn thịt sống hoặc nấu chưa chín kỹ
- Đừng ăn động vật có vỏ sống: Không ăn nghêu, trai hoặc hàu sống, đặc biệt khi mang thai.
- Rửa kỹ dụng cụ nhà bếp: Rửa thớt, dao và các dụng cụ khác bằng nước xà phòng sau khi tiếp xúc với thịt sống hoặc trái cây, rau quả chưa rửa sạch. Rửa tay thật kỹ trước và sau khi chuẩn bị thức ăn.
- Rửa sạch tất cả các loại trái cây và rau quả: Trước khi ăn, bặn nên gọt vỏ hoa quả và nấu chín rau củ.
- Đừng uống sữa chưa tiệt trùng: Tránh dùng sữa động vật chưa tiệt trùng hoặc các sản phẩm làm từ sữa không tiệt trùng.
- Đừng uống nước chưa được xử lý
- Che hộp cát của trẻ em: Đậy các hộp cát để ngăn mèo sử dụng chúng làm nơi đi vệ sinh. Ngoài ra, khi trẻ vui chơi ở các khu vui chơi ngoài trời, đảm bảo chúng không cho tay lên miệng và rửa tay sau khi chơi xong.
- Giữ mèo của bạn luôn khỏe mạnh: Giữ mèo của bạn trong nhà. Cho mèo ăn thức ăn khô hoặc đóng hộp, không phải thịt sống hoặc thịt chưa chưa nấu chín có nguy cơ chứa T. gondii.
- Đừng tiếp xúc với mèo hoang hoặc mèo con đi lạc: Đây là những con mèo có nguy cơ mang T. gondii cao.
- Không nuôi mèo khi bạn đang mang thai hoặc thuộc nhóm người có vấn đề miễn dịch như sau khi hóa trị ung thư, nhiễm HIV, hậu ghép tạng…
Bằng việc thực hiện các biện pháp này, bạn sẽ giảm được nguy cơ phơi nhiễm T. gondii, đồng thời vẫn giữ được mối quan hệ tốt với mèo, một trong những loài thú cưng đáng yêu nhất hành tinh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn