Bí ẩn quanh vụ trộm kim cương thế kỷ

11:20 | 29/07/2017;
Năm 2003, băng trộm đã đột nhập vào Trung tâm giao dịch kim cương Antwerpen (Bỉ) phá 123 hộp két lấy đi kim cương, tiền mặt và những đồ quý giá khác trị giá ước tính khoảng từ 100 triệu đến 400 triệu euro mà không để lại bất cứ một dấu vết nào...
Đột nhập hầm đựng két như vào... chốn không người!

Vụ trộm xảy ra đúng đêm ngày Valentin 14/2/2003. Tại Trung tâm giao dịch kim cương Antwerpen, mỗi ngày đá quý được giao dịch với giá trị khoảng 200 triệu đô la. 

Sáng ngày 17/2/2003, khi nhân viên bảo vệ đi tuần ca đầu tiên sau 2 ngày nghỉ cuối tuần, họ mới phát hiện đèn vẫn sáng trong hầm, cửa hầm đựng két mở toang. Khi tin tức về "vụ trộm lớn nhất, táo bạo nhất và tinh vi nhất" lan truyền khắp thế giới, ai cũng tự hỏi, bọn trộm làm thế nào lọt vào được một nơi được canh giữ cẩn mật như vậy!
zing_cuop_kim_cuong.jpg
Leonardo Notarbartolo - kẻ cầm đầu vụ trộm hoàn hảo nhưng cũng lạ lùng nhất lịch sử. Ảnh: Wired

Tại "quận kim cương" ở Antwerpen, 80% kim cương của thế giới được giao dịch và vì thế khắp nơi có camera theo dõi. Ngay cạnh Trung tâm kim cương, có hẳn một đồn cảnh sát; còn trong tòa nhà của Trung tâm thì có vô số camera cảnh giới. Căn hầm chứa hộp két được trang bị cửa thép dày 20cm thuộc loại an toàn nhất thế giới của công ty LIPS. Để mở cửa này, người ta cần mã số và một chìa khóa đặc biệt. 


Nếu dùng thuốc nổ phá cửa hầm nặng 3 tấn thì phải phá cả tòa nhà. Ngoài ra, bên cửa còn lắp một thiết bị điện từ sẽ báo động ngay, nếu cửa bị mở ngoài giờ giao dịch (từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối). Trong hầm còn có 3 loại thiết bị cảm ứng phát hiện hơi nóng cơ thể người, ánh sáng và chuyển động. Mỗi một hộp két lại được trang bị khóa mở bằng chìa và mã số.
zing_vu_cuop_kim_cuong.jpg
Quang cảnh quận kim cương Antwerp, Bỉ. Ảnh: Wired

Kẻ chủ mưu với 27 tháng chuẩn bị

Để lọt vào Trung tâm này, hơn 2 năm trước, kẻ cầm đầu băng trộm Leonardo Notarbartolo đã mở một công ty ma buôn bán kim cương và thuê một phòng làm việc trong Trung tâm. Ban quản lý tòa nhà đã cấp cho y sơ đồ toàn bộ tòa nhà. Trong suốt 27 tháng "công ty" của y không có một giao dịch nào. Vậy mà không ai trong Trung tâm nghi ngờ cả.
 
Notarbartolo đã bình tĩnh nghiên cứu kỹ các biện pháp an ninh của tòa nhà và lén quay phim các điểm yếu trong hệ thống đó. Bọn trộm chọn ngày cuối tuần để ra tay, vì ngày cuối tuần tại cổng sau trung tâm không có camera cảnh giới, chiếc chìa khóa đặc biệt mở loại cửa LIPS treo ngay trong phòng trước hầm két, còn "mắt thần" cảm ứng vận động bị Notarbartolo dùng keo xịt tóc vô hiệu hóa.
ff_diamonds5_f.jpg
Thiết kế kho bạc gồm nhiều lớp bảo vệ bị bọn trộm ghé thăm. Ảnh: Wired

Cũng vì ngày nghỉ cuối tuần nên bọn trộm có thừa thời gian thảnh thơi ra tay và xóa mọi dấu vết. Tuy nhiên người ta không biết được Notarbartolo và đồng bọn làm thế nào dò ra được mã số mở cửa LIPS được bộ phận bảo vệ thay đổi mỗi ngày.

Sai sót không ngờ

Sau khi tẩu tán chiến lợi phẩm, băng trộm rút về một căn hộ Notarbartolo thuê từ trước ở Antwerpen. Trước khi đi, chúng dọn dẹp căn hộ, thu rác vào một cái túi và trên đường tẩu thoát chúng đã vứt chiếc túi rác vào ven rừng, đúng nơi một ông già về hưu có ý thức bảo vệ môi trường sáng sáng vẫn đi dạo để tóm những kẻ vứt rác thải vào rừng.

Trong khi lục soát túi rác để tìm dấu vết kẻ vứt rác, ông già đã phát hiện một số hóa đơn liên quan đến trung tâm kim cương. Nhớ đến vụ trộm kim cương mới xảy ra, ông báo ngay và cảnh sát đã nhanh chóng tìm ra băng trộm người Turin.

Sau khi bị sa lưới pháp luật, bọn trộm đã bị tòa xử từ 5 đến 10 năm tù giam và phạt tiền từ 5.000 đến 10.000 euro.

Màn kịch lừa đảo bảo hiểm khổng lồ?

Sau khi ra tù, Notarbartolo kể lại rằng, mùa hè năm 2001 một nhà buôn kim cương bí hiểm người Do Thái đã thuê y thực hiện một vụ trộm lớn.
antwerp-diamond-centre-vault-r-2100-2069-1439466869.jpg
Hầm chứa hộp két sau khi bị trộm

Theo Notarbartolo thì vụ trộm là một phần của một vụ lừa đảo bảo hiểm khổng lồ. Tay thương nhân Do Thái thuê y thực hiện vụ trộm nhưng trước khi Notarbartolo ra tay, nhân vật bí hiểm này đã cùng tay chân vét nhẵn những hộp két của chính ông ta, để sau vụ trộm của Notarbartolo ông ta báo mất và được hãng bảo hiểm đền bù.

Những viên kim cương Notarbartolo và đồng bọn lấy được là của người khác, không liên quan gì đến âm mưu lừa đảo bảo hiểm của tay thương nhân Do Thái. Không biết có phải ngẫu nhiên không, nhưng hai ngày trước vụ trộm xảy ra tập đoàn kim cương De Beers (Nam Phi) mới chuyển một số lượng lớn kim cương đến Antwerpen!

Theo lời kể của Notarbartolo thì khi về đến nhà mở chiến lợi phẩm ra y và đồng bọn giật mình thấy nhiều bao da lẽ ra phải có kim cương ở trong lại rỗng tuếch. Vì thế chiến lợi phẩm của chúng không trị giá 100 triệu đô la như mong đợi, mà chỉ khoảng 20 triệu đô la. "Người ta đã lừa chúng tôi", Notarbartolo bức xúc.

Cho đến nay, cơ quan điều tra Bỉ vẫn cho rằng, Notarbartolo và đồng bọn đã lấy đi từ Trung tâm kim cương Antwerpen số tài sản trị giá 100 triệu đô la và không thể lý giải được, tại sao băng trộm của Notarbartolo có thể đột nhập vào căn hầm chứa hộp két được cảnh giới hàng chục lớp đó. 20 triệu hay 100 triệu đô la, dù thế nào đi chăng nữa, cho đến nay số tài sản bị trộm đó vẫn bặt vô âm tín.

Thành tỉ phú sau mãn hạn tù

Ngày 8/3/2009, là một ngày đẹp trời với Leonardo Notarbartolo. Y được tự do sau 4 năm trong một nhà tù Bỉ và phải giàu hơn trước ít nhất hàng chục triệu đô la.
 
Có lẽ, ngay từ trong tù Notarbartolo đã tính cách tiêu số tiền bán kim cương tính bằng tiền triệu y thu được từ vụ trộm, mà không gây chú ý. Y liên hệ với một phóng viên tạp chí Mỹ "Wired" để cung cấp thông tin. Ít ngày sau khi Notarbartolo được thả, câu chuyện về vụ trộm đã được tạp chí này đăng tải. Y nhận được khoản tiền khá hậu hĩnh nhưng có lẽ, khoản thù lao lớn nhất là vụ y làm ăn với nhà làm phim J.J. Abrams của Hollywood.

Quả là một cái cớ lý tưởng để giải thích, y lấy tiền từ đâu để ngay sau khi ra tù mua được chiếc BMW 120 D mới cáu và có vốn để quay lại "nghề cũ": Buôn bán kim cương!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn