Chốn nương thân của những mảnh đời bất hạnh
Những người Hindu bảo thủ tại Ấn Độ tin rằng, phụ nữ có chồng đã mất thì cũng không nên sống nữa, bởi họ không giữ được “linh hồn” chồng. Theo phong tục của người Hindu, một người phụ nữ góa chồng không được phép tái hôn, họ phải trốn trong nhà, tháo bỏ mọi đồ nữ trang và phải mặc đồ màu tang.
Người phụ nữ đó được xem là “nỗi xấu hổ” cho gia đình, mất quyền tham gia đời sống sinh hoạt tôn giáo và bị cô lập. Nhiều bà góa bị nhà chồng đuổi hoặc chủ động trốn đi vì không chịu được cảnh tủi nhục. Do đó, nhiều người trong số họ đã tìm đến Vrindavan (ở bang miền Bắc Utah Pradesh), nơi mà người ta tin rằng vị thần Hindu Krishna được nhiều người phụ nữ góa chồng thờ phụng, sống thuở thiếu thời.
Bà Lalita (72 tuổi) đã sống 12 năm tại Vrindavan kể lại chuyện đời mình: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng đến một ngày, tôi phải đi ăn xin. Chồng chết lúc tôi 54 tuổi, tôi đã bị người thân đuổi ra khỏi nhà. Tôi phải sống trên đường phố và may mắn gặp được một người tử tế giúp tôi một tấm vé tàu tới Vrindavan. Tôi đến đây và không rời đi nữa”.
Còn bà Sharma (51 tuổi) đến từ bang Tây Bengal bị đuổi ra khỏi nhà và bị buộc phải tự lo liệu lấy thân vì bị coi là “nghiệp chướng” đem tới cái chết cho chồng.
Thành phố Vrindavan hiện có tới 20.000 quả phụ sinh sống. Trên những con đường đầy bụi bặm của Vrindavan, vô số phụ nữ với đôi mắt buồn kể lại những câu chuyện tương tự như chuyện của bà Lalita hay Sharma. Từ những người bị gia đình bỏ rơi, họ được cộng đồng những phụ nữ góa chồng đón nhận và hầu hết đã gắng gượng thoát khỏi nỗi cô đơn. Tòa án tối cao Ấn Độ cũng kêu gọi chính quyền cải thiện điều kiện sống cho những phụ nữ nơi đây.
Bệ đỡ làm lại cuộc đời
Trong những năm gần đây, các tổ chức phi chính phủ địa phương đã giúp đỡ những phụ nữ góa chồng rất nhiều, đặc biệt về tài chính, nơi ăn chốn ở. Tại Vrindavan, Chính phủ Ấn Độ, các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức phi chính phủ cùng phối hợp lập ra khu Vidhwa Ashram làm nơi trú ngụ cho các phụ nữ góa chồng. Ngoài ra, họ còn tiến hành nhiều dự án, hoạt động truyền thông trên toàn Ấn Độ nhằm nâng cao nhận thức, sự cảm thông của xã hội đối với những người bị phân biệt đối xử.
Theo tập tục cũ, Holi (Lễ hội sắc màu) không cho phép phụ nữ góa chồng tham dự các buổi lễ. Tuy nhiên, cách suy nghĩ này đang được thay đổi và phụ nữ góa chồng đã bắt đầu chống lại lệnh cấm. Lễ Holi là cơ hội để những người phụ nữ này khẳng định tiếng nói của mình, rằng họ muốn được tôn trọng. Trong lễ Holi, các rào cản xã hội bị phá bỏ, không phân biệt tuổi tác, giới tính và địa vị xã hội; là nơi mà người thuộc các đẳng cấp khác nhau trong xã hội cùng chan hòa.
Bà Prema (60 tuổi) nói: “Tôi vui vì được sống cùng những người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Chúng tôi đã học cách sống cùng nhau, giúp đỡ nhau, trở thành bạn bè thực sự bởi chúng tôi đều thấu hiểu những gì mà mỗi người phải trải qua. Chúng tôi hướng tới tương lai, không nhìn lại quá khứ”.
Từng là một người góa bụa, bà Mohini Giri đã thành lập tổ chức “Hội Dịch vụ” để giúp phụ nữ và trẻ em nghèo. Mẹ của Giri trở thành góa phụ khi Giri lên 9 tuổi và cô đã chứng kiến cuộc tranh đấu là như thế nào. Sau đó, khi bước vào tuổi 50, chồng của bà cũng không may qua đời. Cách đây 7 năm, tổ chức của bà Giri đã mở một cơ sở gọi là Amar Bari (Nhà tôi) tại Vrindavan.
Nó đã trở thành nơi nương thân của 120 góa phụ tuổi từ 40 trở lên. Bà dự kiến mở cơ sở thứ hai cho 500 góa phụ khác. Tại Amar Bari, các góa phụ được dạy các nghề như thêu, đan, được ăn uống bình thường, mặc quần áo truyền thống, để tóc và được khám sức khỏe. Đó là cuộc sống mới đem lại những nụ cười an ủi cho những số phận ở bên lề xã hội.