Ai Cập cổ đại là một nền văn minh cổ đại nằm ở vùng Đông Bắc châu Phi, và tập trung dọc theo hạ lưu của sông Nile.
Toàn bộ vùng châu thổ sông Nile màu mỡ được coi là cái nôi của nền văn minh Ai Cập cổ đại. Nền văn minh này từng kéo dài hàng nghìn năm. Trong nền văn mình này, nổi tiếng nhất và đạt được nhiều thành tựu có lẽ là thời kỳ các pharaoh vĩ đại trị vì Ai Cập cổ đại, chẳng hạn như pharaoh Djoser, Khufu, Akhenaten, Tutankhamun, Ramses II.
Trên thực tế, vào cuối thế kỷ 19, nhiều ngôi mộ của các pharaoh vĩ đại nằm rải rác trên khắp Thung lũng các vị vua đã được phát hiện và khai quật hoặc bị những kẻ trộm mộ cướp phá. Tuy nhiên, cho đến tận ngày nay, vẫn còn có những ngôi mộ nguyên vẹn được tìm thấy và khai quật.
Minh chứng là vào năm 2020, các chuyên gia khảo cổ đã có một phát hiện mới tại Dahshur. Đây là một nghĩa địa hoàng gia nằm trong sa mạc tại Bờ Tây sông Nile, cách thành phố Cairo khoảng 40 km.
Cụ thể, các chuyên gia tìm thấy nhiều đồ vật tạo tác và di vật văn hóa ở bên trong một chiếc quan tài được cho là thuộc về một vị vua. Bởi chiếc quan tài này được đặt ở bên trong một kim tự tháp. Theo phong tục của người Ai Cập cổ đại, chỉ có các vị vua hay còn gọi là pharaoh của Ai Cập cổ đại mới được chôn cất ở trong kim tự tháp.
Tiến sĩ Yasmin El Shazly, một nhà Ai Cập học, đồng thời là người đứng đầu một nhóm các nhà khảo cổ, đã phối hợp với các cộng sự để tiến hành ghép những mảnh gỗ được phát hiện ở trong phòng chôn cất lại với nhau. Cuối cùng, họ đã tạo thành một chiếc nắp quan tài có khuôn mặt được chạm khắc tinh xảo.
Tiến sĩ Yasmin El Shazly cho biết: "Các quan tài thường có các đặc điểm khắc họa tương tự như chủ nhân. Tuy nhiên, chúng được lý tưởng hóa, bởi đó là những gì sẽ tồn tại mãi mãi".
Ban đầu, các nhà nghiên cứu đã bắt tay ngay vào công việc với niềm tin rằng chủ nhân của chiếc quan tài trong kim tự tháp là một vị vua. Thế nhưng, khi tiến hành trùng tu kết hợp với nghiên cứu, giả định trên nhanh chóng bị phát hiện là sai.
"Việc trùng tu đã tiết lộ một điều đáng kinh ngạc. Đây không phải là một vị vua. Thật ra đó là một người phụ nữ bí ẩn", bà Shazly cho biết thêm.
Vị chuyên gia này giải thích rằng, nắp của chiếc quan tài cho thấy một người đội bộ tóc giả Hathor. Đây là một loại phụ kiện phổ biến đối với phụ nữ trong thời kỳ Trung Vương quốc.
Hathor là một nữ thần của người Ai Cập cổ đại. Với nhiều vai trò khác nhau, từ sự sống cho đến cái chết, Hathor được coi là vị thần rất quan trọng tôn giáo Ai Cập thời cổ đại. Vị nữ thần này được miêu tả là luôn xuất hiện với một chiếc đĩa Mặt Trời và cặp sừng bò ở trên đầu. Hathor chính là nữ thần của tình yêu, sắc đẹp, phụ nữ, bầu trời, niềm vui, nghệ thuật, thợ mỏ và tình dục.
Xác ướp của người phụ nữ bí ẩn này được tìm thấy ở bên cạnh một chiếc rương có nhiều chữ tượng hình. Do đó, các nhà nghiên cứu hy vọng nó sẽ giúp họ giải mã và tìm ra danh tính của người phụ nữ.
Nhưng nơi ghi tên của người phụ nữ này lại bị hư hại nghiêm trọng. Điều này quả thật đáng tiếc.
Các nhà Ai Cập học đã giải mã phần chữ tượng hình còn lại và giải thích rằng: "Điều cực kỳ quan trọng về chiếc rương này là chúng tôi biết được nó thuộc về một vị công chúa. Bởi trên chiếc rương có ghi 'con gái của nhà vua'".
Dù biết được chủ nhân của lăng mộ là một vị công chúa, nhưng tên của người này vẫn còn là một bí ẩn. Đặc biệt, nguyên nhân vì sao cô công chúa này được chôn cất trong một kim tự tháp là bí ẩn chưa thể lý giải được.
Giáo sư Aidan Dodson tại ĐH Bristol cho biết: "Kiểu thiết kế kim tự tháp này là dành riêng cho một vị vua. Đây không phải là nơi dành cho một thành viên cấp thấp của hoàng gia. Một công chúa thường sẽ chỉ có một ngôi mộ nhỏ".
Chính sự khác biệt này khiến việc một công chúa được chôn cất ở trong kim tự tháp trở thành bí ẩn thực sự.
Để hiểu thêm về công chúa này, nhóm nghiên cứu đã chuyển sự chú ý sang thời kỳ mà cô từng sống. Đó là thời kỳ Trung Vương quốc (khoảng năm 2030 TCN – 1650 TCN). Tuy nhiên, cho đến nay, danh tính của vị công chúa Ai Cập cổ đại được đặc cách chôn trong kim tự tháp vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn