Yêu nhau gần 1 năm thì hầu như tuần nào, tháng nào họ cũng cãi lộn. Những cuộc cãi vã thường chỉ có mình Khoa nói, còn Di ngồi im lặng.
Nhưng sau đó, thế nào Di cũng tìm cách phân tích cho Khoa hiểu, cô không hề “ném tiền” như anh vẫn nghĩ. Họ đang là sinh viên, số tiền làm thêm từ việc gia sư cho mấy bé học sinh kiếm được không nhiều. Di đã chia số tiền ít ỏi đó thành từng khoản. Khoản để giúp bà cụ gần trường hàng tháng có thể mua thuốc bổ uống; khoản để giúp một địa chỉ từ thiện nào đó trên tờ báo mà cô thường cộng tác; hay đôi khi mua vài món đồ dùng học tập tặng cho chị em cô bé nhà bên mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống cùng ông bà ngoại…
Không “gặp nhau” trong suy nghĩ nên với Khoa, những việc Di làm toàn việc “bao đồng”. “Em làm thế cũng chẳng thay đổi được điều gì!”, “Em nhìn lại mình đi, quần áo thì cũ, ăn uống đạm bạc, vậy mà còn đi lo chuyện thiên hạ”… Những điều Khoa nói, không phải Di chưa từng nghĩ đến, nhưng dù vậy, cô luôn cảm thấy vui mỗi khi làm việc tốt và chưa bao giờ cảm thấy hối hận với lựa chọn của mình.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi một bữa Khoa nhìn thấy Di vừa ngồi nhai bánh mì không, vừa hướng dẫn cô bé hàng xóm học. Nụ cười tươi rói của Di không xua được cơn giận đang trào lên trong Khoa. “Anh hết chịu nổi em rồi! Lại là bánh mì chay, em định sống kiểu này đến bao giờ nữa?”, Khoa vừa hỏi vừa hối hả quay xe đi.
Lạ là lần này Di không đứng dậy đuổi theo như mọi bữa. Có lẽ mọi chuyện nên dừng lại. Có thể giữa Khoa và Di chỉ có duyên đi tới đây thôi. Di cũng mệt mỏi mỗi lần nghe Khoa “mắng”. Di biết, cũng bởi anh lo cho cô nhưng thay vì chia sẻ, Khoa luôn thể hiện theo cách đó là việc chẳng liên quan gì đến anh, khiến lần nào nghe xong Di cũng thấy lòng day dứt.
Có thể đi cùng nhau bao lâu khi việc Di làm luôn là “cái gai” trong mắt Khoa? Câu hỏi đó, hôm nay Di đã có câu trả lời: “Đến đây thôi Khoa nhé! Tạm biệt anh”. Mắt rưng rưng mà trên môi Di vẫn thấy nụ cười rất nhẹ, khi cô quay sang vén tóc cho cô bé nhà bên…