Bị bố mẹ bí mật thay đổi nguyện vọng đại học, 10 năm sau con gái nói 1 câu đáng suy ngẫm

00:10 | 06/07/2023;
Cha mẹ thông thái thực sự sẽ không tùy tiện kiểm soát lựa chọn của con cái mà sẽ giúp đỡ, tư vấn, đồng thời tôn trọng sở thích, sở trường của con.

Cứ đến mùa xét tuyển đại học, phụ huynh lại lo lắng việc chọn ngành nghề cho con. Họ gọi điện hỏi thông tin hoặc đến tận trường để nhờ tư vấn chọn lựa, điều chỉnh nguyện vọng... Lo lắng là điều đương nhiên, tuy nhiên, liệu bố mẹ quyết định thay con có phải là việc nên làm? Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. 

Bên phản đối cho rằng, "tranh" quyền chọn ngành của con có thể gây tác dụng ngược và tạo ra sự lãng phí, nghiêm trọng hơn có thể hủy hoại chính tương lai con mình. Ý kiến khác lại phản biện, "cá không ăn muối cá ươn", cha mẹ có trải nghiệm, có kiến thức, tầm nhìn sẽ biết ngành nghề nào có triển vọng và phù hợp với con cái.

Bị bố mẹ bí mật thay đổi nguyện vọng đại học, 10 năm sau con gái nói 1 câu đáng suy ngẫm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trước đó, chủ đề "Phụ huynh tự ý đăng ký nguyện vọng ngành học của con, có đáng được tha thứ" từng lên hot search trên Weibo (mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc). Có hơn 350.000 người bình chọn và gần 330.000 trong số đó "vote" không tha thứ.

Một cư dân mạng kể lại: Năm đó, lẽ ra cô ấy đã nộp đơn vào ngành Ngôn ngữ Anh của một trường thuộc nhóm 211 hoặc 985 (Dự án xây dựng các trường Đại học trọng điểm của Trung Quốc). Nhưng vì người mẹ nghĩ rằng công việc kế toán có tương lai nên bí mật thay đổi lựa chọn của con sang ngành học này ở một trường gần nhà. 

Ai ngờ rằng năm đó điểm kế toán của trường này rất cao. Cuối cùng, cô gái phải chuyển sang chuyên ngành Luật tại một trường đại học thuộc "top dưới". 

Cô nói: "Dù thi đại học đã 10 năm rồi nhưng mỗi lần nghĩ đến cảnh mẹ thay đổi lựa chọn, tôi vẫn không kìm nổi sự trách giận".

Sau khi tốt nghiệp, cô gái này nhận một công việc không mấy yêu thích. Những lúc rảnh rỗi, cô thường ngồi thẫn thờ suy nghĩ xem nếu năm đó mình được học ngành yêu thích thì bây giờ sẽ ra sao?

Nhiều cư dân mạng ví việc cha mẹ bí mật thay đổi nguyện vọng của con là một hình thức "bạo hành". Đáng tiếc là những bậc phụ huynh không ý thức được tác hại mà mình đã gây ra cho con cái. Dưới chiêu bài "vì lợi ích của con", họ đã tước đi quyền lựa chọn và làm chủ cuộc đời của con mình.

Trên thực tế, việc ngấm ngầm thay đổi nguyện vọng của con phản ánh mong muốn kiểm soát của cha mẹ, không chỉ trong việc chọn ngành mà còn mọi khía cạnh của cuộc sống.

Trong cuộc sống, không khó để bắt gặp những bậc cha mẹ kiểm soát con cái đến từng chi tiết. Ví dụ, một số phụ huynh sẽ xây dựng phòng học ở nhà với 4 mặt kính, và mọi cử động của trẻ đều không thể thoát khỏi sự giám sát của cha mẹ. Nhiều người cài đặt camera trong phòng để theo dõi xem con có chơi game hay không. Có người sẽ làm mọi cách để giải mã mật khẩu điện thoại di động của con và xem trộm nhật ký, tin nhắn...

Có lẽ cha mẹ nghĩ rằng sự kiểm soát chính là tình yêu chân thành nhất dành cho con, nhưng họ không biết rằng tình yêu ngột ngạt này sẽ chỉ khiến trẻ muốn trốn thoát.

Câu chuyện của Vương Mạnh - thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh đại học của một thành phố ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) là một ví dụ. Cậu không chỉ học tại trường Đại học Bắc Kinh danh tiếng mà còn được nhận vào trường top 50 của Mỹ sau khi tốt nghiệp.

Nhưng 12 năm cậu không về nhà, thậm chí còn đăng những bài báo hơn 10.000 từ để công kích bố mẹ. Những người không biết sự thật của vấn đề có thể nghĩ rằng Mạnh là đứa con bất hiếu. Nhưng sau khi hiểu chuyện, họ lại không khỏi đồng cảm.

Từ khi con còn nhỏ, mẹ Vương Mạnh luôn giữ con ở nhà và sắp xếp mọi thứ theo ý mình. Ngay cả quần áo thường mặc của con cũng phải được mua theo yêu cầu của bố mẹ, cậu không có quyền lựa chọn.

Vương Mạnh cho biết trong một thời gian dài, anh ta là con rối bị gia đình thao túng, là nhân chứng của những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, và là "vật trang trí" để cha mẹ khoe khoang. Chỉ bằng cách hoàn toàn đoạn tuyệt với cha mẹ, cậu mới có thể sống hết mình và trở thành một người độc lập.

Bao nhiêu mối quan hệ cha mẹ và con cái hòa thuận ban đầu đã bị phá hủy bởi mong muốn kiểm soát của cha mẹ. Nhiều bậc cha mẹ luôn coi con cái như phần đính kèm của mình, luôn dang tay, lượn lờ bên con như trực thăng, kiểm soát chặt chẽ mọi thứ. Trong khi cha mẹ khôn ngoan có thể không có kiến thức và bằng cấp cao, nhưng họ có sự tôn trọng và giao tiếp bình đẳng với trẻ.

Một chuyên gia tâm lý kể: Đồng nghiệp của chị có con thi đại học năm ngoái. Đứa trẻ thích học ngành Y, nhưng điểm không đủ để vào một trường hạng nhất. Vì vậy, người mẹ đã thức vài đêm để giúp con phân loại các trường Y phù hợp với điểm số, đồng thời kiểm tra tình trạng tuyển sinh, triển vọng nghề nghiệp, việc làm của những trường này trong các năm qua. Chị còn đăng bài trên các hội nhóm để hỏi thăm thông tin về trường.

Người mẹ sau đó sắp xếp tất cả những tài liệu này thành một tập và in ra cho con trai mình. Nhờ vậy, con chị đã hiểu rõ về trường, về ngành học phù hợp, đăng ký tham gia hoạt động tình nguyện cũng rất thuận lợi.

Cha mẹ thông thái thực sự sẽ không tùy tiện kiểm soát con cái mà sẽ giúp đỡ, tư vấn, đồng thời tôn trọng sở thích, sở trường để giúp con có những lựa chọn đúng đắn hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn