Theo hãng tin AFP, cụ bà 90 tuổi này chưa được tiêm chủng, sống một mình và được chăm sóc y tế tại nhà. Cụ được đưa tới bệnh viện OLV tại thành phố Aalst (Bỉ) hồi tháng 3 và có kết quả dương tính với Covid-19 sau khi xét nghiệm.
Dù mức oxy ban đầu vẫn tốt, tình trạng của cụ bà chuyển biến xấu nhanh chóng và cụ đã qua đời 5 ngày sau đó. Khi phân tích kỹ hơn, các nhà nghiên cứu phát hiện, cụ bà đã nhiễm cả biến thể Alpha (được phát hiện lần đầu ở Anh) lẫn Beta (được phát hiện lần đầu ở Nam Phi) của virus corona.
Nhà sinh học phân tử Anne Vankeerberghen đến từ bệnh viện OLV nói: "Cả hai biến thể này đều đang lây lan tại Bỉ ở thời điểm đó, vì thế nhiều khả năng cụ bà đã lây hai loại virus từ hai người khác nhau. Mặc dù vậy, chúng tôi không thể xác định được quá trình cụ bị lây nhiễm như thế nào".
Bà Vankeerberghen cũng chính là người đứng đầu cuộc nghiên cứu về trường hợp của cụ bà 90 tuổi người Bỉ. Hiện tại, nghiên cứu này vẫn chưa được gửi cho tạp chí y khoa để công bố chính thức, dù đang được trình bày tại Hội nghị Châu Âu về Vi sinh vật Lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm (ECCMID).
Nhà sinh học phân tử Vankeerberghen nói trong một thông cáo báo chí rằng "không có trường hợp nhiễm đồng thời tương tự nào từng được công bố", nhưng bà cảnh báo "hiện tượng có lẽ đang chưa được ghi nhận đúng mức" vì hạn chế trong xét nghiệm. Bà Vankeerberghen kêu gọi tăng cường sử dụng xét nghiệm PCR nhanh để xác định các biến thể.
Bình luận về nghiên cứu của bà Vankeerberghen và các cộng sự, ông Lawrence Young, một nhà virus học tại trường Đại học Warwick (Anh), cho biết, ông không ngạc nhiên khi các nhà khoa học phát hiện một người nhiễm nhiều hơn một chủng virus dù đây là trường hợp hiếm gặp.
"Nghiên cứu cho thấy sự cần thiết của các nghiên cứu tiếp theo nhằm xác định xem việc nhiễm nhiều biến thể có ảnh hưởng đến diễn biến lâm sàng của Covid-19 hay không, cũng như liệu điều này có ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tiêm chủng hay không", ông Young khẳng định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn