Đau một bên hàm hoặc đau cả hai bên hàm không phải là tình trạng hiếm gặp. Nhưng nếu bị đau một bên hàm đột ngột cùng các triệu chứng khác như sốt, yếu nhược cơ, khó thở,... thì cần cẩn trọng bởi điều này có thể cảnh báo một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, chẳng hạn như dấu hiệu nhồi máu cơ tim (đau tim).
Cảm giác đau hàm được mô tả là các cơn đau âm ỉ, căng cứng hàm hoặc đau nhói, lan tỏa tới các khu vực lân cận khác của mặt. Đôi khi cơn đau hàm có thể gây đau khớp ở mặt dữ dội.
Theo Healthline, dưới đây là một số nguyên nhân có thể dẫn tới hiện tượng đau một bên hàm. Lưu ý các thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ.
Rối loạn khớp thái dương hàm ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm (khớp nối hàm dưới với hộp sọ) và các mô xung quanh, bao gồm cơ, dây chằng và dây thần kinh. Rối loạn khớp thái dương hàm có thể gây đau một bên hàm hoặc đau cả hai bên hàm với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Đó có thể là cơn đau âm ỉ tại khớp thái dương hàm nhưng đôi khi cơn đau nghiêm trọng hơn khiến mọi cử động hàm/mặt đều rất đau đớn và khó chịu.
Dấu hiệu rối loạn khớp thái dương hàm khác có thể gặp như: Chuyển động hàm bị hạn chế, cứng cơ hàm, đau lan tỏa tới vai và cổ, đau đầu mãn tính, đau tai, tiếng lách cách hoặc lạo xạo tựa như nghiến răng khi bạn nhai, ngáp hoặc mở miệng.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn khớp thái dương hàm như: Chấn thương hàm, tật nghiến răng, thói quen siết chặt hàm dẫn tới tăng áp lực vùng cơ hàm, thói quen hay ăn các thực phẩm cứng, thói quen chỉ nhai một bên hàm, căng thẳng,...
Các thủ thuật nha khoa như niềng răng hoặc một số vấn đề về sức khỏe răng miệng như bệnh nha chu có thể góp phần gây ra cơn đau một bên hàm. Đau hàm do bệnh răng miệng thường là cơn đau nhói, có thể lan tỏa lên đầu. Các triệu chứng khác có thể gặp như: Đau răng, loét miệng, chảy máu nướu răng, răng nhạy cảm, miệng có mùi hôi.
Một số tình trạng răng miệng phổ biến gây đau một bên hàm bao gồm:
+ Đau răng: Sâu răng, áo xe răng, nhiễm trùng khoang miệng.
+ Răng khôn mọc ngầm: Là tình trạng răng nằm sâu bên trong xương hàm, mọc ở ngay dưới nướu nhưng không thể trồi lên được mà nằm phía dưới nướu gây đau hàm, cứng và sưng đỏ.
+ Bệnh nha chu: Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nha chu có thể ảnh hưởng tới xương hàm và các mô xung quanh gây đau và sưng.
+ Răng mọc lệch, hàm lệch (lệch khớp cắn) dẫn tới căng thẳng cho khớp hàm và các mô xung quanh, theo thời gian gây ra đau đớn.
Viêm xoang là tình trạng các hốc xoang bị viêm, tắc nghẽn dẫn tới cơn đau lan tới hàm, mắt,... Cơn đau do viêm xoang thường có cảm giác nặng, đau tức vùng trán, má, thái dương hoặc đỉnh đầu, sau gáy. Viêm xoang có thể gây đau một bên hàm hoặc đau cả hai bên hàm.
Các triệu chứng viêm xoang khác có thể gặp như: Nghẹt mũi, đau đầu, sốt, ho, hắt hơi nhiều lần, mệt mỏi, mất/giảm khứu giác, đau họng, đau nhức mặt, chảy dịch mũi sau.
Gãy xương hàm, trật khớp hàm là hai trong số những chấn thương hàm phổ biến có thể gây ra các cơn đau hàm.
Gãy xương hàm trên hoặc hàm dưới bị gãy khiến hàm căng đau, cơn đau tăng nặng hơn khi cử động kèm theo bầm tím, sưng mặt; cảm giác đau đớn, khó chịu khi nhai; hàm hoặc răng bị xô lệch; cứng khớp hàml khó khăn trong việc mở và đóng miệng; tê mặt; đau tai, ù tai.
Trật khớp hàm xảy ra khi một hoặc cả hai khớp hàm bị lệch khỏi vị trí ban đầu khiến hàm dưới nhô ra phía trước. Dấu hiệu trật khớp hàm bao gồm: Hai hàm không khớp khi cắn răng lại, khó khăn khi mở miệng nói chuyện, chảy nước dãi do không thể đóng miệng lại, đau ở hàm hoặc đau ở mặt, đau ở trước tai.
Nhiễm trùng ở hoặc xung quanh vùng hàm cũng có thể gây ra cơn đau nhói hoặc đau nhói ở hàm. Cảm giác khó chịu có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn nhai hoặc cắn thứ gì đó. Các triệu chứng khác của nhiễm trùng bao gồm sưng, đỏ và sốt.
Các bệnh nhiễm trùng có thể gây đau một bên hàm bao gồm: Viêm nha chu, áp xe răng, viêm tai giữa, viêm tủy xương tại hàm.
Dây thần kinh sinh ba là một trong 12 cặp dây thần kinh gắn liền với não, còn gọi là dây thần kinh sọ số 5 và chính là dây thần kinh quan trọng ở vùng mặt. Về vị trí, dây thần kinh này bắt đầu từ sọ não và đi ra ngoài hộp sọ trước tai, mỗi bên mặt sẽ có một dây thần kinh sinh ba.
Đau dây thần kinh sinh ba được cho là tình trạng sức khỏe gây ra các cơn đau đớn nghiêm trọng tựa như bị điện giật hoặc bị vật nhọn đâm vào mặt, bao gồm cả đau hàm. Đau dây thần kinh sinh ba xảy ra khi mạch máu đè lên dây thần kinh sinh ba gây mòn hoặc làm hỏng lớp phủ bảo vệ quanh nó; do chấn thương liên quan tới phẫu thuật xoang, phẫu thuật miệng hay do các bệnh lý dẫn tới sự suy giảm bao myelin bảo vệ xung quanh dây thần kinh sinh ba, ví dụ như bệnh đa xơ cứng.
Đau ở một hoặc cả hai bên hàm có thể là dấu hiệu của cơn đau tim. Các triệu chứng cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim bao gồm:
- Đau tức ngực như bị đè (nặng ngực), điển hình là cơn đau ở vùng sau xương ức, cơn đau có thể lan lên vùng cổ, hàm, bả vai, cánh tay kéo dàu từ 20 giây tới 20 phút.
- Cảm giác đau mỏi khó chịu đột ngột lan từ hàm tới lưng hoặc bụng thậm chí là đau mỏi lan tới ngón 4 - 5 của bàn tay trái.
- Đổ mồ hôi lạnh (vã mồ hôi).
- Cảm giác mệt mỏi bất thường, yếu cơ.
- Thở hụt hơi, thở ngắn, khó thở.
- Hoa mắt, chóng mặt đột ngột, thậm chí là ngất xỉu.
- Cảm giác buồn nôn, khó chịu thượng vị, đau bụng, có thể nôn mửa.
- Cảm giác bồn chồn, tim đập nhanh thường là triệu chứng nhồi máu cơ tim phổ biến.
- Hạ huyết áp đột ngột.
Khi phát hiện người có những dấu hiệu nhồi máu cơ tim kể trên, cần nhanh chóng liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn cấp cứu đồng thời thực hiện các bước sơ cứu nhồi máu cơ tim tại chỗ.
Sỏi tuyến nước bọt có thể gây sưng và đau hàm do ống dẫn nước bọt bị tắc nghẽn dẫn tới tích tụ cặn gây sỏi có liên quan tới vi khuẩn hoặc áp xe.
Các triệu chứng sỏi tuyến nước bọt bao gồm: Đau khi ăn, sưng hạch bạch huyết, đỏ khu vực xung quanh như ở dưới lưỡi, tuyến nước bọt mang tai,... Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của sỏi mà có các thủ thuật khác nhau để loại bỏ sỏi.
Ngoài các nguyên nhân gây đau một bên hàm kể trên thì có một số nguyên nhân ít phổ biến hơn cũng có thể khiến một người bị đau một bên hàm như: U men răng, u nang răng hay u răng Odontoma. Những khối u này không phải là khối u ung thư nhưng có thể khiến người bệnh gặp phải cơn đau dai dẳng ở hàm kèm theo các mảng trắng đỏ trong miệng, loét chảy máu miệng, cảm thấy khối u trong miệng, khó nuốt hoặc cử động hàm, khàn giọng, sưng hàm hoặc mặt.
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây đau một bên hàm là gì mà cách điều trị sẽ có sự khác biệt nhưng bạn có thể tạm thời giảm đau tại nhà bằng cách:
- Chườm nhiệt giúp giảm đau nhức, thư giãn các cơ hàm bị căng cứng.
- Chườm lạnh: Giúp gây tê tạm thời để giảm đau và đặc biệt hữu ích khi vùng hàm đang bị sưng tấy.
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Như Acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau tạm thời. Tuy nhiên nếu liều khuyến nghị không giúp giảm đau hoặc bạn cần dùng thuốc giảm đau nhiều hơn vài ngày thì hãy tới khám bác sĩ sớm.
- Giữ cho vùng hàm được nghỉ ngơi bằng cách hạn chế nói chuyện, chọn các thực phẩm không cần nhai nhiều khi ăn.
- Thử massage: Các chuyên gia vật lý trị liệu có thể thực hiện các liệu pháp massage để giúp giải tỏa căng thẳng, từ đó giúp giảm đau hàm. Liệu pháp này đặc biệt hữu ích với người bị rối loạn khớp thái dương hàm.
- Thử thay đổi tư thế ngủ để giảm áp lực lên các cơ hàm.
Như đã nói, nếu cơn đau một bên hàm xuất hiện đột ngột kèm theo các dấu hiệu nhồi máu cơ tim như đau tức ngực, vã mồ hôi, tụt huyết áp, choáng váng, ngất xỉu, tim đập nhanh,... kể trên hoặc khi cơn đau khiến bạn khó khăn để ăn uống, nói chuyện hay cử động miệng, sốt không thuyên giảm, nôn mửa ra chất lỏng có vị mặn và mùi khó chịu, khó thở thì bạn cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ sớm bởi các tình huống này cho thấy cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Ngoài ra, nếu cơn đau một bên hàm không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp giảm đau hàm tại nhà mà còn có xu hướng đau nghiêm trọng hơn, lan tỏa ra các vùng xung quanh hoặc kéo dài hơn vài ngày hay có vẻ như hết/giảm nhẹ rồi lại tái phát thì cũng cần khám bác sĩ sớm.
Bác sĩ sẽ bắt đầu chẩn đoán bằng việc thăm hỏi về các triệu chứng như cơn đau, tần suất đau, cường độ cơn đau hàm, điều gì khiến cơn đau hàm tăng lên hoặc giảm nhẹ đi. Ngoài ra bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện đóng - mở hàm để kiểm tra độ lệch nếu có. Các xét nghiệm có thể cần thiết để chẩn đoán chính xác hơn, đó có thể là xét nghiệm hình ảnh như chụp CT, chụp MRI để cung cấp hình ảnh chi tiết về khớp thái dương hàm cũng như các cấu trúc xung quanh như cơ, dây thần kinh, mô; xét nghiệm máu để kiểm tra một số tình trạng liên quan đến đau hàm một bên, như nhiễm trùng, viêm khớp hoặc rối loạn tự miễn,...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn