Bị dị tật hẹp tá tràng bẩm sinh hiếm gặp, thai nhi phải chào đời sớm

20:03 | 22/11/2018;
Sau khi khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, BV phát hiện thai nhi bị hẹp tá tràng bẩm sinh nên chỉ định mổ lấy thai. Sau đó, chuyển em bé xuống BV tuyến trên và phẫu thuật thành công.

Ngày 22/11, bác sĩ Vi Hồng Kỳ, Giám đốc BV Đa khoa Mộc Châu (Sơn La) cho biết, BV vừa phối hợp với BV Nhi TƯ cứu sống bệnh nhi sơ sinh bị hẹp tá tràng bẩm sinh, một dị tật hiếm gặp.

Trước đó, khoa Phụ sản của BV tiếp nhận bệnh nhân Hoàng Thị Kim Oanh (29 tuổi, tiểu khu 5, thị trấn Mộc Châu) trong tình trạng đau bụng từng cơn liên tục, mang thai lần 3, tiền sử từng 2 lần sẹo mổ lấy thai.

Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán thai 38 tuần, mang thai lần 3, đa ối, theo dõi dị tật hẹp tá tràng bẩm sinh nên chỉ định mổ cấp cứu.

46519665_2003243736641354_4862508767029231616_n.png
Nhân viên y tế tư vấn cho người nhà bệnh nhi

Sau hơn 30 phút, một bé gái nặng gần 3kg đã chào đời và nhanh chóng thực hiện “da kề da” với mẹ. Sau một thời gian theo dõi và chăm sóc tại Đơn nguyên Sơ sinh, bệnh nhi được chuyển xuống BV Nhi TƯ. Tuy nhiên, BV vẫn theo dõi và cập nhật tình hình sức khỏe của bệnh nhi.

Tại BV Nhi TƯ, sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhi được mổ cấp cứu trưa ngày 21/11 với chẩn đoán hẹp tá tràng bẩm sinh. Sau hơn 2 tiếng thực hiện, ca mổ đã thành công. Hiện bệnh nhi đang được chăm sóc và theo dõi tại BV.

Theo các bác sĩ, hẹp tá tràng bẩm sinh là loại dị tật chẩn đoán được trong thời kỳ thai nhi. Hẹp tá tràng bẩm sinh là sự bít tắc hoàn toàn hoặc một phần tá tràng. Tá tràng là đoạn đầu của ruột non nhận thức ăn từ dạ dày đi xuống, có dạng cong chữ u. 

screenshot-127.png
Bệnh nhi sau khi chào đời được chăm sóc tại Đơn nguyên sơ sinh trước khi chuyển xuống BV Nhi TƯ

Dị tật hẹp tá tràng bẩm sinh có thể được chẩn đoán nhờ siêu âm trước sinh vào 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh từ khi bé còn trong bào thai phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn của bác sĩ và trang thiết bị siêu âm.

Khi bị hẹp tá tràng, bệnh nhi có biểu hiện điển hình của hội chứng tắc ruột sơ sinh, như bé nôn sớm ngay sau khi đẻ. Theo đó, có khoảng 90% các trường hợp xuất hiện triệu chứng nôn ngay trong ngày đầu tiên và hầu hết các bé nôn ra mật. Bé có thể sẽ chậm ỉa phân su hoặc không có phân su. Bên cạnh đó, bé có biểu hiện khóc nhiều, lười bú.

Khi được chẩn đoán bệnh sớm, các thai phụ có thể được chuẩn bị tâm lý để tiến hành phẫu thuật sớm cho trẻ ngay sau khi ra đời. Việc này rất cần thiết vì phẫu thuật sớm tránh cho trẻ bị rối loạn nước và điện giải do nôn nhiều, dẫn đến mắc bệnh viêm phổi mà hậu quả có thể dẫn tới tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong thời kỳ mang thai, các mẹ bầu cần khám định kỳ tại các BV để bác sĩ có thể phát hiện các dị tật bẩm sinh và có hướng điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn