Bị dọa nạt nhiều, trẻ sẽ trơ lỳ cảm xúc

16:11 | 05/12/2016;
Con không ăn - dọa nhốt phòng tối, con không uống thuốc - dọa đến bác sĩ tiêm, con không làm bài tập - dọa không cho đi chơi… Rất nhiều cha mẹ đang dạy con bằng cách dọa nạt mà không biết, dọa con lâu dài sẽ gây hậu quả khó lường.

Bé Cherry, con gái 5 tuổi của chị Hoàng Thị Dung (nhân viên ngân hàng ở quận Hà Đông, Hà Nội) cứ đến giờ ăn là không chịu ngồi yên một chỗ. Vốn lười ăn, bé luôn tìm cách trốn... ăn. Lúc nhảy lên ghế, khi lại bò xuống sàn. Dỗ dành chán chê không nghe, chị Dung nhiều lần phải dùng biện pháp mạnh là dọa con. 

b2.jpg
 Bé sẽ sợ hãi nếu bố mẹ lạm dụng việc dọa nạt con. Ảnh minh họa internet.

Câu chuyện dạy con biết nghe lời không chỉ là nỗi khổ tâm của riêng phụ huynh này. Rất nhiều bố mẹ thừa nhận là có sử dụng biện pháp dọa nạt khi nói con không nghe. Tùy mức độ, hoàn cảnh, nhưng “điển hình” nhất vẫn là cách dọa như: Gọi công an nhốt vào đồn, dọa nhờ bác sĩ tiêm vào mồm, nhốt vào phòng tối…

“Tôi thường dọa cháu là nếu không ăn sẽ không cho đi chơi công viên, không mua váy mới nữa. Hoặc không ăn thì để mẹ quay phim gửi cô giáo ở lớp để mở cho các bạn xem… Lúc đầu thì ăn răm rắp như chỉ vài lần thôi, sau đâu lại vào đấy!”, chị Dung than thở.

Không phải mọi lời dọa dẫm đều sai, song theo chuyên gia tâm lý, lạm dụng cách dạy này sẽ gây hệ lụy khó lường cho con trẻ. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Yến (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, dọa con quá nhiều thể hiện sự bất lực của cha mẹ trong nuôi dạy con. “Có thể hiệu quả trước mắt là con sẽ nghe lời, nhưng lâu dài, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề như sợ hãi, thiếu tự tin hoặc là trơ lỳ cảm xúc vì bị dọa nạt quá nhiều”, bà Yến cho biết.

Cha mẹ nên làm gì?

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Yến, cha mẹ cần kiếm chế tối đa cảm xúc nóng giận và phải thật kiên trì với con. Dưới đây là một số điều cha mẹ cần lưu ý:

- Kiên nhẫn và kiên nhẫn: Kiềm chế nóng giận, tuyệt đối không "giận cá chém thớt". Giải thích với trẻ, phân tích cho trẻ hiểu những mặt tốt, xấu. Ngay lúc đầu trẻ có thể chưa nghe ngay nhưng dần dần trẻ sẽ ngấm và nghe lời.

- Làm bạn với con: Hai mẹ con thủ thỉ, trước giờ đi ngủ, lúc đi chơi. Mẹ hãy xin lỗi con vì đã nóng giận, nhưng phân tích cho con hiểu việc đúng, sai. Với trẻ lớn hơn, cần kiên trì giải thích về những lợi ích của việc chăm học, động viên khơi gợi nhưng tiềm năng, hứng thú của trẻ. Khi trẻ được động viên kịp thời thì sẽ thấy hứng thú.

- Dành thời gian ở bên con nhiều hơn: Thay vì ép con nghe lời mình, bố mẹ nên biết lắng nghe con cái để hiểu con đang nghĩ gì. Từ đó có cách giáo dục con phù hợp.

- Bố mẹ trò chuyện với nhau, tìm các nhóm sinh hoạt cha mẹ như hội phụ huynh, phụ nữ khu phố… cùng chia sẻ để tìm ra được biện pháp phù hợp nhất để giáo dục con.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn