Chị Nguyễn Thị Phương, ở Q. Hà Đông khi nhắc về bố mẹ già của mình với sự tiếc nuối, vì chỉ một việc làm tưởng như rất nhỏ bé, lại là sự vô tâm của chị với bậc sinh thành của mình. “Mỗi lần bị bố càu nhàu, ca thán, thời gian đầu tôi còn thấy bực mình, nhưng càng nghĩ, càng thấy thương cho tuổi già của người bố hơn 70. Ở tuổi xế chiều rồi, bố tôi muốn lưu giữ những kỷ vật cũ kỹ của thời trẻ cũng là bình thường thôi, tôi thấy mình có lỗi vì đã làm mất đi kỷ vật của ông” – chị Phương bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Hằng chia sẻ: “Khi bố mẹ tôi đã được vợ chồng anh cả đón về nuôi dưỡng tuổi già, căn nhà cũ bố mẹ cho mẹ con tôi về ở sau ly hôn. Trong 1 lần dọn dẹp nhà, thấy cái chậu nhôm cũ mẹ cất kỹ trong gầm giường đầy bụi và màng nhện, tôi đem bán đồng nát cho gọn. Vậy mà đã mấy năm trôi qua, mẹ tôi vẫn ca thán, đòi tôi trả lại cái chậu nhôm cũ. Bà bảo đó là kỷ vật do người bạn đi Liên Xô tặng ngày xưa, bao lần chuyển nhà bà vẫn mang theo, giờ tôi về nhà làm mất của bà? Tôi thực sự thấy phiền lòng với mẹ vì chuyện nhỏ nhặt này quá, mỗi lần mẹ mắng, tôi đều lỉnh ra chỗ khác mà không khỏi áy náy”.
Với chuyện lưu giữ kỷ vật cũ này, chị Bùi Thuý Vinh, ở tỉnh Hà Nam cũng khổ sở với chuyện nhờ người bạn thân nhất đến dọn dẹp giúp đồ đạc cũ của bố mẹ mình. Trước đây, bố mẹ Vinh luôn ủng hộ tình bạn đẹp của đôi bạn từ nhỏ, mỗi khi nhà Vinh hay nhà bạn cần giúp đỡ, 2 đứa đều qua lại như con cái chung để hỗ trợ nhau việc gia đình, chăm sóc bố mẹ 2 bên, kể cả lúc 2 đứa đã có gia đình riêng. Ngày nọ, bố mẹ Vinh đi chơi về thấy 2 đứa đang sắp xếp đồ đạc trong phòng của ông bà, Vinh thay mới chiếc giường cũ, ga, đệm cũ. 2 đứa hí hửng đón ánh mắt cảm ơn của bố mẹ Vinh, thì gương mặt mẹ Vinh biến sắc: “Giường cũ của bố mẹ đâu, các chị kê lại ngay cho chúng tôi, chúng tôi không cần thay đổi gì hết…”.
Vinh và bạn gái nắm chặt tay nhau lo lắng trước cơn giận lôi đình của mẹ. Mẹ Vinh gằn giọng chỉ về phía cô bạn thân của Vinh: “Chị ra khỏi nhà chúng tôi đi, chị đến đây toàn xúi cái Vinh làm lộn xộn hết nhà tôi, chúng tôi quen dùng đồ cũ rồi, giường chúng tôi đang nằm còn tốt, sao phải thay?”.
“Tôi thương con bạn thân quá, nó lủi mất ra cổng với nỗi lo lắng ám ảnh, vì tôi nhờ bạn sang dọn dẹp giúp, chứ nó không xúi giục gì tôi. Từ đó nó không dám đến nhà tôi chơi lần nào nữa, vì sợ gặp khuôn mặt khó chịu của mẹ” – Vinh cho biết.
Sau nhiều ngày mẹ Vinh ra rả ca thán, trách móc, Vinh mới hiểu rằng, việc cô thay mới đồ đạc trong phòng của bố mẹ cho hiện đại hơn, sang trọng hơn để gây bất ngờ thú vị cho bố mẹ, cũng là mong muốn lo cho cuộc sống của bố mẹ tươm tất hơn, nhưng tất cả điều đó lại không hề làm bố mẹ vui. Cô đã trót thanh lý hết đồ cũ của bố mẹ, không thể lấy về được. Bố Vinh thủ thỉ với con gái: “Mẹ con vẫn giận nhiều lắm, tất cả giường chiếu, đệm ga đều đi cùng năm tháng của đời bố mẹ ngày xưa. Tích góp cả tháng lương mới mua được cái chăn con công, hơn 1 tháng lương mới mua nổi cái giường đó… Nằm trên giường mới, to đẹp hơn nhưng mẹ con nói thấy căn phòng ngủ của mình xa lạ, không ấm áp như xưa… Lần sau con có muốn thay đổi gì đồ đạc dù đã cũ, hỏng của bố mẹ, con nên hỏi ý kiến mẹ trước đã…”.
Nhà anh Phạm Văn Đước, ở Gia Lâm, Hà Nội cũng vậy, anh là con trai độc nhất của gia đình, được bố mẹ già cho căn nhà để lấy vợ, sinh con, tài sản duy nhất của đời bố mẹ đã dành cho anh. 2 năm đầu sau khi anh lấy vợ, bố mẹ anh vẫn sống chung trong nhà, nhưng kể từ khi vợ chồng anh sinh con, bố mẹ anh đã chuyển ra căn hộ chung cư để vợ chồng anh có không gian riêng sinh sống. Dẫu rất tâm lý trong việc tránh xung đột bố mẹ chồng – con dâu, tuy nhiên mỗi lần anh Đước muốn thay đổi cái phản cũ ở phòng khách bằng bộ salon mới hay bất cứ đồ đạc gì trong nhà, bố mẹ anh đều không đồng ý.
Có lần anh đã liều mình cho người bạn cái tủ ly cũ kỹ ở phòng khách, để thay bằng tủ trang trí mới, nhưng sau những lời cáu kỉnh, phàn nàn của bố mẹ, anh buộc phải đến nhà bạn đòi lại cái tủ ly cũ, mang về kê đúng góc nhà trả cho bố mẹ như ngày trước.
Vài lần vợ chồng anh cũng cảm thấy bực bội, đã to tiếng với bố mẹ về việc thay đổi đồ đạc trong nhà, vì cái tủ đứng đã nứt cánh, cái cánh cửa đã sắp mục… , hơn nữa bố mẹ đã ở nhà khác, không còn sử dụng đồ đạc ở căn nhà này nữa, nhưng đều không được sự đồng ý. “Nghĩ nhiều lúc tôi khá bực tức với sự bảo thủ của bố mẹ, thậm chí có lúc vợ chồng tôi cũng cãi nhau vì chuyện bố mẹ tôi không cho thay đổi đồ đạc cũ. Vì nếu không thanh lý đồ cũ đi nơi khác, thì mua đồ mới về tôi cũng không biết kê vào đâu cho vừa. Có lúc tôi muốn trả lại nhà cho bố mẹ vì tự ái, đi nơi khác thuê nhà thì cũng là nhà của mình, thích sắm gì, thích mua đồ gì thì mua, nhưng nghĩ cho cùng, lại thương bố mẹ mình đã già”.
“Trả nhà lại cho ông bà cũng giống như tôi làm một việc bất hiếu với bậc sinh thành của mình vậy. Mà cứ ở vậy, thì vợ chồng tôi cũng ấm ức, nhưng mọi chuyện đành vì cha mẹ già mà sống tiếp. Tôi đành phải động viên vợ con, coi như vợ chồng tôi lưu giữ kỷ vật cũ giúp bố mẹ vậy, căn nhà cổ kính một chút cũng không sao, miễn là bố mẹ già vui lòng, mà vợ chồng tôi cũng tiết kiệm được một khoản sắm sanh, sau này bố mẹ già khuất núi sẽ tính sau” - anh Đước tâm sự.