Người phụ nữ gọi cho Thanh Tâm có giọng nói nghe rất trẻ. Tuy nhiên, cô giới thiệu mình 34 tuổi, đã có chồng và 3 con. Thấy Thanh Tâm hơi ngạc nhiên, cô giải thích ngay: “Cháu lấy chồng từ năm 19, sinh đứa đầu là con gái, hai thằng cu sau sinh đôi”. Ngừng giây lát rồi cô tiếp: “Cuộc sống của cháu nói thật với cô không hạnh phúc, vợ chồng cháu khác nhau về tư tưởng, lục đục, nhiều lúc cháu nghĩ muốn bế con lên chùa đi tu”.
Qua lời kể của cô, Thanh Tâm dần hiểu ra. Chồng cô hơn vợ 12 tuổi. Khi họ mới tìm hiểu, bản thân cô cũng chưa kịp có tình cảm gì nhiều. Nhưng lúc đó, ba cô đã 72 tuổi, bị tai biến cứ đau đáu mãi về cô con gái út nên cô “tặc lưỡi” cưới luôn cho ông cụ yên lòng. Ngay tại thời điểm lấy chồng, cô đã có cảm giác ngờ ngợ rằng mình hơi vội vã và người đàn ông này có cái gì đó không phù hợp. Nhưng đã trót nhận lời, sau đó trót đám cưới với nhau rồi nên... đành chịu.
Cứ hy vọng ở lâu dần tình cảm cũng lớn hơn nhưng 1 đứa, 2 rồi 3 đứa con sinh ra, cô càng cảm thấy cuộc sống bế tắc, buồn khổ. Gần như giữa hai vợ chồng cô không có sự chia sẻ mà chỉ là một hình thức góp gạo thổi cơm chung, việc ai người ấy lo, tiền ai người ấy kiếm. Những áp lực về kinh tế, sức ép từ phía nhà chồng cộng với một mình xoay xở chăm 3 đứa con khiến cô rơi vào trạng thái mệt mỏi và tuyệt vọng. Đã có lúc cô nghĩ đến chuyện “giải thoát” và thế là cô bế 3 đứa con về nhà mẹ đẻ.
Tưởng cuộc hôn nhân đến đây là kết thúc nhưng một thời gian sau, chồng cô khăn gói sang “đoàn tụ”, cô lại mủi lòng. Lần này tình trạng cũng chẳng có gì thay đổi, vẫn nhạt nhẽo, chán nản. Thậm chí sang ở nhà vợ nhưng anh ta vẫn rượu chè mỗi ngày, vợ nói thì... đánh.
Trong lúc buồn chán, cô tham gia vào một câu lạc bộ kết bạn. Ở đó, cô quen một người đàn ông cách cô cả nghìn cây số. 2 người giữ liên lạc bằng tin nhắn, điện thoại. Cô bắt đầu cảm thấy cuộc sống vui vẻ và có ánh sáng hơn. Tuy nhiên cả hai đều không mảy may có suy nghĩ xa xôi, gặp mặt hay thúc đẩy tình cảm mà chỉ coi nhau như bạn tri kỷ.
Chồng cô biết chuyện, anh ta chửi nhau một trận ầm ĩ với người đàn ông kia rồi quay ra quy kết cô tội ngoại tình. Kể từ sau đó, việc mắng chửi, đánh đập cô, anh ta cứ tùy theo cảm hứng. Ban đầu cô giải thích nhưng về sau chán quá nên để mặc anh ta muốn làm gì thì làm. Có lúc không chịu đựng nổi, cô bỏ nhà lên chùa lang thang, khi bình tĩnh lại mới lê gót trở về... Hôm nay, cô gọi cho Thanh Tâm là vì vừa bước chân vào nhà, chồng cô đã rít lên: “Mẹ mày đã đi theo trai về rồi. Chúng mày sắp có nhà mới...”. Đứa con trai út ngây thơ tròn xoe mắt hỏi: “Mẹ ơi, chúng ta mua nhà mới thật à?”. Cô chợt giật mình, rồi một ngày các con cô lớn lên và chúng sẽ hiểu hết những điều bố nói...
Thanh Tâm hỏi cô gái, tại sao không đấu tranh, thay đổi? Cô bảo: “Em làm rồi nhưng không ăn thua, giờ em kệ”. Thanh Tâm lại hỏi: “Vậy nếu như cuộc sống mờ mịt, tại sao không nghĩ đến chuyện ly hôn?”. Cô gái lại vội vàng: “Không được chị ơi. Các con em còn dại, chúng chưa biết gì, chỉ cần có cả bố mẹ là yên tâm, vui vẻ. Hơn nữa có vợ có chồng mới yên ổn, dễ làm ăn, một mình người ta khinh”. Nguyện vọng của cô gái vô cùng nhỏ nhoi: Cô không hi vọng cuộc sống tốt đẹp, không trông mong chồng nghĩ lại, tình cảm hay tử tế với vợ mà chỉ cầu “anh ta im lặng, đừng đánh đập để em còn nuôi con”.
Những lời tâm sự của cô gái cùng với cơn mưa sầm sập ngoài trời khiến tâm hồn của Thanh Tâm trĩu nặng. Một khi người phụ nữ ấy không thể dứt khoát cho một quyết định đấu tranh hay giải thoát thì không ai có thể kéo cô khỏi “nhà tù” do chính cô tạo nên.