Trên báo chí hay trong những câu chuyện thường ngày, nhiều người thường bày tỏ sự thương cảm với trẻ em nhà nghèo, khó khăn. Thế nhưng, liệu những đứa trẻ nhà giàu có luôn sung sướng và hạnh phúc?
TS. Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền đã có những chia sẻ về "bi kịch của con nhà giàu" thu hút nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh:
"Tuấn Nghĩa sang Anh du học từ năm 16 tuổi, khi mới học xong lớp 10. Gia đình không gửi cậu cho bất cứ bạn bè, họ hàng thân thích nào ở Anh cả. Cậu học và ở tại ký túc xá của trường. Cậu đã đòi bằng được việc đi du học.
Nhiều người tò mò hỏi cậu: "Em là con duy nhất trong nhà, em đi, không sợ ba mẹ em buồn sao?", cậu tỉnh bơ: "Em ở nhà hay ở đây đều không khác gì nhau. Ở nhà em còn buồn hơn vì cảm giác vừa tù túng vừa cô đơn. Ba mẹ của em đều làm ở nước ngoài, mỗi người một nước, mỗi tháng về vài hôm thăm em rồi đi. Em sang đây, họ đỡ mất công về, có khi còn mừng!".
Suốt hai năm học A-level rồi vào đại học, Tuấn Nghĩa đều không về Việt Nam, ba mẹ của Nghĩa mỗi người sang Anh thăm cậu được một lần, chỉ có tiền là gửi đều đặn, không bao giờ thiếu. Cậu rất ít bạn. Có thời gian khủng hoảng chuyện tình cảm đôi lứa (chỉ là tình yêu đơn phương từ phía cậu), cậu rơi vào trầm cảm, nợ rất nhiều môn vì thi lại cũng không đậu. Gia đình cậu không hay biết chuyện này để chia sẻ kịp thời. Cậu tự giải quyết vấn đề bằng cách... hút thuốc và sử dụng các chất gây nghiện.
Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi bạn của cậu kể lại với gia đình. Mẹ câu vội vàng đưa cậu về Việt Nam nhưng đẩy cậu về vùng quê hẻo lánh cho đỡ mất mặt. Chứng trầm cảm lẫn nghiện ngập khiến cậu tìm đến cái chết và may mắn được cứu sống, nhưng cuộc đời gần như đi vào ngõ cụt.
Một câu chuyện khác: Minh Anh được mẹ cho đi Mỹ du học khi mới 14 tuổi để cô bé đang tuổi dậy thì này không phải chứng kiến cảnh "cơm không lành, canh không ngọt" của ba mẹ. Còn có một lý do lớn hơn là mẹ của Minh Anh, một phụ nữ rất giỏi kiếm tiền, mong muốn con được học hành ở môi trường tốt nhất, có bằng cấp danh giá để sau này về kế tục công việc kinh doanh của bà. Đương nhiên, Minh Anh thấu hiểu lý do mẹ đưa mình sang Mỹ.
Ở nơi xa lạ, việc học khó khăn, không người thân, không bạn bè, lại không thể giãi bày tất cả tâm sự với ba mẹ, Minh Anh bị trầm cảm nặng, kéo theo hệ lụy là chứng tự hủy hoại bản thân. Mỗi khi buồn phiền, cô thường lấy lưỡi lam tự rạch tay đến chảy máu.
Gia đình chỉ biết chuyện này khi được nhà trường gửi thư thông báo. Ba mẹ quyết định đưa Minh Anh về Việt Nam điều trị. Đáng tiếc là trong suốt quá trình điều trị tâm lý, sự phối hợp của ba mẹ cô bé cũng rất hời hợt, và rối nhiễu của Minh Anh cứ kéo dài mãi.
Một thống kê cho thấy, trẻ của gia đình có thu nhập cao có tỷ lệ bị rối nhiễu trầm cảm và lo âu (thậm chí cả các bệnh thể chất) cao gấp đôi so với trẻ ở các gia đình có thu nhập trung bình. Những rối nhiễu này kéo theo việc các chứng tự hủy hoại bản thân, nghiện chất cấm, rối loạn ăn uống của trẻ giàu cũng cao hơn mức bình thường. Ở trường, nhóm trẻ này thường giận dữ, gây hấn, thiếu động lực học tập.
Lý giải cho hiện tượng này, một số nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, trẻ được sinh ra trong gia đình giàu có thường chịu sức ép lớn từ sự kỳ vọng của cha mẹ. Cha mẹ của trẻ giàu thường đòi hỏi con xuất sắc trong mọi lĩnh vực, từ học thuật đến năng khiếu nghệ thuật. Họ sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền để đầu tư cho con học tại những môi trường tốt nhất, và thường mặc định con cũng phải đạt được kết quả cao nhất.
Điều đáng tiếc là trẻ trong các gia đình này lại thường được chăm sóc, nuôi dạy bởi người giúp việc, quản gia, gia sư,... Ngay cả thời gian ba mẹ ăn cơm với trẻ cũng hạn chế. Vì bận rộn và bản thân cũng chịu nhiều áp lực từ công việc, địa vị nên ba mẹ giàu có ít chia sẻ, tương tác với con, dẫn đến không phát hiện kịp thời các rối nhiễu của con. Và khi phát hiện điều này, họ thường sử dụng các dịch vụ trị liệu chuyên nghiệp nhưng bản thân lại không thể thu xếp thời gian để đồng hành cùng con, trong khi hầu hết các can thiệp tâm lý chỉ hiệu quả khi có sự phối hợp của gia đình.
Ở Việt Nam, các hiện tượng trên đều xuất hiện và có phần nghiêm trọng hơn. Không ít cha mẹ Việt có điều kiện kinh tế khá giả vốn xuất thân nghèo khó, phải trải qua rất nhiều gian khổ nên sự kỳ vọng với con càng lớn.
Chưa có nghiên cứu quy mô nào về vấn đề này, nhưng quan sát thực tế cho thấy mức đầu tư của phụ huynh Việt Nam cho việc học của con đang tăng nhanh chóng và đi kèm đó là việc gây áp lực cho con. Trẻ bị buộc phải học thêm từ các môn văn hóa đến ngoại ngữ, nhạc, vẽ, nhảy múa, các môn thể thao đẳng cấp,... bất chấp trẻ không thích và không có khả năng tiếp thu hết.
Ngoài ra, cũng như cha mẹ ở các quốc gia giàu có, cha mẹ Việt khá giả cũng "ăn bớt" thời gian dành cho con, giao phó việc nuôi dưỡng lẫn dạy dỗ con cho nhà trường, người giúp việc. Rất nhiều trẻ nhà giàu được gửi vào học nội trú ở các trường tư thục đắt tiền, có khi đến vài tháng mới được về nhà thăm cha mẹ. Cha mẹ giàu có không tiếc tiền cho con, thế nên có những trẻ dùng tiền để "mua vui" vô tội vạ: Trốn học, nghiện game, nghiện ma túy, đua xe, cá độ, uống rượu,...
Ở Việt Nam, khi trẻ vướng vào các rối nhiễu hay các tệ nạn xã hội, điều kiện để chữa trị, can thiệp, điều chỉnh đều hạn chế hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển. Do đó, cuộc đời của không ít đứa trẻ nhà giàu lại thành bi kịch.
Kinh tế gia đình khá giả là một điều tốt vì trẻ sẽ có cơ hội tiếp cận những điều kiện nuôi dạy chất lượng cao. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ lại chịu sự chi phối mạnh mẽ từ giáo dục gia đình và các mối quan hệ giao lưu, tương tác với trẻ.
Nói cách khác, vật chất đầy đủ chỉ là phương tiện hỗ trợ chứ không phải là yếu tố quyết định nhân cách của trẻ. Vì thế, trước hết, cha mẹ giàu có nên hiểu rằng việc kiếm thật nhiều tiền để cho con cuộc sống nhung lụa là chưa đủ, mà còn cần dành thời gian trực tiếp nuôi nấng, giáo dục con.
Trẻ dù xuất thân trong gia đình giàu có hay nghèo khó cũng đều khao khát tình yêu thương của cha mẹ. Tự thân trẻ không có nhu cầu về vật chất như đồ chơi đắt tiền, nhà ở sang trọng,... nếu không có cha mẹ cho trẻ làm quen với điều đó. Vì vậy, cha mẹ không thể viện dẫn lý do vì nhu cầu của con mà phải bận rộn kiếm tiền và không thể dành thời gian quan tâm con.
Những trẻ bị rối nhiễu tâm lý thường trách móc cha mẹ ở điểm này thay vì tri ân cha mẹ vì đã cho mình đời sống vật chất tốt. Đây là một nghịch lý mà cha mẹ giàu có nên ý thức để cân bằng giữa việc kiếm tiền và sự quan tâm cho con.
Được sinh ra trong một gia đình khá giả là một may mắn nhưng cũng mang lại cho trẻ không ít áp lực. Trẻ không chỉ được cha mẹ kỳ vọng quá nhiều mà cách nhìn nhận của những người xung quanh cũng có phần khắt khe với trẻ.
Chẳng hạn, trẻ nghèo, học kém, thường sẽ được mọi người thông cảm. Nhưng trẻ nhà giàu học kém thì lại dễ bị chê cười, dè bỉu, dù có khi việc học kém này do khả năng trẻ hạn chế chứ chưa hẳn vì trẻ lười biếng, thiếu nỗ lực. Nếu cha mẹ giàu có đủ tinh tế và sâu sắc để nhận ra điều này thì họ sẽ khéo léo trong việc khơi gợi con xác lập các mục tiêu phù hợp trong cuộc sống, sẽ hỗ trợ, động viên con thực hiện các mục tiêu này thay vì áp đặt, thúc ép con.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn